Giúp con thế nào?

Câu chuyện làm thế nào để định hướng cho những trẻ có chút thiệt thòi về nhận thức, học gì, làm gì để sau này có thể tự lo cho cuộc sống của mình, không còn là câu chuyện riêng, mà là câu chuyện chung của giáo dục.

Các bố mẹ đừng dồn ép con học hành nặng nề quá mức, đến mức đánh mất tuổi thơ và chán nản việc học. Ảnh: THÀNH HOA

Gần đây, nhiều người hỏi tôi về việc nên làm gì để giúp con khi cháu không được nhanh nhẹn “như con người ta” về trí tuệ, nhất là khi con chuẩn bị vào bậc phổ thông trung học (PTTH), tức phải nghĩ đến chuyện bước vào đời. Sự việc này cứ lặp đi lặp lại, đến mức tôi nhận ra đây là một vấn đề giáo dục nghiêm túc. Ngoài ra, tôi nghĩ nếu giải quyết được vấn đề này cho những trẻ có chút chậm chạp về mặt trí tuệ, thì với những trẻ bình thường, lời giải vẫn có thể sử dụng, tốt là đằng khác.

Nhìn vào bản chất

Để có thể đưa ra một câu trả lời khả dĩ cho vấn đề này, tôi sẽ bắt đầu bằng một câu chuyện mà một bậc phụ huynh đã hỏi tôi trong tuần này: Cháu chậm nhận thức, chuẩn bị vào PTTH mà nhận thức nhiều khi chỉ trưởng thành ở mức như học sinh lớp 4. Vậy thì cần định hướng cho con thế nào để sau này con có thể tự lo cho mình, có được cuộc sống bình thường như những người khác?

Với những trường hợp khác, câu chuyện cụ thể có thể khác đi, nhưng đại ý vẫn như vậy: con sinh ra có chút thiệt thòi về nhận thức, hoặc có nhiều biểu hiện không bình thường so với bạn cùng lứa tuổi... Bố mẹ đã cố gắng hết sức, đầu tư không tiếc điều gì, chỉ mong con sau này có thể tự lo được cho bản thân, có cuộc sống bình thường như những người khác, nhưng không biết phải làm thế nào.

Có con cái khỏe mạnh và bình thường đã là một ân huệ. Các bố mẹ đừng dồn ép con học hành nặng nề quá mức, đến mức đánh mất tuổi thơ và chán nản việc học. Để con có thể tự tin bước vào đời và thành công chỉ cần con trung thực và thạo việc.

Trước đây, khi còn nhỏ thì học hành thế nào cũng được, bố mẹ chỉ cần con khỏe mạnh và đến lớp có bạn. Kết quả học tập không quan trọng. Nhưng nay con vào PTTH thì phải định hướng thế nào, học cái gì, sắp xếp ra sao để sau này con có thể tự lo cho mình, có cuộc sống bình thường như bao người khác.

Như thế, câu hỏi đặt ra thì cụ thể và rõ ràng, nhưng câu trả lời thì không phải dễ. Nhiều bậc cha mẹ đã suy nghĩ hàng năm trời mà cũng chưa biết phải làm sao. Cuộc sống rất nặng nề mệt mỏi. Mệt mỏi không chỉ vì tốn kém, mà còn vì bế tắc. Phải nghe giọng nói và nhìn vào mắt của những người làm cha, làm mẹ đó mới thấy lo lắng ấy lớn đến mức nào.

Trong những trường hợp như thế, tôi thường hỏi, xem con có khỏe mạnh, đi lại, đọc viết và giao tiếp được hay không. Vì ý kiến của tôi chỉ đúng khi những điều này được đảm bảo.

Nếu con đáp ứng được những điều này, chỉ không được “nhanh nhẹn như con người ta về nhận thức”, thì chưa có gì đáng lo lắm. Cụ thể, chúng ta nên nhìn xa hơn một chút, khoảng 5-10 năm nữa, và nhìn thẳng vào sự thật, để xem cần chuẩn bị những gì cho con, để con sau này có được một công việc, có thể tự lo được cho bản thân, có thể sống một cuộc sống bình thường như những người khác. Mà không chỉ là cuộc sống bình thường, con hoàn toàn có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa, nếu biết cách.

Chúng ta giả thiết rằng, con có thể tự lo và có cuộc sống bình thường khi có thể tự tìm được một công việc mình thành thục, có thể tham gia đời sống xã hội, đầu tiên là đời sống công sở, nơi con làm việc. Con cần phải tạo ra giá trị thông qua công việc, nhờ đó con có một việc làm, một chỗ đứng xứng đáng và tin cậy.

Vì thế, tôi sẽ nhìn từ góc nhìn của nhà tuyển dụng để đưa ra giải pháp, thay vì góc nhìn của một bậc phụ huynh, hoặc một nhà giáo dục.

Biến điểm yếu thành điểm mạnh

Hiện nay, chúng tôi đang phải tuyển dụng nhân viên ở nhiều vị trí. Tôi thấy: tất cả những gì chúng tôi cần là một người trung thực và thạo việc. Mà nếu không thạo việc thì chỉ cần trung thực và biết việc là chúng tôi đã có thể tuyển vào làm việc rồi.

Trung thực ở đây cũng chỉ giới hạn ở việc chính trực rõ ràng trong lời nói và việc làm. Có sao thì nói vậy. Biết thì bảo biết. Không biết thì bảo không biết. Làm được thì nhận. Không làm được thì không nhận, để quản lý giao việc cho người khác. Trước mắt cứ hình dung trung thực là đơn giản như vậy thôi.

