Giúp đỡ những mảnh đời lầm đường, lạc lối trở về

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, sự giúp đỡ có hiệu quả của BĐBP, vùng biên giới tỉnh Gia Lai đang thực sự hồi sinh. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, các hộ dân trở về từ 'ảo vọng giàu sang' nói riêng đã có bước phát triển, tình đoàn kết quân dân được củng cố, bền chặt.

Bài 1: “Thiên đường” chính là quê hương

Bài 2: Đất mới hồi sinh

Cán bộ BĐBP Gia Lai hướng dẫn vợ chồng anh Rơ Ma Mon cách trồng tiêu. Ảnh: Lê Quang Hồi

Cán bộ BĐBP Gia Lai hướng dẫn vợ chồng anh Rơ Ma Mon cách trồng tiêu. Ảnh: Lê Quang Hồi

Những ngày sau Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi lên vùng biên giới Gia Lai, theo Quốc lộ 14C và đường tuần tra biên giới. Hai bên đường bạt ngàn một màu xanh của cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, lúa nước. Nhiều ngôi nhà mới xây khang trang, sạch, đẹp, những chuyến xe ô tô chở đầy mì khô (sắn), cà phê, mủ cao su... hối hả về xuôi, minh chứng cho vùng đất "phên giậu" của Tổ quốc đang trên đà phát triển. Đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh vui tươi, không khí hối hả của người dân xuống đồng sản xuất.

Nắm chặt tay nhau như người thân lâu ngày gặp lại, ông K Pui Chel (72 tuổi, dân tộc Gia Rai), già làng Ó (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình từng có người vượt biên trái phép qua biên giới trở về.

Dưới nắng vàng dịu nhẹ ngày xuân, trên con đường làng được bê tông hóa, già làng Chel tự hào khoe rằng: “Hơn 3 năm qua, trong làng và cả khu vực biên giới này không còn ai nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép qua biên giới nữa. Biết cái sai để trở về, dân làng bao dung, lại được BĐBP giúp đỡ tận tình, hiệu quả, nên ai cũng tập trung làm kinh tế, chăm lo cho con cái học hành. Nhiều hộ khá giả, có của ăn, của để và đã san sẻ, giúp lại những người nghèo trong làng để cùng vượt khó vươn lên. Họ cũng chính là những “mắt xích” cùng với BĐBP tuyên truyền, hướng dẫn bà con không nghe lời kẻ xấu tụ tập gây rối và tham gia các Tổ tự quản bảo vệ thôn làng và vùng biên giới”. Nói xong, già làng Chel cười rất vui.

Hơn 10 năm trước, vợ chồng anh Rơ Ma Mon ở làng Ó là một trong những gia đình vượt biên trái phép sang Campuchia. Sống những ngày cơ cực, đói khát trên đường rừng núi, trong trại tập trung, anh Mon hiểu hơn ai hết giá trị của những ngày sống tự do tự tại trên chính mảnh đất quê hương.

“Nhờ chính quyền địa phương và BĐBP giúp đỡ, hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn trồng, chăm sóc..., đến nay, gia đình mình đã có gần 2ha cà phê, 700 cây hồ tiêu đang độ tuổi thu hoạch, trên 1ha cao su và 1,2ha mì (sắn), hằng năm cho thu nhập trung bình khoảng 150 triệu đồng. Có tiền rồi, mình mới có đủ tiềm lực nuôi 3 đứa con ăn học, đầu tư cho sản xuất, cho cây nó ăn nhiều phân, uống đủ nước, đủ chất mới tốt tươi và cho nhiều trái, nhiều mủ. Các hộ dân trong làng ai thiếu tiền thì mình cho mượn, thời gian từ 1 đến 3 năm, nhưng chỉ cho vay để sản xuất thôi; nhà nào thiếu cây giống, vợ chồng mình cũng cho. Khi sai lầm được dân làng bao dung, lúc thiếu đói được bộ đội giúp đỡ, bây giờ no đủ rồi phải giúp lại những người nghèo khó và cùng với BĐBP tuyên truyền, hướng dẫn bà con không nghe theo lời kẻ xấu để gây rối, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Bây giờ, người ta có cho tiền bạc, đem cả ô tô đến đón, mình cũng không bao giờ đi nữa” - Anh Rơ Ma Mon nói.

Trung tá Ngôn Ngọc Cương, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Chia cho biết: "Ngoài xác định nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới, quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn phối hợp với chính quyền cơ sở tập trung tuyên truyền, trực tiếp tham gia hỗ trợ giúp người dân, trong đó có nhiều hộ “vượt biên trái phép trở về” bằng những mô hình kinh tế thiết thực, hiệu quả, từ việc sửa chữa, xây dựng nhà cửa, cấp gạo mùa giáp hạt, đến hỗ trợ hạt giống, con giống, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí... để bà con phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Biên giới chỉ được bình yên, khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân bảo đảm, lòng tin được củng cố, các cháu được học tập tốt. Khi kinh tế đã phát triển, tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết quân dân được củng cố bền chặt hơn, bà con địa phương, nhất là người dân ở những làng giáp biên giới đã tích cực cùng BĐBP tuần tra, bảo vệ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Pơ Cô hướng dẫn những người dân “lạc bước trở về” cách thu hoạch điều. Ảnh: Lê Quang Hồi

Chúng tôi đến xã Ia Chia khi nắng chiều đã chen sau bóng cây, vợ chồng ông Siu Vi ở làng Bia vừa đi thu hạt điều về. Tiếp chúng tôi trong căn nhà thoáng rộng mới xây xong trước Tết, ông Vi bộc bạch: “Lúc đi thì lén lút như con nai, con hoẵng trong rừng, lúc trở về cũng sợ “Công an bắt, đánh đập, bỏ tù” như lời bọn xấu nói. Nhưng thực sự không phải vậy, mình trở về thấy ai cũng vui vẻ, thân tình, tận tình giúp đỡ. Có đất, có tiền, được ngân hàng chính sách cho vay, có cây giống cà phê, cao su, hồ tiêu, rồi có cả con bò giống được Đồn Biên phòng Ia Chia hỗ trợ, vợ chồng mình đêm ngày lao vào làm, làm như để bù lại những tháng ngày sống chui lủi, đói khát, khổ cực trong trại. Cây trồng không phụ công người, đến nay, 5ha điều, tiêu, cao su trong vườn nhà mình đã bắt đầu khai thác, 6 con bò sinh sản... theo giá như hiện tại, một năm cũng thu về trên 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình sẽ no đủ hơn”.

Trải dài trong tầm mắt, vùng biên giới Gia Lai bát ngát một màu xanh mơn mởn của cây trái. Người dân nơi đây đã thực sự quên đi “giấc mộng phồn hoa” nơi xứ lạ, mà đã biết yêu quý hơn giá trị của sức lao động bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Tình đoàn kết quân dân bền chặt, chính sức mạnh đoàn kết đó đã chiến thắng âm mưu kích động, chia rẽ, ly khai, gây rối của kẻ thù, thực sự là “lá chắn thép” vững vàng nơi phên giậu của Tổ quốc.

Lê Quang Hồi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giup-do-nhung-manh-doi-lam-duong-lac-loi-tro-ve-mha/