Giữa vô vàn khó khăn, Gami Group có thành 'bệ đỡ' vững chắc cho ngân hàng Quốc dân?

Trong bối cảnh hoạt động của bản thân không mấy sáng sủa, cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá thời gian dài, cùng việc một loạt ngân hàng nước ngoài rút vốn hoặc thu hẹp hoạt động tại Việt Nam, khả năng NCB hút vốn ngoại thành công vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đua nhau báo lãi trăm, nghìn tỷ, thì trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) giảm nhẹ, lợi nhuận quý 3 sụt giảm mạnh 20% so với cùng kỳ và nhiều hoạt động trong kỳ không mấy khả quan.

Có thể thấy rõ, 4 năm sau khi ông chủ Tập đoàn Kinh Bắc Đặng Thành Tâm rời đi, NCB với sự giam gia của dàn lãnh đạo Gami Group vẫn gặp không ít khó khăn để duy trì hoạt động. NCB dù đã rất cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trên thị trường quý II (phát hành gần 3.000 tỷ đồng giấy tờ có giá), tuy nhiên tổng tài sản vẫn co về 69.505 tỷ đồng so với 71.841 tỷ đồng thời điểm đầu năm.

Nguyên nhân có thể lý giải là NCB đã tăng trưởng rất nóng kể từ sau sự ra đi của ông Đặng Thành Tâm. Giai đoạn 2013 - nay, tổng tài sản của NCB tăng hơn gấp đôi, tốc độ này với huy động và tín dụng lần lượt là 245% và 216%. Chính vì các chỉ số tăng nóng và vượt ngưỡng chịu đựng dẫn đến dấu hiệu tăng trưởng thiếu bền vững của NCB bắt đầu lộ ra.

 Hậu ông Đặng Thành Tâm, NCB vẫn gặp không ít khó khăn để duy trì hoạt động.

Hậu ông Đặng Thành Tâm, NCB vẫn gặp không ít khó khăn để duy trì hoạt động.

Đầu tiên là lượng tài sản không mang tính sinh lời đang rất lớn. Tài sản cố định tới cuối tháng 9/2018 là 1.137 tỷ đồng, phần lớn là giá trị quyền sử dụng đất; tài sản có khác gồm khoản phải thu, lãi, phí phải thu là 11.105 tỷ đồng.

Tổng cộng hai khoản mục này lên tới 12.242 tỷ đồng, chiếm gần 1/6 tổng tài sản của NCB. Đây được gọi là tài sản "chết" của một ngân hàng thương mại, dù không sinh lời, song ngân hàng vẫn hàng ngày phải trả lãi cho các khoản huy động tương ứng.

Đáng lo ngại hơn, nợ xấu của NCB tăng mạnh các năm vừa qua. Đây là vấn đề lớn nhất mà tân Chủ tịch Nguyễn Tiến Dũng phải đối mặt trong thời gian tới.

Theo phương án tái cấu trúc, NCB được phép chưa trích lập dự phòng nợ xấu bán cho VAMC. Nếu trích lập đúng quy định chung với tỷ lệ 10%/năm, kết quả kinh doanh của NCB sẽ "bay hơi" khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm, vốn chủ sở hữu sẽ rơi vào trạng thái âm sau 5 năm, đó là trong trường hợp khả quan nhất khi NCB không còn nợ xấu bán cho VAMC.

Trong bối cảnh hoạt động của bản thân NCB không mấy sáng sủa, cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá thời gian dài, cùng việc một loạt ngân hàng nước ngoài rút vốn hoặc thu hẹp hoạt động tại Việt Nam thời gian qua (HSBC, ANZ, CBA hay Standard Chartered), khả năng NCB hút vốn ngoại thành công vẫn còn bỏ ngỏ.