Nhà tuyển dụng nào cũng chỉ cần hai tiêu chí ấy thôi: trung thực và thạo việc. Nhưng người vừa trung thực vừa thạo việc bây giờ hiếm lắm. Những ai đã tuyển dụng nhân sự thì mới ngấm. Tìm đỏ mắt mới thấy người thạo việc. Tìm được người vừa trung thực vừa thạo việc thì phải ăn mừng.

Vậy nên, chúng ta sẽ bắt đầu từ chi tiết mấu chốt này. Để con có thể có một công việc, tự lo cho cuộc sống của mình, thì gia đình phải giúp con trở thành người trung thực và thạo việc.

Trung thực thì chúng ta có thể dạy cho con tại nhà. Nếu con chậm nhận thức một chút, thì may mắn thay, trung thực lại gần như là bản năng rồi. Đấy là điểm yếu của con, nhưng hóa ra lại là điểm mạnh nếu biết phát huy.

Vì thế, nếu con không nhanh nhẹn đầu óc, thì cần rèn giũa sự trung thực và chân thật một cách có ý thức, có định hướng. Gia đình phải luôn có ý thức khuyến khích và giúp con phát huy điều đó. Như thế, là biến điểm yếu thành điểm mạnh và phải vậy thì mới được.

Muốn thế, cha mẹ phải dành thời gian rèn giũa cho con, tại nhà chứ không phải ở nhà trường. Trung thực không phải là kiến thức, mà là một lối sống, có tính cách gần như đạo lý, nên không thể học theo lối ở trường lớp hiện giờ. Trường lớp là nơi học kiến thức rất tốt, nhưng lối sống và đạo lý làm người, hiện đang không được chú trọng.

Để con trở thành người trung thực, tất cả những gì cha mẹ cần làm chỉ là làm gương và nhắc nhở. Khi thấy con có biểu hiện thiếu trung thực, cha mẹ phải nhắc nhở và chấn chỉnh ngay, vừa nghiêm khắc vừa chân tình. Mọi người trong gia đình cũng phải làm gương. Như thế, chỉ ba năm, con sẽ trở thành người trung thực. Mà có khi còn nhanh hơn nữa, vì với những trẻ như thế, trung thực là bản năng. Còn mánh khóe, lạng lách trí xảo thì mới khó, mới phải học.

Như vậy là xong một nửa vấn đề. Phần còn lại là thạo việc.

Chờ lúc nào thư thái, bố mẹ thu xếp đi dạo trò chuyện hoặc cà phê với con, và hỏi con xem con thích làm việc gì nhất. Hỏi xem việc gì mà khi làm thì con thấy tự tin nhất, việc gì mà con làm cả ngày cũng không thấy chán. Sau đó, hãy bảo con liệt kê ra ba việc, rồi cho con thử trải nghiệm cả ba việc đó trong ba năm học PTTH. Việc gì cũng được. Nấu ăn, pha chế, lau dọn... đều được. Miễn rằng, đó là việc mà con thích. Đó là việc cảm thấy tự tin nhất và làm cả ngày mà không thấy chán.

Đến khi hết PTTH, con đã được thử cả ba việc này, thì hãy bảo con chọn ra một việc để học thật nghiêm túc. Chỉ chọn một việc thôi, một việc mà con đã thử nghiệm, đã tự tin và thấy yêu thích khi làm, để học và rèn luyện cho thật thành thạo.

Có một lưu ý quan trọng ở chi tiết này: Ngoài việc mà con thấy thích và tự tin, thì đó phải là một việc tạo ra giá trị thực. Chỉ những việc tạo ra giá trị thực thì mới có thể bền vững và tạo niềm tin chính nghĩa. Khi con người ta tin rằng có chính nghĩa, trường hợp này là tạo ra một giá trị thực cho xã hội, thì con người ta sẽ rất mạnh.

Nếu giúp con làm như thế, chọn ra một việc mình thích, một việc tạo ra giá trị thực, và tập trung vào đó, thì chẳng mấy chốc con sẽ đạt mục tiêu thạo việc. Làm nhiều việc mới khó, chứ làm một việc cho thật thành thạo thì không khó lắm. Công việc ở trên đời này, hầu hết đều là những thứ đã biết, đã có người làm, có thể dạy bảo và rèn giũa cho nhau được.

Mấu chốt để thạo việc ở đây là phải rất tập trung. Nếu con tập trung vào một việc mình thích, thì chỉ khoảng ba năm sẽ thạo việc. Rất may, với những trẻ không nhanh nhẹn về trí óc, thì ít nhảy nhót đứng núi này trông núi nọ, nên có thể tập trung vào một việc. Đây vừa là điểm yếu của con, lại vừa là điểm mạnh. Giúp con tập trung vào một việc, tức là biến điểm yếu thành điểm mạnh.

Như thế, câu chuyện ở đây không chỉ là định hướng, mà là một lựa chọn có tính chiến lược, biến điểm yếu thành điểm mạnh, để giúp con trở thành người trung thực và thạo việc. Khi đó thì lo gì việc con không thể sống được sau này.

Lấp biển vá trời mới khó, chứ trung thực và thạo việc quả thực không quá khó. Nếu con vẫn có thể đi lại nói năng, vẫn có thể làm việc tay chân và giao tiếp cùng người khác, thì giúp con trở thành người trung thực và thạo việc là hoàn toàn có thể. Vậy nên, lời giải cho một bài toán hóc búa, có khi lại rất đơn giản nếu ta biết nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề.

Giáp Văn Dương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280318/giup-con-the-nao-.html