Giun sán trong cơ thể, nhiều người lầm tưởng khối u

Nhiều người thấy nổi lên những cục u di động trên da, hoặc khối u trong gan, phổi đã hốt hoảng tưởng lo khối u ác tính nhưng khi mổ ra không phải là u mà là những bọc nước ở trong toàn các đầu sán ngọ nguậy.

Thói quen ôm hôn chó, mèo là nguyên nhân khiến bạn bị nhiễm giun sán. Ảnh: T.G

Thói quen ôm hôn chó, mèo là nguyên nhân khiến bạn bị nhiễm giun sán. Ảnh: T.G

Ai dễ mắc ấu trùng giun?

Bác sĩ của BV Mắt Sài Gòn - Vinh (TP Vinh, Nghệ An) vừa phẫu thuật gắp ra con giun Toxocara (giun đũa chó) ra khỏi mắt bệnh nhân V.T.P (ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Bệnh nhân thấy nhặm, sưng mắt, chảy nước mắt sống, giảm thị lực… Đến bệnh viện khám thì phát hiện con giun Toxocara ký sinh trong mắt.

Trường hợp hi hữu khác là bệnh nhân Văn Viết Điền (SN 1970, ngụ ấp 6, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), bị nhiễm 4 loại kí sinh trùng là: Amip, giun đũa chó mèo, giun lươn, sán dải heo – gây sốt cao, có biểu hiện khác thường, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng: Tóc rụng sạch, cân nặng giảm sút từ 64kg xuống còn 34kg. Gia đình tưởng anh Điền mắc bệnh trọng, nhưng khi đến viện khám, xét nghiệm mới biết anh bị nhiễm giun.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) cũng đã phải cắt bỏ 30cm ruột của bé 2 tuổi do ấu trùng giun chó mèo đục thủng tới 50 lỗ. Bé sốt liên tục 6 tháng, bụng trướng, đã chữa trị ở nhiều nơi mà không tìm ra bệnh. Khi chuyển tới Bệnh viện Việt Đức bác sĩ phát hiện bé nhiễm ấu trùng giun tròn chó mèo đã đến giai đoạn nguy hiểm, viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc, thủng hồi tràng và manh tràng… nên cho mổ cấp cứu ngay.

Các bác sĩ cho rằng, những người thường xuyên tiếp xúc với đất, cát bị ô nhiễm phân chó, mèo có ấu trùng dễ bị lây nhiễm giun chó, mèo như những người làm vườn, trẻ em hay chơi nghịch đất cát và người đi chơi ngồi ở bãi cỏ, bãi biển... cũng dễ mắc.

Nguyên nhân do chó mèo không được chăm sóc tốt, ấu trùng và trứng ký sinh trùng sẽ phát tán ra môi trường, lây nhiễm vào người, chủ yếu là chui qua da tay, chân (khi tiếp xúc với phân chó, mèo, hoặc đất, nước có mầm bệnh) vào cơ thể gây bệnh dưới da; hoặc qua đường tiêu hóa vào cơ thể gây tổn thương cho gan, phổi…

Theo tài liệu của GS Nguyễn Văn Đề (nguyên Trưởng bộ môn Ký Sinh trùng, ĐH Y Hà Nội), bên cạnh giun móc chó mèo, còn có giun đũa chó, ký sinh trùng sán chó-là hai loại ký sinh trùng dễ gặp nhất khi nuôi chó mèo.

Trẻ nhỏ dễ bị nhiễm sán chó vì hay chơi đùa dưới đất, bốc thức ăn dưới đất bỏ vào miệng. Trứng sán cũng có lẫn trong rau, nếu không được rửa sạch hay nấu chín, ăn vào chúng sẽ theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, ký sinh tạo ra những bọc nước lớn chứa nhiều đầu sán ở gan, não, thận, phổi… Các bác sĩ đã gặp nhiều bệnh nhân khối u gan, phổi… nhưng khi mổ ra không phải là u mà là những bọc nước ở trong toàn các đầu sán ngọ nguậy.

