Giúp công nhân vượt khó

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều công ty phải tiến hành giảm việc, giảm lương, thậm chí sa thải người lao động… Ðể trụ lại ở TP Hồ Chí Minh, nhiều gia đình công nhân đã phải làm đủ nghề để mưu sinh.

Buối chiều cuối tháng 4, chúng tôi đến khu nhà trọ đông công nhân thuộc Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Gương mặt khắc khổ, chị Trần Thị Nam (40 tuổi, quê ở TP Cần Thơ) kể: Gia đình có ba người làm công nhân, nhưng ít việc nên công ty cho nghỉ gần hết. Giờ chỉ còn mỗi chồng chị Nam làm việc ở Công ty Pouyuen lo cho cả nhà gồm bảy con người. "Trước tôi cũng làm công nhân nhưng không có ai chăm cháu ngoại, cho nên tôi ở nhà bán rau quả để tiện lo gia đình. Khi thành phố thực hiện "cách ly toàn xã hội", tôi buộc phải ở nhà, con gái, con rể cũng thất nghiệp. Cuộc sống khó khăn, tôi nhận việc sửa vá quần áo cho công nhân trong xóm trọ để kiếm thêm thu nhập, được đồng nào hay đồng nấy. Mong sao dịch mau qua, cuộc sống trở lại bình thường như trước", chị Nam bộc bạch. Khu xóm trọ nằm sâu trong con hẻm 54 (phường Tân Tạo) này là nơi ăn ở của mấy chục hộ công nhân. Mỗi căn phòng rộng gần 12 m2 có giá thuê tầm 1,2 triệu đồng/tháng, được xây sơ sài bằng gạch nung, mái tôn cũ kỹ đều đóng cửa im lìm. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, anh Lê Văn Bình (35 tuổi, công nhân giày Công ty TCMC) chạy cuốc xe ôm kiếm được 20.000 đồng, rồi tất bật vào xưởng cho kịp ca. Anh Bình chia sẻ: "Công ty giảm việc rất nhiều nên tôi đăng ký ứng dụng chạy xe ôm, chở hàng. Tôi thường làm thêm đến 23 giờ từ ngày công ty giảm lương do dịch bệnh đến nay. Dù rất cực nhưng vì cuộc sống, vì gia đình nên phải cố".

Dù gặp nhiều khó khăn, chắt bóp chi tiêu trong mùa dịch bệnh, nhưng Ðỗ Thị Hương, cô gái 20 tuổi, quê Bình Ðịnh (công nhân may Công ty QMI) cho biết, mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì chưa mất việc. "Nhiều bạn bè của em phải về quê do công ty sa thải vì không đủ khả năng chi trả lương thợ. Em sợ nhiễm Covid-19 lắm chứ, nhưng cái đói còn khiến em sợ hơn bệnh dịch. Buổi tối, em nhận giao hàng, phụ các quán ăn vừa hoạt động trở lại để kiếm thêm chút thu nhập" - Hương tâm sự. Chia sẻ thêm về công việc, Hương cho biết lương công nhân tầm 4,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trả tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, cô còn dành dụm được khoảng hai triệu đồng. Số tiền này Hương gửi về quê phụ cha mẹ lo cho các em đi học. Ước mong của cô gái trẻ là được tăng ca, có nhiều người thuê mướn làm việc.

Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cho biết: Hiện có hàng chục nghìn người lao động đang mất việc bị giảm hoặc mất thu nhập do dịch Covid-19, nhưng không được hỗ trợ như người đi làm công ty, hưởng lương ngân sách. Vì vậy, cần có ngay chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này để họ tạm thời duy trì cuộc sống cho qua mùa dịch. Vì vậy Nhà nước nên có chủ trương giảm bớt khó khăn cho họ bằng cách giảm trực tiếp 50% hóa đơn tiền điện, tiền nước, In-tơ-nét trong những tháng mất việc do dịch Covid-19. Giảm được khoản này, cộng với chủ nhà trọ giảm hoặc miễn tiền thuê nhà là rất có ý nghĩa cho người nghèo.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, thành phố có khoảng 32.527 hộ nghèo và cận nghèo với 127.000 nhân khẩu; 37.000 hộ người có công; 132.000 người hưởng chế độ bảo trợ xã hội và 101.000 lao động bị mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ðể được hưởng hỗ trợ, người lao động có đơn đề nghị gửi chủ sử dụng lao động, có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội. Sau đó, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc UBND quận, huyện nếu doanh nghiệp nằm ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp. Sau 15 ngày, nếu hồ sơ đủ điều kiện sẽ được trợ cấp theo quy định. Ðối với lao động tự do thì có thể liên lạc với chủ nhà trọ, tổ trưởng tổ dân phố để được lập danh sách và nhận hỗ trợ. Dự kiến những người mất việc, ngừng việc sẽ được hỗ trợ một triệu đồng/tháng trong ba tháng 4, 5, 6-2020.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44346302-giup-cong-nhan-vuot-kho.html