Giúp dân xóa đói, giảm nghèo

Đảng bộ các xã khu III và khu IV có 72 chi bộ thuộc Đảng bộ huyện Mù Cang Chải. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, đảng viên nơi đây luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nỗ lực, gương mẫu giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

Những hạt nhân điển hình

Nguyên là chủ tịch xã nay đã về hưu nhưng ông Sùng A Sào, bản Hú Trù Lình luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Trở về với cuộc sống đời thường, ông Sào đã lựa chọn phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo như là hành động cụ thể nhất để học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ.

“Cách trung tâm xã Lao Chải 13 cây số, bản tôi có 164 hộ, kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp nên tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới rất cao. Nhận thấy khí hậu thích hợp trồng cây táo mèo (sơn tra), tôi đã bắt tay vào trồng từ năm 2010 đến nay đã có 9 ha táo mèo, 8 ha đang cho thu hoạch, thu về chừng 150 đến 180 triệu đồng/năm. Năm nay, dự kiến vào khoảng 230 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thâm canh tăng 2 vụ lúa, ngô thu về 6 - 7 tấn lúa, 6 - 8 tấn ngô. Phát triển đàn trâu, bò lên 16 con, xuất bán từ 1,5 - 2 tấn lợn thịt/năm. Bà con nhận thấy cách làm của tôi hiệu quả nên tới học rồi làm theo mà không phải vận động nhiều”, người đảng viên này cho biết.

Ông Sùng A Sào bên cây sơn tra mang về thu nhập cả trăm triệu/năm

Ông Sùng A Sào bên cây sơn tra mang về thu nhập cả trăm triệu/năm

Lựa chọn cách phát triển kinh tế để nâng cao đời sống, giúp các hộ nghèo như cách đảng viên Sùng A Sào làm còn có nhiều tấm gương khác nữa. Đó là anh Giàng Phàng Nù, bản Dào Xa, xã Kim Nọi với mô hình trang trại nuôi dê kết hợp với bảo vệ rừng. Năm 2016, anh đầu tư 30 triệu đồng mua 9 con dê trong đó có 8 con dê sinh sản. Giờ đây, đàn dê của anh đã lên tới 40 con, nhẩm tính bán dê thương phẩm 2 lần/năm, mỗi lần 10 con đã đem về cho anh Nù nguồn thu trên 50 triệu đồng. Thoát nghèo trở thành hộ khá giả, Giàng Phàng Nù còn hỗ trợ 4 hộ nghèo trong bản, mỗi hộ từ 3 đến 4 con dê để tạo giống ban đầu, giảm nghèo bền vững.

Hay như anh Nông Văn Êm, hội viên Hội nông dân thị trấn Mù Cang Chải tận dụng thế mạnh của địa phương có Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang đã nhạy bén tu sửa, chỉnh trang lại nếp nhà sàn đang ở kết hợp với sự giúp đỡ về vốn, kinh nghiệm của bạn bè để đón khách du lịch mang đậm phong cách nhà sàn Tây Bắc. Với phong cách đón tiếp thân thiện, nghĩa tình gắn với các hoạt động văn hóa như thưởng thức ẩm thực miền núi, được cùng các cô gái, chàng trai trong bản múa xòe, múa sạp, đốt lửa trại…; năm 2018, đã có 200 lượt du khách là người nước ngoài lựa chọn là điểm dừng chân và giao lưu văn hóa, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Nhiều mô hình sáng tạo

Đồng chí Đào Thị Thu Thủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, các xã khu III và khu IV có 08 xã gồm: Xã Chế Cu Nha, Chế Tạo, Kim Nọi, Mồ Dề, Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn và thị trấn Mù Cang Chải với 6.072 hộ, chiếm 51,1% tổng số hộ dân toàn huyện, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 98%.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải Đào Thị Thu Thủy (ngoài cùng bên trái)cùng người dân xã Lao Chải trồng cây ven đường tạo cảnh quan thu hút khách du lịch.

Đảng bộ các xã khu III và khu IV có 72 chi bộ với tổng số 1.199 đảng viên chiếm 44,6% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ huyện. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng các đảng viên thuộc Đảng bộ luôn đoàn kết, phát huy dân chủ, triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong đó có Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đảng bộ các xã cũng có nhiều cách làm, mô hình sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực trong triển khai thực hiện Chỉ thị.

Đó là Đảng bộ xã Lao Chải với việc thực hiện phòng, chống thiên tai, bão lũ, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Phát huy nội lực, cùng với các nguồn đầu tư của nhà nước, Lao Chải trở thành xã đi đầu bê tông hóa đường giao thông liên bản với 43,9 km đường bê tông do cán bộ và nhân dân trong bản tự làm; đặc biệt là tuyến đường bê tông dân sinh từ quốc lộ 32 đi bản Séo Dì Hồ với chiều dài 6 km được xã làm chưa đầy 2 tháng đã hoàn thành, được lãnh đạo huyện đánh giá cao.

Với mô hình Đảng bộ xã Chế Cu Nha là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, góp phần cải tiến lề lối làm việc và nâng cao đạo đức công vụ. Đảng bộ xã Hồ Bốn với mô hình thôn bản không có người nghiện ma túy, gắn với tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, nhất là việc ăn ở vệ sinh…

Người dân bản Háng Sung, xã Mồ Dề bê tông hóa đường giao thôngđể việc đi lại thuận tiện hơn.

Cũng theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ các xã khu III - IV được gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua học tập chuyên đề, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội đã có những chuyển biến rõ nét đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao chất lượng chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Bài, ảnh: Minh Châu

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xay-dung-chinh-don-dang/hoc-va-lam-theo-bac/giup-dan-xoa-doi-giam-ngheo-534940.html