Giúp dân an cư lạc nghiệp ở 'rừng tôm'

Từ huyện Năm Căn, ngồi ca-nô mất 20 phút mới đến được Nông trường 414 (Cục Hậu cần, Quân khu 9) tại xã Tân Ân Tây và Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Cán bộ, chiến sĩ và người dân ở đây chỉ có thể đi lại bằng ca-nô và những chiếc vỏ lãi qua những kênh, rạch để kết nối với đất liền. Tâm sự với chúng tôi, Trung tá QNCN Trần Văn Sơn, Giám đốc Nông trường 414 cho biết: “Nông trường được thành lập từ năm 1982. Trước đây, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, do vùng đất vốn hoang sơ, dân cư thưa thớt. Mấy năm trở lại đây, chủ trương khoán chăm sóc, bảo vệ rừng kết hợp với mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đước đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ rừng ngập mặn…”.

Hiện nay, nông trường đang quản lý hơn 2.000ha đất quốc phòng, trong đó có gần 1.000ha rừng đước ngập mặn trong vùng bán đảo Cà Mau. Để chăm sóc và tham gia bảo vệ rừng, hằng năm nông trường đã ký hợp đồng với các hộ dân có nhu cầu và hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ha rừng và 300.000 đồng/ha nuôi tôm để họ mua con giống, cải tạo mặt nước và vuông tôm. Khi khai thác và bán gỗ, lợi nhuận được chia giữa nông trường và người dân. Chính chủ trương đúng đắn này đã thu hút hàng trăm hộ dân từ các vùng lân cận về đây lập nghiệp. Năm 2016, nông trường có 205 hộ dân ký hợp đồng nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng kết hợp nuôi tôm; hộ cao nhất là hơn 20ha, thấp nhất cũng gần 1ha. Không chỉ vậy, cán bộ, công nhân viên ở đây cũng được tạo thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình bằng chủ trương giao khoán và hỗ trợ về vốn. Đến nay, hơn nửa cán bộ, công nhân nông trường đã đưa gia đình vào làm ăn, sinh sống.

Cán bộ Nông trường 414 và người dân vui mừng với vụ tôm thắng lợi.

Việc nuôi tôm dưới chân rừng đước của người dân cũng khá thuận lợi. Thượng úy QNCN Trần Văn Hiến, Phó giám đốc Nông trường 414 cho biết: “Cả mùa vụ người dân chỉ mất tiền đầu tư con giống chứ không còn khoản chi nào đáng kể. Cứ thế, xuống giống, tôm, cua phát triển tự nhiên, không phải tốn tiền thức ăn. Định kỳ có kỹ sư nông trường xuống kiểm tra chất lượng nước và chữa bệnh cho tôm, cua. Đến thời điểm thu hoạch thì xả nước, bắt tôm”. Hiện nay, hầu hết những hộ dân ở đây cơ bản đã thoát nghèo bền vững, trong đó có nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Từ huyện Thới Bình về nông trường lập nghiệp, ông Mai Văn Bảy tâm sự: “Hiện gia đình tôi nhận giữ 10ha rừng đước, việc nuôi tôm dưới chân rừng đước hằng nằm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ngoài việc nuôi tôm, gia đình tôi còn kết hợp trồng cây dứa và một số loại rau, quả… trong đó cây dứa đem lại thu nhập khá”. Còn ông Nguyễn Văn Hoạt (thuộc Đội 1, Nông trường 414) cho biết: “Đã nhiều năm nay, gia đình tôi nhận giữ 7ha rừng đước, trong đó có 3ha mặt nước nuôi tôm quảng canh. Nhờ con tôm, năm nào khá thì gia đình thu nhập được hơn 200 triệu đồng, còn bình thường cũng hơn 150 triệu đồng”.

Thượng úy QNCN Trần Văn Hiến cho biết thêm, để tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân làm ăn ổn định cuộc sống, ngay cả điện nước sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được nông trường quan tâm giúp đỡ. Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư xây dựng trường tiểu học và được Phòng Giáo dục huyện hỗ trợ giáo viên đứng lớp...

Có thể nói, chủ trương đúng đắn của Nông trường 414 không chỉ giúp cải tạo môi trường sinh thái để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, kết hợp trồng và bảo vệ rừng theo hướng chuyên canh lâm ngư nghiệp, giữ đất, giúp dân an cư lạc nghiệp, mà còn góp phần xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ tuyến ven biển.

Bài và ảnh: HOÀNG NHƯỠNG - HỒNG HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giup-dan-an-cu-lac-nghiep-o-rung-tom-515777