Giữa lằn ranh sống, chết

Đã hơn 5 ngày kể từ ngày trở về từ biển dữ, đôi mắt ông Trần Văn Tâm (SN 1967, chủ tàu cá PY 90151) đã bớt đỏ. Sức khỏe dần phục hồi nhưng lòng ông vẫn còn nặng nề vì không cứu được người bạn biển Nguyễn Văn Thảo (SN 1993, trú phường 6, TP. Tuy Hòa, Phú Yên). Nhiều người bảo, nếu ở “thời khắc sinh tử” đó, nếu không phải ông Tâm là người “chỉ huy” cây tre 3 người cùng bu bám giữa biển, thì rất có thể câu chuyện sẽ khác...

Ông Trần Văn Tâm (khu phố 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) kể về những giờ phút sinh tử trên biển.

Người “chỉ huy” tinh thần giữa biển dữ

Mấy ngày qua, căn nhà ông Tâm lúc nào cũng có người đến thăm, động viên và thán phục. Còn ông, không mừng, cũng chẳng vui: “Tôi rất tiếc, dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không cứu được em Thảo”.

Ông Tâm là 1 trong số 3 ngư dân bị sóng đánh trôi ra biển xảy ra vào chiều 3.11 tại khu neo đậu Đông Tác (thuộc phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa) may mắn thoát chết sau hơn 9 giờ đánh vật với biển dữ. 2 ngư dân cũng may mắn thoát chết là Trần Văn Nhật (SN 1993, con trai ông Tâm) và Nguyễn Tấn Sang (SN 1996, cháu ông Tâm). Ông Tâm bảo đó là “những giờ phút tử thần không quên trong cuộc đời ông”. Ông kể: “Khoảng 13 giờ ngày 3.11, trong lúc di chuyển từ cảng cá qua khu neo đậu Đông Tác để tránh dòng lũ, thì tàu cá PY 90151 TS của tôi bị lũ lớn cuốn phăng ra biển”.

Sự việc xảy ra quá nhanh, mà theo ông Tâm là chỉ “vài phút” nên 4 thành viên trên tàu chưa kịp làm gì thì sóng biển đã đánh chìm tàu. Lúc này, nơi duy nhất mà 4 người bám được là nóc hầm tàu cá. Và sau đó là chiếc can nhựa trôi nổi tự do trên biển.

Với kinh nghiệm mấy chục năm đi biển, ông Tâm thừa biết không thể dùng sức để “đối đầu” với “sự giận dữ của sóng biển”, ông liền khuyên các thành viên: “Không dùng chân “quạt” mà dùng tay bám chắc vào can nhựa”. Cứ thế, các thành viên làm theo lời ông, dùng “trí không dùng sức”.

Thấy Thảo kiệt sức vì bị chuột rút và nói “chắc chết thôi chú”, ông Tâm trấn an: “Cố gắng đi con, ráng đi con, con đừng hoang mang, hoang mang là chết, không thể sống được”. Lúc này, may thay, một cây tre chừng 2m trôi đến. Cả 4 cùng chồm đến chộp lấy.

Thế nhưng, Thảo vẫn không trụ được và bị sóng đánh bật ra khỏi can nhựa. Ông Tâm gắng gượng tìm cách tiếp cận Thảo nhưng bất lực. Đến 23h khuya 3.11, ông Tâm, con và cháu được sóng đánh dạt vào bờ đá. “Đúng là nhờ “ơn trên” chúng tôi mới sống sót.

Em Nguyễn Tấn Sang (SN 1996, cháu ông Tâm) chia sẻ: “Nếu không có bác Tâm động viên tinh thần, em nghĩ lúc đó mọi người khó vượt qua hoạng nạn”.

Ông Trần Ngọc Nhạn - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Phú Yên thì cho rằng: Thời điểm tàu cá bị nạn rất khó cứu hộ vì sóng quá lớn.

Nghĩa tình cha con

Tại khu phố biển An Thạnh (phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu), ròng rã từ 15h ngày 3.11 - 4.11, em Phan Nguyên Thi (SN 2001) thần thần, đi như người mất hồn bên vịnh biển Gành Đỏ với hy vọng sẽ tìm thấy thi thể người cha mình là anh Phan Sơn (45 tuổi). Nhưng rồi, thi thể của ông Sơn đã được tìm thấy. Bước chân vô hồn của Thi bên vịnh biển dừng lại. Em khóc sướt mướt bên thi thể cha mình: “Con không tin. Bố ơi sao bố bỏ con ra đi. Bố hãy trở về đi biển với con đi”.

Gạt nước mắt, Thi kể: “Con và bố cùng đi thúng chai ra khơi thì thấy sóng lớn quá nên quay lại. Bố quay lại trước thì sóng đánh úp. Con cố chèo lại cứu bố nhưng bố sợ con cũng bị rơi xuống biển nên bố quyết buông tay. Sau đó, thúng con cũng bị úp. Con bám được vào nhành cây người ta dùng nuôi ốc hương và cố trụ. Gần 1h sau, trong bờ có người đi ra, con mới được ứng cứu”.

Hành động của người cha luôn khiến Thi phải suy nghĩ. “Bố đã chọn cái chết để con được sống. Trong lòng con bố cao thượng đến dường nào bố biết không? Con còn nhỏ nhưng con sẽ cố gắng nối nghiệp đi biển, sống bằng nghề biển của cha” - Thi bất giác nói trước bàn thờ lạnh tanh của cha mình.

Chiều buông, vịnh biển Gành Đỏ vẫn là những con sóng dữ dội xô dạt vào bờ. Nơi mưu sinh cơm áo của gia đình Thi chưa biết bao giờ mới nguôi đi u uất...

Nhiệt Băng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/giua-lan-ranh-song-chet-610369.bld