Song song với tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài, NCB cũng đồng thời cải tổ bộ máy lãnh đạo, mà giới đầu tư tin rằng là đi kèm với thay đổi cơ cấu cổ đông. Cùng với việc ông chủ Tập đoàn Gami Nguyễn Tiến Dũng thay vợ là bà Trần Hải Anh nắm chức Chủ tịch HĐQT NCB, đại hội bất thường nhà băng này vừa qua cũng bầu bổ sung ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020. Với thị giá hiện tại khoảng 9.800 đồng/cp, tài sản trên sàn chứng khoán theo số cổ phiếu này của bà Hải Anh khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Dù không công bố chính thức và không có số liệu cụ thể, song diễn biến trên cho thấy bóng dáng không nhỏ của Gami Group và CT Group tại NCB.

4 năm trước đó, ngân hàng Quốc dân chủ yếu được điều hành bởi bà Trần Hải Anh - vợ ông Dũng, người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bà Hải Anh đang sở hữu trực tiếp hơn 4% cổ phần của NCB.

Tập đoàn Gami của ông Dũng hoạt động đa lĩnh vực, từ thương mại, thực phẩm tới bất động sản. Nhưng vai trò nổi bật nhất là nhà phân phối và cho thuê ô tô tại Việt Nam. Các công ty con của tập đoàn này như An Du, An Dân phân phối ô tô của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes Benz, Mitsubishi, Ford, Kia. Trong khi đó, Công ty An Hòa Phát của Gami chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe, nhượng quyền thương hiệu quốc tế Avis.

Các công ty này đều trở thành khách hàng thường xuyên của NCB kể từ khi ngân hàng được điều hành bởi nhóm cổ cổ đông mới. Với đặc thù kinh doanh ô tô, trong các năm qua những công ty này liên tục thế chấp hàng trăm lượt xe các loại tại NCB để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.

Cụ thể, vào ngày 22/1, công ty An Dân thế chấp 11 chiếc xe Mitsubishi các loại tại ngân hàng Quốc Dân chi nhánh Hà Nội làm tài sản bảo đảm. Cũng tại chi nhánh này, công ty An Du, nhà phân phối xe Mercedes Benz đã thế chấp một lô gồm 4 xe Mercedes Benz vào ngày 24/11.

An Hòa Phát - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe, cũng có hoạt động thế chấp tài sản bảo đảm là các xe ô tô dày đặc với NCB trong vài năm qua. Ngoài NCB, công ty này còn thế chấp tài sản tại nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, TP Bank, MB Bank, VPBank.

Cùng với việc nhận thế chấp xe ô tô từ các công ty con của tập đoàn Gami, dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy của NCB tăng mạnh trong vài năm qua. Từ mức 512 tỷ đồng cuối năm 2014, cho vay trong lĩnh vực này đã tăng gấp 3 lần lên 1.770 tỷ năm 2015. Đến cuối quý 2/2018, dư nợ của các khoản vay này đạt 2.228 tỷ đồng.

Trở thành “chỗ dựa tài chính” cho các công ty kinh doanh trong lĩnh vực ô tô của tập đoàn Gami, song hoạt động tự tái cơ cấu của NCB lại chưa thành công như mong đợi. Đặc biệt trong việc xử lý nợ xấu và tăng vốn điều lệ của ngân hàng. Một mặt, dấu ấn của ông Đặng Thành Tâm cùng Tập đoàn Kinh Bắc đến nay vẫn còn rất đậm nét ở NCB.

Công ty CP Năng lượng Sài Gòn - Bình Định, một pháp nhân có liên quan tới ông Đặng Thành Tâm đang sở hữu gần 10% vốn của NCB.

Báo cáo tài chính cho thấy, NCB đang tài trợ cả nghìn tỷ đồng, tương đương 1/3 vốn cổ phần cho các doanh nghiệp liên quan tới ông chủ Tập đoàn Kinh Bắc, như mua 360 tỷ đồng trái phiếu đối với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng; 64,4 tỷ đồng trái phiếu Công ty CP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây; góp 338 tỷ đồng, chiếm 11% vốn cổ phần Công ty CP Đầu tư Sài Gòn (SGI), góp 273,7 tỷ đồng vào Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn hay đầu tư 90 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà máy điện Sài Gòn - Bình Thuận.

