Giúp địa phương 'về đích' trong xây dựng nông thôn mới

Năm 2017, tỉnh Bình Định có thêm 11 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM lên 49 xã. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 62,3% số xã khu vực nông thôn. Đặc biệt, sự tham gia xây dựng NTM của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.

Có bộ đội giúp, "về đích" trước 5 năm

Xã Cát Tài (Phù Cát, Bình Định) được lựa chọn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020, nhưng sau 3 năm thực hiện, Huyện ủy, UBND huyện Phù Cát đánh giá lại các tiêu chí và xác định, Cát Tài có thể "về đích" trước 5 năm. Chủ tịch UBND xã Cát Tài Nguyễn Bá Quang chia sẻ: “Khi được huyện tin tưởng giao nhiệm vụ, chúng tôi thấy rất vinh dự, nhưng cũng lo ngại trăm bề, vì nhiều tiêu chí chưa hoàn thành”. Đúng thời điểm đó, Bộ CHQS tỉnh Bình Định thành lập đội công tác, gần 100 cán bộ, chiến sĩ về “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân để chung sức xây dựng NTM. Nhà nước hỗ trợ xi măng, LLVT hỗ trợ ngày công, phương tiện, nhân dân đóng góp vật liệu, hiến đất, cây cối, hoa màu… theo đó, đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi được bê tông hóa, các công trình văn hóa, trường học… được tu sửa, xây dựng khang trang".

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bình Định giúp dân làm đường giao thông nông thôn.

Cuối năm 2014, xã Cát Tài chỉ còn hai tiêu chí chưa đạt được là chợ và hộ nghèo, mà nan giải nhất là tiêu chí giảm nghèo bền vững, Bộ CHQS tỉnh Bình Định lại cùng chính quyền xã Cát Tài rà soát, xác định những sinh kế mà bà con có thể thực hiện được để hỗ trợ. Ông Lê Văn Hải (52 tuổi) và vợ là Đinh Thị Hằng (53 tuổi), ở thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài đều là cựu quân nhân, sức khỏe yếu, lao động nông nghiệp năng suất thấp. Bộ CHQS tỉnh Bình Định nhận thấy ông bà có thể chuyển đổi nghề phù hợp với sức khỏe của mình nên hỗ trợ một máy làm nước mía và một bình bơm hơi để ông bà vừa bán nước mía, vừa vá xe. Kết quả, vợ chồng ông Lê Văn Hải có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Không chỉ gia đình ông Hải mà nhiều gia đình trong xã Cát Tài cũng được Bộ CHQS tỉnh Bình Định hỗ trợ vươn lên thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 4,38%. Nâng thu nhập bình quân đầu người từ 18,3 triệu/năm (năm 2011) lên 34,7 triệu/năm (năm 2017). Diện mạo thôn, xóm thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Năm 2015, Cát Tài là một trong ba xã đầu tiên của tỉnh Bình Định được công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt hơn, Cát Tài còn về đích trước 5 năm.

Điểm tựa cho nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Đề cập tới vai trò của LLVT trong xây dựng NTM, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Phù Cát (Bình Định) Đỗ Văn Ngộ, cho biết: "Từ bài học thành công ở Cát Tài, chúng tôi đặt trọn niềm tin vào sự tham gia xây dựng NTM của LLVT. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; huy động lực lượng, phương tiện để xây dựng cơ sở hạ tầng; giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo… LLVT tham gia rất hiệu quả”.

Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bình Định, tâm sự: “Điều khó nhất khi xây dựng NTM là vận động nhân dân hiến đất. Nhưng khó mấy cũng phải làm, chỉ cần mang lại lợi ích cho cộng đồng và người dân thì kiên trì giải thích, vận động nhất định sẽ thành công”. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã vận động 341 hộ gia đình hiến 8.688m2 đất thổ cư, đất vườn, đất ruộng và đóng góp gần 861 triệu đồng xây dựng NTM. Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã cùng với nhân dân đổ bê tông 65 tuyến đường và làm mới 52 đường cấp phối với hàng chục ki-lô-mét và hàng nghìn ngày công bộ đội; phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng hai cánh đồng mẫu lớn với diện tích 170ha. Các cơ quan, đơn vị LLVT cũng trao 52 con bò tặng 52 hộ nghèo, tổng trị giá hơn 650 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống…

Đại tá Phạm Hữu Lộc, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Định khẳng định: “Xây dựng NTM, trước hết là nhiệm vụ chính trị, là nghĩa vụ, trách nhiệm của LLVT với nhân dân. Giúp nhân dân xây dựng NTM, chúng tôi không phải là người đứng trên hay đứng ngoài mà là những người cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Vì vậy, địa phương và người dân cần gì, thiếu gì chúng tôi đều hiểu rõ, từ đó huy động lực lượng, phương tiện để tham gia hiệu quả”.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giup-dia-phuong-ve-dich-trong-xay-dung-nong-thon-moi-544959