Giun hiếm dài 60cm 'làm tổ' dưới chân nam thanh niên

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã gắp khoảng 5 con giun từ cơ thể bệnh nhân nam, 23 tuổi, sống ở Yên Bái. Con giun đầu tiên được gắp ra từ cơ thể người bệnh dài khoảng 50 - 60cm.

Bác sĩ Trần Thượng Việt - Trưởng khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân nam ở Yên Bái vào viện ngày 22/5 trong tình trạng xuất hiện khối áp xe ở 2 chân, đau nhức…

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư thăm khám cho bệnh nhân.

Được biết, từ trước Tết, thanh niên này thấy đau mỏi toàn thân. Ở tay và chân anh nổi những khối áp xe nhỏ, thi thoảng thấy vết giun ở dưới da. Anh được người nhà đưa đi khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện bệnh nên tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (cơ sở 1), khám ngày 12/5.

Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc giun hoặc sán thường gặp và điều trị tại khoa Virus - Ký sinh trùng. Tuy nhiên, giun không có thuốc đặc trị, bác sĩ phải phẫu thuật gắp giun và vệ sinh vùng áp xe để điều trị triệt để. Bệnh nhân được chuyển đến cơ sở Đông Anh ngày 22/5 để phẫu thuật.

Cũng theo bác sĩ Trần Thượng Việt, các khối áp xe xuất hiện cách 2 đến 3 ngày. Ban đầu xuất hiện ở chân, dần lan lên cánh tay, khi mở ổ áp xe, soi dưới thiết bị thì thấy có ấu trùng.

Vì có quá nhiều giun nên bệnh nhân được cho uống thuốc để giun trưởng thành tự bộc lộ. Lần đầu tiên phẫu thuật, bác sĩ gắp ra một con giun dài khoảng 60cm. Ngày 5/6, bác sĩ gắp được hai con giun dài khoảng 30cm ở bắp tay bệnh nhân. Đến nay, đã gắp được 5 con giun trưởng thành.

Theo bác sĩ Việt, bệnh nhân sẽ được điều trị từ từ cho đến khi thải hết giun ra khỏi cơ thể. Bệnh nhân không được sử dụng các loại thuốc điều trị mạnh để giết chết giun, vì xác giun sẽ giải phóng độc tố trong cơ thể.

Sau khi sức khỏe ổn định, thanh niên này sẽ chuyển điều trị tại khoa Virus - Ký sinh trùng, đồng thời báo cáo với đơn vị điều tra dịch tễ để xử trí nguồn lây nhiễm giun.

Qua điều tra tiền sử dịch tễ, các bác sĩ phát hiện khi ở nơi sinh sống, bệnh nhân thường hay đi bắt cua, cá sông. Ban đầu khi thấy đau nhức ở chân, bệnh nhân chỉ nghĩ rằng mình bị sán.

Theo bác sĩ Việt, sau khi làm xét nghiệm mẫu giun được lấy từ cơ thể bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện loại giun này chưa từng xuất hiện ở Việt Nam mà chỉ gặp ở châu Phi và một số nước khác.

Trong quá trình điều trị, cơ thể bệnh nhân xuất hiện một vài ổ mủ sau đó giun bắt đầu xuất hiện. Khi tiến hành mổ áp xe, các bác sĩ phát hiện 2 con giun trưởng thành phát triển trong cơ thể người bệnh.

Bác sĩ Việt cho hay, loại giun được gắp ra từ cơ thể người bệnh có tên là Dracunculus medinensis. Đến thời điểm hiện tại, loại giun này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế trong quá trình chữa trị cho nam thanh niên, các bác sĩ không sử dụng thuốc có tác dụng quá mạnh bởi khi giun chết, xác của giun có thể sản sinh ra độc tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Do loại giun ở cơ thể bệnh nhân hiếm gặp nên bác sĩ Việt cho rằng cần phải điều tra lại nguồn nước ở nơi sinh sống của người bệnh. Bệnh nhân có thể nhiễm giun qua nguồn nước.

Khi người dân uống phải nguồn nước có ấu trùng giun, ấu trùng sẽ phát triển hình thành giun trưởng thành. Giun cái trưởng thành có thể chui vào nhiều bộ phận trên cơ thể để đẻ trứng. Thực tế, mỗi lần giun chui ra, người bệnh vô cùng đau nhức, khó chịu.

Để chủ động phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, sử dụng nguồn nước đảm bảo, không nên ăn những thực phẩm sống, chín chưa được chế biến kỹ lưỡng.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giun-hiem-dai-60-cm-lam-to-duoi-chan-nam-thanh-nien-386299.html