Dấu hiệu mắc giun

Theo ThS.BS Phùng Đức Thuận (Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM), sau khi ấu trùng giun móc chó mèo xâm nhập qua da người sẽ gây vết sẩn đỏ, ngứa, mọng nước. Sau 2 - 3 ngày sẽ phát triển để lại đường hầm di chuyển ngoằn ngoèo, gồ cao, rất ngứa (khoảng vài mm đến vài cm/ngày).

Có thể có các bóng nước nhỏ nổi theo đường hầm, gây rất ngứa, bệnh nhân phải gãi nhiều, gây trầy xước da dẫn đến bị nhiễm khuẩn da sinh mủ...

Người nhiễm giun chó mèo, nhất là giun sán sẽ bị đau bụng, tiêu chảy, xuất hiện các nốt sần (khối u) di động trên da và mô mềm. Ấu trùng giun có thể tồn tại hàng tháng, có thể thoát ra thành mạch máu, lên phổi gây bệnh ở phổi như bị lao (như bị ho khan, bệnh nhân thấy đau ngực, bạch cầu ái toan tăng cao).

Nếu ấu trùng giun di chuyển đến các cơ quan nội tạng khó phát hiện hơn như gan, phổi sẽ gây khó thở, đau ngực… diễn biến nguy hiểm, có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm.

Người bị nhiễm giun từ chó, mèo rất khó phòng, chẩn đoán. Chủ yếu phải chụp CT scan bác sĩ có chuyên môn sâu mới nhìn ra. Do đó khi xuất hiện bệnh, cần tới bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ có phác đồ diệt ấu trùng giun chó, mèo đặc hiệu.

Chó, mèo rất gần gũi với người, nên có nhiều cơ hội lây nhiễm ký sinh trùng sang người và gây bệnh. Phác đồ điều trị bệnh giun đũa chó, mèo hiện nay chưa thống nhất về thuốc tối ưu, cũng như liều lượng và thời gian điều trị. Vì vậy, người nuôi thú cưng không chỉ có trách nhiệm bảo vệ, tẩy giun và ký sinh trùng cho vật nuôi, mà còn bảo vệ người thân và mọi người xung quanh không bị lây nhiễm ký sinh trùng từ môi trường bên ngoài, thức ăn, nước uống.

Phòng tránh lây nhiễm giun

Nhà nuôi chó mèo thì sàn nhà, sân vườn ở đó có thể ô nhiễm ấu trùng giun chó mèo. Vì vậy, cần thường xuyên phải tắm rửa cho chó mèo và hướng dẫn cho người thân, nhất là trẻ em cách tránh nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng từ chó mèo:

- Luôn giữ vệ sinh, ăn chín uống sôi. Hạn chế ăn rau sống, các món ăn tái hay chưa chín kỹ (như lẩu, nướng, tiết canh, thịt tái...) để tránh nhiễm ấu trùng giun xâm nhập cơ thể.

- Dạy trẻ bỏ thói quen ôm hôn chó, mèo. Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.

- Không để trẻ nghịch đất cát bẩn, đi đất, ngồi bệt ở bãi cỏ, bãi biển…

- Tẩy giun định kỳ cho trẻ.

- Nên hạn chế nuôi chó, mèo. Nếu nuôi thì không để chó, mèo ở trong khuôn viên nhà ở, trường học, lớp mẫu giáo, nhà trẻ…

- Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân. Thường xuyên dọn sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.

- Người làm vườn, làm nương rẫy, lao động... tiếp xúc với đất, cát phải dùng đồ bảo hộ lao động (khẩu trang, găng tay, quần áo dài, đi ủng…).

- Ngoài tiêm phòng dại cho chó, mèo cần tẩy giun định kỳ cho chó, mèo nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm ấu trùng giun móc chó, mèo ra môi trường.

ThS.BS Phùng Đức Thuận

Uyển Hương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/giun-san-trong-co-the-nhieu-nguoi-lam-tuong-khoi-u-20180921184801716.htm