Giúp bộ đội xuất ngũ chiến thắng trên thế trận mới

“Thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/tháng, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho hành trình mà Đồng Tháp đã gầy dựng cho bộ đội có thêm cơ hội khởi nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự”, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp (TTDVVLĐT) - mở đầu câu chuyện một cách đầy nhân văn và thiết thực với việc giúp bộ đội xuất ngũ (BĐXN) chiến đấu và chiến thắng trong thế trận mới.

Đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương dẫn đầu đến tận xưởng thăm lao động làm việc tại Nhật

Như cơn mưa vàng

“Còn hơn cả nắng hạn gặp mưa rào, nói đúng hơn như cơn mưa vàng”, trong ngôi nhà đơn sơ ở ấp Long Phú (xã Hòa Long, huyện Lai Vung), ông Lê Văn Minh đã chia sẻ câu chuyện đi làm việc ở Nhật của người con trai. Chuyện bắt đầu vào năm 2017, khi con trai Lê Văn Mẫn (SN 1993) xuất ngũ, vợ chồng ông Minh lo lắm. Nhà chỉ có 5 công đất lúa, lại đông con, mà tấm bằng trung cấp kế toán của Mẫn không dễ tìm được việc gần nhà.

Đúng lúc này, Mẫn được cán bộ ngành lao động, thương binh và xã hội địa phương “mách nước” đăng ký sang Nhật làm việc có thời hạn. “Khi nghe con báo lại việc làm có thu nhập khá mà tỉnh lại có chính sách hỗ trợ vay vốn và các chi phí khám sức khỏe, học tiếng..., rất phù hợp với hoàn cảnh gia đình nên ủng hộ ngay”- giọng ông Minh mãn nguyện – “Trung tuần tháng 11/2017, Mẫn sang Nhật làm việc tại xưởng gỗ. Với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng, cháu lại quen tiện tặn nên mỗi tháng gởi về khoảng 20 triệu đồng”. Từ đó, đời sống gia đình dần ổn định và bắt đầu có tích lũy – một điều mà trước đó gia đình ông Minh chưa bao giờ có được.

Trên thực tế, nhiều trường hợp thu nhập đạt gần 40 triệu đồng/người/tháng như anh Nguyễn Văn Tùng (SN 1986, xã Tân Dương, huyện Lai Vung), anh Trần Ngọc Vạn (SN 1991, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông), cùng sang Nhật làm việc vào đầu năm 2016. Nhờ cần cù và nghiêm túc làm việc, 2 BĐXN này đã đạt mức thu nhập trên 37 triệu đồng/người/tháng.

Thậm chí có trường hợp trở thành tỷ phú Việt. Đó là câu chuyện về anh Đặng Bá Hiếu (SN 1980, khóm 2, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hiếu đến TTDVVLĐT học nghề cơ khí rồi được hướng dẫn đăng ký sang Đài Loan làm việc. Hết thời hạn về nước, anh lại đăng ký sang Hàn Quốc làm việc và có trong tay gần 2 tỷ đồng ở tuổi 34. Sau đó, TTDVVLĐT tiếp tục giới thiệu sang Nhật. Sau 1 năm làm việc, Hiếu tích lũy thêm 250 triệu đồng. Trở về nước với tấm bằng ngoại ngữ có được trong quá trình lao động, Hiếu được TTDVVLĐT mời vào làm giáo viên tiếng Trung cho các học viên đăng ký tham gia đi lao động ở nước ngoài.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy về đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Đồng Tháp đã tạo điều kiện cho gần 200 BĐXN ra nước ngoài làm việc với mức thu nhập cao.

Chủ trương “cấp cần câu”

“Thực ra so với các đối tượng khác, chính sách hỗ trợ dành cho BĐXN có phần “hẹp” hơn. Đối với hộ nghèo, hộ chính sách, chúng tôi xây dựng chủ trương cho vay 100% chi phí, nhưng với BĐXN chỉ 90%”, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết chia sẻ thêm – “Bởi chúng tôi muốn hướng tới việc trao “chiếc cần câu chứ không chỉ là xâu cá”.

Theo bà Tuyết, ngoài chủ động khảo sát thị trường, kiểm tra môi trường làm việc trước, trong thời gian đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của bộ phận chuyên môn, lãnh đạo tỉnh còn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi... Tỉnh còn quan tâm đến ý thức trách nhiệm của BĐXN thông qua việc để các anh tự lo 10% chi phí còn lại.

“Nhật là thị trường có thu nhập ổn định ở mức cao với mức bình quân 800 triệu đồng/người sau 3 năm làm việc, nhưng cũng đòi hỏi cao sự chuẩn mực về tuân thủ kỷ luật, ngăn nắp...” - bà Tuyết chia sẻ thêm – “Người Nhật rất quan trọng vấn đề thời gian. Họ có thể đánh giá con người qua chiếc kim đồng hồ. Không những vậy, họ còn đánh giá cao vấn đề chịu khó làm việc cũng như tinh thần học hỏi, tiếp thu... Đây là những tố chất được “đo ni, đóng giày” cho những người được rèn luyện trong môi trường kỷ luật quân đội như lính Cụ Hồ”.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết, trong trường hợp này, thu nhập cao chỉ là sự khởi đầu cho hành trình mà Đồng Tháp đã dầy công gầy dựng cho BĐXN có thêm cơ hội khởi nghiệp. Vấn đề mà lãnh đạo tỉnh quan tâm ở đây không chỉ là số tiền lớn thu về, mà hơn thế nữa, đó là “nghề trong tay và kiến thức trong đầu” mà những người lính Cụ Hồ tích lũy được sau quá trình làm việc trong môi trường lao động ở quốc gia hiện đại như Nhật. Tiền có nhiều bao nhiêu cũng có thể hết, nhưng nếu có kiến thức, tay nghề thì tiền sẽ đẻ ra tiền. Tuy nhiên, theo bà Tuyết, để hiện thực hóa, ngoài kêu gọi sự nỗ lực từ người lính Cụ Hồ, tỉnh còn có chính sách “nối vòng tay lớn”.

“Qua làm việc, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý cho TTDVVLĐT tổ chức “Ngày hội hậu xuất khẩu lao động” vào năm 2019. Đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu nhân sự lành nghề cho 1.600 Công ty Nhật tại Việt Nam, cho các cơ sở dạy ngoại ngữ cho người đi làm việc ở nước ngoài... mà còn tạo cơ hội để các đối tượng này chia lửa cho nguồn lao động tại chỗ, nhất là bộ đội mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự có thêm niềm tin để dấn thân với tâm thế mới: Sẵn sàng cho việc gặt lấy chiến thắng trên thế trận mới” - giọng bà Tuyết đầy tự tin.

Lục Tùng

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe190c05/giup_bo_doi_xuat_ngu_chien_thang_tren_the_tran_moi.aspx