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên, NCB cho biết sẽ tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Đối tượng được nhắc đến sau đó là một ngân hàng Mỹ. Kế hoạch tăng vốn này được kỳ vọng sẽ có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng đến nay ngân hàng chưa có công bố thêm thông tin nào về kế hoạch này.

NCB - Một trong những chủ nợ "cứng" của công ty Phương Trang

Phương Trang là thương hiệu vận tải hành khách đường bộ được biết đến nhiều nhất trên cả nước trong vài năm qua. Bên cạnh đó, cái tên này lại gắn liền với việc bị Ngân hàng Xây dựng (CB) khởi kiện để thu hồi 3.000 tỷ đồng nợ khó đòi.

Trên thực tế, Phương Trang không chỉ hoạt động vận tải hành khách và các lĩnh vực liên quan như du lịch, xăng dầu. Thương hiệu này còn gắn với hàng loạt dự án bất động sản như Khu đô thị mới Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng, các dự án New Pearl (đã chuyển nhượng cho Vạn Thịnh Phát), The Landmark City tại TP. HCM…

Khối bất động sản này và một số tài sản khác của Phương Trang từng được định giá lên đến 14.500 tỷ đồng khi ngân hàng Đại Tín (tiền thân của CB) thẩm định và cấp hạn mức cho vay vào năm 2012. Bên cạnh hoạt động vận tải hành khách, để đầu tư vào các dự án này, một lượng tiền lớn từ các ngân hàng đã được Phương Trang huy động từ CB và các ngân hàng khác. Riêng tại công ty mẹ (CTCP Đầu tư Phương Trang) năm 2014, chi phí tài chính đã lên tới 664 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến công ty này thua lỗ kỷ lục trong năm đó.

CB có thể đang là chủ nợ lớn nhất của Phương Trang và các công ty liên quan trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng nhiều ngân hàng khác cũng đang cho tập đoàn này vay hàng trăm tỷ đồng để kinh doanh trong các lĩnh vực khác.

Trong lĩnh vực vận tải hành khách, để đầu tư đội xe hàng nghìn chiếc, công ty phụ trách mảng kinh doanh này của Phương Trang là CTCP Xe khách Phương Trang cũng phải vay tiền từ nhiều ngân hàng và dùng chính những chiếc xe này làm tài sản đảm bảo.

Dữ liệu cho thấy, hàng trăm chiếc xe của CTCP Xe khách Phương Trang đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của công ty này tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), VPBank…

Từ cuối năm 2015 đến nay, NCB liên tục là bên nhận bảo đảm các tài sản là xe chở khách của Phương Trang. Tổng số xe hiện là 260 chiếc bao gồm 122 chiếc Mitsubishi Attrage MT, 68 chiếc Hyundai Grand i10 và 60 chiếc Thaco Mobihome (xe giường nằm), 20 chiếc Thaco town (29 chỗ ngồi).

Trong khi đó SCB là đối tác lớn của Xe khách Phương Trang từ năm 2014. Gần 100 xe khách trên 40 chỗ của Phương Trang được đăng ký làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại SCB. Ngoài ra còn 40 chiếc Toyota Hiace, 34 chiếc Ford, 19 chiếc Samco loại 34 chỗ ngồi… VPBank cũng nhận 41 chiếc xe khách cỡ lớn làm tài sản đảm bảo của công ty này trong các năm 2014 và 2015.

Quá trình xử lý khoản nợ hàng nghìn tỷ của Phương Trang và các công ty liên quan tại CB đã kéo dài nhiều năm và chắc chắn chưa kết thúc sớm. Hệ lụy của việc này là kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Phương Trang có thể bị ảnh hưởng xấu và điều này sẽ tác động gián tiếp đến khả năng thanh trả nợ các khoản vay khác của công ty này tại các ngân hàng, trong đó có NCB.

An Nhiên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/giua-vo-van-kho-khan-gami-group-co-thanh-be-do-vung-chac-cho-ngan-hang-quoc-dan-d150926.html