Giữa năm 2022 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng

Trong ngày 22/7, Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nội dung bao trùm và được thể hiện nổi bật trong các báo cáo là công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Một số đại biểu, chuyên gia cho rằng, nếu không đẩy nhanh phục hồi doanh nghiệp thì nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu. Ảnh: Nguyễn Thắng

Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía Bắc và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là TPHCM. Điều này khiến cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân “lên trên hết, trước hết”. Chính phủ sẽ quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Cùng với đó chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư.

Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 22/7

Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 22/7

Về thực hiện chiến lược vắc - xin, Chính phủ sẽ phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022. Chính phủ ủng hộ việc huy động rộng rãi các nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác công tư trong phòng, chống dịch; đẩy nhanh nhập khẩu vắc-xin; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, tiến tới tự chủ vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) nhận định, kế hoạch miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 là mục tiêu “tương đối thách thức”. Theo ông Việt, trong bối cảnh diễn biến dịch còn phức tạp, nhiều chủng mới xuất hiện, nên việc kiểm soát, đạt miễn dịch cộng đồng như kế hoạch đề ra là khó, vì các nước tiêm chủng đạt tỷ lệ cao như châu Âu mà còn lây nhiễm nhiều. Chính vì vậy, để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, đòi hỏi cần có sự vào cuộc, quyết tâm rất cao. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng cho rằng, tiêm chủng rộng rãi cho cộng đồng là chìa khóa thoát khỏi dịch bệnh nên Chính phủ cần đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm vắc-xin. “Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch… nhưng với biến chủng Delta bây giờ, liệu đó có còn là những biện pháp căn bản hay không”, bà Lan nêu câu hỏi.

Yêu cầu cao về đẩy nhanh phục hồi doanh nghiệp

Về tình hình kinh tế, mặc dù kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng, song Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Vì thế, thời gian tới cần có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, song ưu tiên trước mắt là công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ sẽ có các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tập trung nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, có tính kết nối, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục triển khai, mở rộng cách làm sáng tạo, sản xuất, lưu trú, cách ly ngay tại nhà máy, xí nghiệp đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, xây dựng các kịch bản, thích nghi với điều kiện mới “vừa sản xuất, vừa chống dịch ngay tại nhà máy, xí nghiệp” bảo đảm nguồn lao động cho sản xuất liên tục, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Góp ý vào vấn đề kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tỷ lệ giải ngân thấp các gói hỗ trợ này còn thấp , chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nếu không đẩy nhanh phục hồi doanh nghiệp thì nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu.

Báo cáo Quốc hội ngày 22/7, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, qua tổng hợp kết quả 235 báo cáo kiểm toán năm 2020 đối với niên độ ngân sách năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Về thu ngân sách, ông Thanh cho biết, con số quyết toán là 1.553.611 tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán giao.

THÀNH NAM

Văn Kiên - Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giua-nam-2022-se-dat-mien-dich-cong-dong-post1358239.tpo