Giữa muôn trùng rối ren, Trung Quốc 'hé lộ' điều ít muốn nghe nhất về tình hình Chủ tịch Triều Tiên

Những đồn đoán và các thông tin về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khiến giới quan sát phải 'bận rộn' trong suốt ba ngày vừa qua.

Trang Newsweek nhận định, tin tức chưa được kiểm chứng đã vấp phải thái độ không hoan nghênh từ phía Bắc Kinh, nơi giới chức vẫn đang phải đương đầu với những thách thức kinh tế - xã hội đến từ đại dịch COVID-19.

Hôm thứ Ba (21/4), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay, Bắc Kinh biết về thông tin trên nhưng không rõ nguồn phát. Ông Cảnh Sảng cũng từ chối cung cấp thêm bất kỳ bình luận nào.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng hồi tháng 6/2019 (ảnh: Xinhua)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng hồi tháng 6/2019 (ảnh: Xinhua)

Vấn đề Triều Tiên từ lâu đã chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Triều Tiên được coi như là một "vùng đệm" giúp Hàn Quốc và hàng nghìn binh lính Mỹ không tiến sát biên giới Trung Quốc.

Bắc Kinh đề cao sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Đã có lúc lập trường của Trung Quốc thay đổi từ ủng hộ chiến thuật sang lên án, ví dụ như Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Bắc Kinh cũng ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế lên Bình Nhưỡng.

Mặc dù vậy, những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của Chủ tịch Kim có nguy cơ gây ra sự bất ổn tại Triều Tiên. Hiện không có một kế hoạch kế nhiệm rõ ràng, bất kỳ diễn biến xấu nào liên quan tới ông Kim, cũng có thể dẫn tới sự hỗn loạn tại quốc gia chung biên giới với Trung Quốc. Trong bối cảnh Bắc Kinh còn đang có quá nhiều vấn đề cần giải quyết, đây chắc hẳn là điều cuối cùng mà Chủ tịch Tập Cận Bình muốn nghe thấy.

Kế hoạch to lớn của ông Tập cho một Trung Quốc toàn cầu bất ngờ bị gián đoạn trong năm nay. Cuộc khủng hoảng COVID-19 khởi phát từ TP Vũ Hán đã lan rộng ra toàn cầu, khiến hơn 2,5 triệu người lây nhiễm và ít nhất 180.000 người thiệt mạng. Mặc dù đã bước đầu kiềm chế được dịch bệnh trong nước những Bắc Kinh lại đang phải đối mặt với chỉ trích và cáo buộc từ các nước phương Tây về che giấu thông tin và phản ứng chậm trễ trong xử lý dịch bệnh. Một số nơi thậm chí còn khởi kiện hoặc yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường cho những thiệt hại mà COVID-19 đã gây ra cho kinh tế và xã hội của họ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh: KCNA)

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các đối thủ phương Tây đã rơi vào căng thẳng ngay từ trước khi dịch bệnh bùng phát. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump thực thi chính sách chống Trung Quốc trong suốt 3 năm, đẩy cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại khiến thiệt hại hàng tỷ USD. Mặc dù các biện pháp của ông Trump còn gây ra nhiều tranh cãi, nhưng cả hai đảng tại Mỹ đều đồng ý rằng, một số chính sách của Trung Quốc, như gián điệp thương mại cần phải được điều tra.

Cùng lúc, những động thái của Trung Quốc không ngừng mở rộng hiện diện tại châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, châu Âu, thậm chí là Bắc cực, cũng nhận vấp phải sự phản đối và phòng ngừa từ Washington. Dự án "khủng" "Vành đai, Con đường", ra đời với mục đích kiến tạo một mạng lưới thương mại mới ngang dọc khắp châu Á, châu Âu và châu Phi – được đánh giá là một bằng chứng rõ ràng nhất cho các tham vọng của Trung Quốc.

Một thông tin tức xấu về ông Kim Jong-un đều được coi như một yếu tố bất ngờ không mong đợi. Cựu đại diện đặc biệt về Triều Tiên Joseph Yun nhận định với trang Newsweek, nếu sức khỏe của ông Kim xấu đi, đó sẽ là một "vấn đề lớn" cho Trung Quốc.

Theo ông Yun, đối với Bắc Kinh, điều "tối quan trọng" là có những nhà lãnh đạo Triều Tiên mà họ có thể tin tưởng và dựa vào. "Bắc Kinh muốn ai đó mà họ biết rõ và có quan hệ tốt", ông Yun chỉ ra.

Hỗn loạn là kịch bản tồi tệ nhất và nó mở ra nguy cơ về một lỗ hổng quyền lực mà Hàn Quốc hay Mỹ có thể tận dụng. Ông Yun cho rằng, "Trung Quốc phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn bất kỳ ai, ngoài trừ Hàn Quốc". "Nhưng Hàn Quốc không có lợi thế đòn bẩy nào, còn Bắc Kinh có rất nhiều lợi thế đòn bẩy ở Bình Nhưỡng", ông nói.

Một cuộc nội chiến hoặc sụp đổ chính phủ tại Triều Tiên đồng nghĩa với hàng triệu người tị nạn tràn sang Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Ông Harry Kazianis, giám đốc cấp cao về nghiên cứu Hàn Quốc tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ cho hay, "ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc – bên cạnh một cuộc chiến tranh với Mỹ, là Triều Tiên trở nên bất ổn".

"Chính quyền Trung Quốc mong muốn làm việc với người mà họ quen thuộc hơn là chứng kiến một cường quốc phải vật lộn trong khi vũ khí hạt nhân luôn sẵn trong tay, thậm chí là có thể được đem bán trong trường hợp mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát", ông Kazianis cảnh báo.

Chuyên gia này cũng đánh giá, Bắc Kinh "gần như chắc chắn đã liên lạc với ông Kim và em gái để xem tình trạng sức khỏe thực sự của nhà lãnh đạo Triều Tiên ra sao. Tuy nhiên, có thể ngay cả Chủ tịch Tập cũng không thể biết sự thực cho tới khi chúng ta nhìn thấy ông Kim xuất hiện trong một cuộc thử nghiệm tên lửa mới của Triều Tiên".

Nếu có điều gì bất ngờ xảy ra cho ông Kim, hiện chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm. Em gái ông, bà Kim Yo-jong được nhìn nhận là một ứng cử viên nổi bật. Tuy nhiên, một nữ lãnh đạo có thể vẫn là điều khó được chấp nhận tại một đất nước bảo thủ và truyền thống như Triều Tiên. Một lựa chọn khác là chia sẻ quyền lực giữa bà Kim Yo-jong và một số nhân vật chủ chốt trong chính quyền, cho tới khi một trong 3 người con của ông Kim trưởng thành.

Mặc dù vậy, thực tế là tình hình sức khỏe hoặc bất kỳ kế hoạch chính trị nào của Bình Nhưỡng vẫn đang là một bí mật đối với hầu hết tất cả những ai ở bên ngoài Triều Tiên. "Đáng tiếc, Triều Tiên luôn là một hộp đen tình báo bí ẩn nhất", ông Kazianis kết luận.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giua-muon-trung-roi-ren-trung-quoc-he-lo-dieu-it-muon-nghe-nhat-ve-tinh-hinh-chu-tich-trieu-tien-20200423103247454.htm