Giữa thương chiến, ông Tập Cận Bình đến Học viện lục quân chỉ đạo sẵn sàng chiến đấu

Tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là xây dựng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thành một lực lượng chiến đấu hiện đại tầm cỡ thế giới, nhưng các nhà phân tích nói Trung Quốc còn phải mất một thời gian dài mới đạt đến tham vọng của ông Tập, vì PLA có hai nhược điểm cốt lõi là binh lính không được huấn luyện bài bản và trình độ học vấn thấp.

Chủ tịch CMC Tập Cận Bình xem một buổi tập của Học viện Lục quân Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa Xã

Chủ tịch CMC Tập Cận Bình xem một buổi tập của Học viện Lục quân Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 25.5, trong chuyến thăm và làm việc ở tỉnh Giang Tây (miền nam Trung Quốc), ông Tập ở vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) cũng thăm Học viện Lục quân PLA ở thành phố Nam Xương hôm 21.5.

Ở đây, ông Tập chỉ đạo rằng điều cần làm ngay là huấn luyện triệt để, cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, và mỗi chiến sĩ cần chuẩn bị sẵn sàng trải nghiệm một cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian nan. Đài truyền hình trung ương CCTV dẫn lời nhà lãnh đạo: “Các học viện của quân đội được lập để các đồng chí học tập - nghiên cứu cách chiến đấu và chiến thắng. Khi giảng dạy, các đồng chí phải chú trọng những kịch bản chiến đấu thật, và đào tạo thêm nhiều tài năng”.

Mộng Trung Hoa bá chủ công nghệ AI không là quyết định khôn ngoan

Chuyến thăm của ông Tập diễn ra 2 năm sau khi ông đặt năm 2035 là thời hạn chót để hoàn tất cuộc hiện đại hóa PLA. Ông nói công nghệ cao phải là cốt lõi trong sức mạnh chiến đấu của PLA, và quân đội phải cần ứng dụng công nghệ thông tin (IT) và các chiến lược chiến tranh hiện đại để trở thành lực lượng quân sự mạnh. Để hỗ trợ các mục tiêu này, chính phủ Trung Quốc đã tăng chi quân sự lên 7,5%, và tăng chi nghiên cứu lên 13,4% trong năm 2019, bất chấp việc kinh tế Trung Quốc đang bị suy yếu nghiêm trọng.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 hồi tháng 10.2017, ông Tập ở vị thế Tổng bí thư đã nhấn mạnh mục tiêu xây dựng PLA có khả năng thắng mọi cuộc chiến tranh kể từ năm 2050. Ông tuyên bố: “Mộng Trung Hoa về một lực lượng vũ trang mạnh sẽ thành hiện thực”, với khâu cơ khí hóa PLA hoàn thành năm 2020 và khâu hiện đại hóa PLA hoàn thành năm 2035.

Theo SCMP, khi tham dự hội thảo Viva Tech ở Paris (Pháp) hôm 16.5, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Trung Quốc “tự trói mình” khi tuyên bố muốn soán ngôi Mỹ để trở thành thủ lĩnh thế giới về công nghệ trí khôn nhân tạo (AI). Ông kể chuyện khi phần mềm điện toán chơi cờ vây AI Alphabet Go của Google hạ kiện tướng cờ vây Kha Khiết của Trung Quốc trong 3 ván đấu hồi tháng 5.2017, Trung Quốc đã hạ quyết tâm phải là bá chủ lĩnh vực AI.

Vị cựu Ngoại trưởng (thời Tổng thống Mỹ Barack Obama) nói: “Trận thua đó khiến Trung Quốc nóng bốc hỏa, và Chủ tịch Tập Cận Bình ngay sau đó tuyên bố Trung Quốc muốn là hàng đầu thế giới về AI. Nhưng tôi không nghĩ đó là một tuyên bố khôn ngoan nhất, và có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nếu cố gắng làm điều đó mà không tuyên bố gì cả, vì Washington và thế giới đã nghe thấy tuyên bố đó và đã đề cao cảnh giác”.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc hồi đầu tháng 5 đã ghi nhận: PLA đã có những bước tiến về công nghệ AI, robot tiên tiến và điện toán lượng tử, trong số các lĩnh vực khác. Còn theo báo cáo của Trung tâm Vì một nền An ninh Mỹ mới, Trung Quốc đã lập hai tổ chức nghiên cứu lớn, chú trọng vào công nghệ AI và hệ thống tự hành, và các xu hướng hiện nay cho thấy sự tụt hậu giữa Trung Quốc với Mỹ - thủ lĩnh công nghệ AI - sẽ được thu hẹp, khi Trung Quốc tiến nhanh trong khả năng phát triển khả năng AI vào mục đích quân sự.

