Giữa thị trường truyện thiếu nhi ế ẩm, tác giả những cuốn truyện 300 trang vẫn 'cháy hàng' lên tiếng

Không biết từ bao giờ, điện thoại thông minh lại trở thành vật bất ly thân của không ít trẻ em. Nhiều người sợ rằng: Sách đang 'thua' trước ipad, smartphone. Thế nhưng, dịch giả Vũ Danh Tuấn lại có thể đưa đến những cuốn truyện dày 300-400 trang khiến trẻ em sẵn sàng chăm chú đọc, lãng quên luôn những công nghệ thức thời.

Thưa anh, nhiều phụ huynh ưu ái gọi anh là người “bào chế” thuốc chữa nghiện Ipad, Smartphone bởi sách của anh cũng như là một “chất gây nghiện”. Trẻ em vốn không hào hứng với truyện nhiều chữ nhưng lại có thể gối đầu giường những cuốn sách dày hàng trăm trang của anh. Nhiều phụ huynh chia sẻ trên Facebook anh thế này: "Báo cáo anh là bạn nhà em đọc quyển "Bobby đi hoang" trong 32h. Thật không thể tin nổi"; "Bạn nhà tôi đọc ngấu nghiến cuốn sách 300 trang không rời"... Là cha đẻ của những tác phẩm này, theo anh sức hấp dẫn từ đâu mà có?

- Đọc sách là văn hóa, nhưng sách hay lại có thể tạo thành trào lưu. Đến nay, sách của tôi chủ yếu được giới thiệu theo thể truyền miệng “tiếng lành đồn xa”.

Trẻ con có đặc tính tò mò, một em đọc sẽ có mười em tham khảo. Nhưng cốt lõi vẫn phải ở chất lượng sách, nếu sách dở người ta chỉ mua một lần rồi một đi không trở lại. Vì thế, tôi rất khắt khe với sách của mình, có những cuốn dịch hàng năm trời nhưng chưa hài lòng, tôi không bao giờ dễ dãi xuất bản.

Để chất lượng sách tốt, tôi bắt buộc phải thấm nhuần được sự khác biệt của ngôn ngữ và văn hóa. Người dịch có thể vượt qua được cách biệt về ngôn ngữ, nhưng những khoảng cách về tư tưởng văn hóa, phong cách tác giả thì khó có thể khỏa lấp.

Sách của tôi hấp dẫn cũng có thể vì nó “đời”, ưu thế của tôi là dân làm du lịch và ưa xê dịch. Tôi cố gắng thu hẹp khoảng cách bằng những chuyến đi thực tế đến đất nước của tác giả, thậm chí là đến tận nhà của tác giả, thăm mộ của các “nhân vật” trong truyện.

Dịch giả Danh Tuấn chụp tại làng Santa Clause.

Trong một lần đặt chân đến Mỹ trước khi dịch về đàn chó nhà Sunnybank, tôi phải đến tận khu tưởng niệm của gia đình nhà văn Terhune, dành thời gian lưu lại nơi này để tìm hiểu cặn kẽ về những chi tiết bên lề. Cảm giác được mục sở thị những điều mà mình dịch giúp tôi miêu tả chân thực hơn là việc ngồi tưởng tượng.

Hơn nữa, hai độc giả trung thành và mẫn cán chính là hai con của tôi. Để tạo được sức hấp dẫn và ngôn ngữ chân thực, các con chính là quân sư của tôi về những khái niệm, sắc thái từ ngữ gần gũi với trẻ con.

Đối với anh, thước đo thành công cho mỗi tác phẩm là gì?

- Có lẽ thước đo biết nói nhất con số 200.000 bản in và bán ra 150.000 bản. Khi bắt đầu dịch, tôi không trù tính, dự liệu gì về thị hiếu sách nhưng được đón nhận với tôi là một niềm hạnh phúc, một ân huệ của sự lao động.

Dịch giả Danh Tuấn.

Hơn nữa, số tin nhắn của phụ huynh gửi về Facebook tăng theo cấp số nhân. Có người kể con học lớp 2, bình thường con chỉ chăm chú vào điện thoại, bỗng một ngày cầm cuốn sách dày đến 400 trang đọc say mê. Bố mẹ mát lòng mát dạ.

Tôi đến rất nhiều trường để nói chuyện, các cháu tỏ ra rất thích thú, rộn ràng xin chữ kí. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục con đường mình đang theo đuổi.

Anh có điều gì muốn nhắn nhủ đến độc giả, đặc biệt bạn đọc nhỏ tuổi?

- Tôi nghĩ rằng có thể việc trẻ em đọc sách hạn chế bớt thời gian dành cho game, điện thoại nhưng xin phụ huynh đừng chỉ nghĩ đọc sách là phương thức “cai nghiện”. Bởi đọc sách cốt là để tìm ra nhiều giá trị khác cao đẹp hơn.

Sách là một đối tác công bằng và bền vững. Đọc sách cũng giống như bóc một củ hành vậy, hết lớp này sẽ đến lớp khác. Tuổi ấu thơ cảm nhận được một tầng ý nghĩa thì đến lúc trưởng thành có thể thấm mười tầng ý nghĩa. Sách là vô giá!

Thảo Anh - Linh Trang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/giua-thi-truong-truyen-thieu-nhi-e-am-tac-gia-nhung-cuon-truyen-300-trang-van-chay-hang-len-tieng-629844.ldo