Tân binh PLA tập làm xạ thủ bắn tỉa - Ảnh: Reuters

Lính Trung Quốc chủ yếu được đào tạo về tư tưởng chính trị

Nhưng thách thức hiện nay của PLA là phải đạt được các yêu cầu cần có binh lính, sĩ quan có học cao và có kỹ năng, nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Theo SCMP, một cựu phó chỉ huy PLA giấu tên, thừa nhận việc binh lính học thấp là một trong những mối quan ngại lớn của PLA: “ Vài năm gần đây, tiêu chuẩn tuyển quân đã được nâng lên, nhưng Trung Quốc vẫn tụt hậu xa so với các nước phát triển. Vấn đề chất lượng cũng là một phần trong vấn đề chung là trình độ học vấn tương đối thấp ở Trung Quốc".

PLA không công bố chi tiết dữ liệu về lực lượng, nhưng trong một thăm dò năm 2010 đã ghi nhận chỉ một nửa trong tổng số 2,3 triệu quân có trình độ trung học, và chưa tới 1/4 binh lính có trình độ đại học. Ngược lại, toàn bộ quân binh Mỹ chí ít đều tốt nghiệp đại học, theo báo cáo 2008 của tổ chức Heritage Foundation.

Tờ Quân đội giải phóng nhân dân nhật báo khi giới thiệu một đơn vị quân đội hồi tháng 8.2018 cũng phản ánh trình độ học vấn thấp của binh lính PLA: trong số 15 người có chức vụ của đơn vị, chỉ có 2 người đã học đại học, 10 người tốt nghiệp trung học và 3 người chỉ học xong tiểu học.

Lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận việc thiếu lính trình độ cao, nên cố gắng giải quyết, nhưng cho đến nay chỉ đạt thành công khiêm tốn. Năm 2001, quân đội Trung Quốc tăng nỗ lực tuyển quân là sinh viên tốt nghiệp đại học. Đến năm 2014, gần 130.000 người trong 400.000 tân binh hàng năm là sinh viên, nhưng duy trì được mức này vẫn là một thách thức.

Ông Bates Gill, một chuyên gia chiến lược - quốc phòng của Đại học Macquarie (Úc) nói vấn đề tài năng là một rào cản chính cho giấc mộng hiện đại hóa quân đội của ông Tập: “Binh lính học giỏi hơn trở nên điều cấp thiết cho PLA, khi lực lượng này ngày càng hiện đại, tiên tiến hơn về mặt kỹ thuật. Quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng tùy thuộc nhiều hơn vào các hệ thống vũ khí hiện đại vốn đều đòi hỏi nhân sự có trình độ cao”.

Cùng lúc, PLA phải vượt qua những rào cản từ hệ thống đào tạo quan liêu vốn chú trọng truyền bá tư tưởng.

Ông Gill nói: “Một vấn đề mà PLA đã và sẽ tiếp tục phải đối mặt, là dành quá nhiều thời gian làm công tác giáo dục tư tưởng, gồm học tập lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hoặc nghiên cứu các tư tưởng, chỉ đạo mới nhất của ông Tập Cận Bình. Trong khi các bài học này có thể giúp xây dựng tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể, có lẽ nó không giúp PLA trở nên một lực lượng chiến đấu hiện đại về mặt kỹ thuật”.

Các nhà phân tích quốc phòng cũng cảnh báo, rằng việc Trung Quốc chạy đua với Mỹ đem công nghệ AI vào quân sự cũng có thể khiến các nước láng giềng phải tự trang bị thêm vũ khí để đề phòng PLA. Ông Gill khẳng định dù Trung Quốc ráo riết đem công nghệ AI vào quân sự, PLA vẫn phải trải qua quãng đường dài để thực sự trở thành một đạo quân “thông minh”. Ông nói: “Nếu Bắc Kinh tiến bộ hơn về mảng này, các đối thủ tiềm năng trong khu vực sẽ cần phát triển nhiều khả năng tấn công - phòng thủ mạnh để đối phó PLA. Điều này có thể lại gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực”.

Ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ) nói: “Một hậu quả là các nước láng giềng có nguồn lực, nhất là Nhật Bản, có thể tìm cách có được các hoạt động thông minh để ngang bằng PLA. Các nước khác có thể mua thêm vũ khí đề phòng PLA. Vì PLA theo đuổi các cuộc cải cách đồng bộ, điều này có nghĩa binh lính PLA cần nhận thức rõ hơn về tất cả các khả năng của các hoạt động, hệ thống vũ khí và các thiết bị cảm biến. Nhưng vì không có binh lính học cao, những kỳ vọng đó có thể sẽ không bao giờ đạt được”.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/giua-thuong-chien-ong-tap-can-binh-den-hoc-vien-luc-quan-chi-dao-san-sang-chien-dau-113909.html