Giữa khủng hoảng kinh tế, Đông Nam Á vẫn là thị trường tốt được lựa chọn đầu tư

Tình trạng sa thải nhân viên ở nhiều công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đang cho thấy mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng.

Theo CNBC, hàng trăm công nhân từ các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã bị sa thải trong vài tháng qua. Điều này chứng tỏ ngành công nghiệp đang phát triển nhanh này không thể tránh khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

Theo CNBC, ít nhất 6 công ty công nghệ ở Đông Nam Á đã cho nhân viên nghỉ việc, trong đó có Sea Limited, chủ sở hữu trang thương mại điện tử Shopee có trụ sở tại Singapore.

Các nhà đầu tư công nghệ cho rằng đây có thể chỉ là bước khởi đầu của quá trình cắt giảm việc làm trong ngành công nghệ khu vực. Khi lãi suất tăng và sự bất ổn kinh tế xuất hiện, các công ty buộc phải tập trung vào lợi nhuận, thay vì tăng trưởng nhanh nhất có thể.

"Tôi cho rằng chúng ta có thể sẽ thấy hiện tượng này tiếp tục xảy ra trong các tháng tới", bà Jessica Huang Pouleur, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Openspace cho biết.

Tình trạng mất việc làm

Theo thông tin từ Giám đốc điều hành Chris Feng, trang thương mại điện tử Shopee đã sa thải rất nhiều nhân viên ở bộ phận giao hàng và thanh toán thực phẩm từ Argentina, Chile và Mexico.

"Do sự bất ổn gia tăng trong nền kinh tế, chúng tôi tin rằng cần phải thận trọng để điều chỉnh một số khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả hoạt động và tập trung nguồn lực", ông Feng viết trong bức thư gửi CNBC.

Gần đây, công ty quản lý tài sản kỹ thuật số có trụ sở ở Singapore StashAway thông báo đã sa thải 31 nhân viên, tương đương với khoảng 14% tổng số nhân viên của công ty vào cuối tháng 5 và tháng 6. Mặt khác, nền tảng mua sắm trực tuyến của Malaysia, iPrice cũng đã cắt giảm 1/5 lực lượng lao động vào tháng 6. Công ty này cho biết họ có 250 nhân viên trước khi thực hiện sa thải. Trong khi đó, công ty công nghệ giáo dục của Indonesia là Zenius cũng đã cho 200 nhân viên thôi việc.

Bên cạnh đó, sàn giao dịch điện tử Singapore Crypto.com thông báo cũng đã sa thải 260 nhân viên (chiếm khoảng 5% nhân lực của công ty). Hầu hết các vị trí việc làm đã cắt giảm mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ. The CNBC, lý giải điều này, các công ty cho rằng việc sa thải nhân viên là do điều kiện kinh tế "không chắc chắn" trong bối cảnh hiện tại.

JD.ID, một chi nhánh ở Indonesia thuộc trang thương mại điện tử củaTrung Quốc JD.com cũng đã thông báo đã cắt giảm nhân sự. Bà Jenie Simon, Giám đốc điều hành chung cho biết các điều chỉnh như vậy nhằm duy trì sự cạnh tranh của công ty trong thị trường thương mại điện tử ở Indonesia.

Theo các báo cáo, hàng chục nhân lực đã bị sa thải khỏi các công ty khởi nghiệp khác ở Indonesia chẳng hạn như công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Lummo và nhà cung cấp thanh toán kỹ thuật số LinkAja. Cơ hội việc làm trong ngành công nghệ của Singapore đã giảm nhẹ so với năm ngoái.

Lãi suất tăng cao

Lãi suất tăng cao cũng là mối quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ. Ông Jefrey Joe, đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Alpha JWC cho biết, việc tăng lãi suất sẽ gia tăng chi phí kinh doanh, chi phí vốn và kỳ vọng thu hồi vốn đối với các nhà đầu tư.

"Lãi suất cao hơn sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận của công ty",ông Joe nhấn mạnh. "Vì vậy, việc sa thải nhân viên có thể sẽ phải tiếp tục xảy ra trong thời gian tới".

Ông James Tan, đối tác quản lý công ty đầu tư mạo hiểm Quest Ventures nhận định chi phí đi vay tăng lên và nền kinh tế đang đối mặt với sự không chắc chắn.

"Sẽ thật kỳ lạ nếu các công ty không rơi vào tình trạng sa thải nhân viên. Bất kỳ công ty khởi nghiệp nào không làm như vậy sẽ phải đối mặt với áp lực lớn để vượt qua khủng hoảng", ông James Tan nhấn mạnh. Khi việc định giá giảm đi so với năm ngoái, các công ty sẽ muốn tránh huy động tiền, vì vậy, họ sẽ cố gắng cắt giảm chi phí và vượt qua suy thoái trước khi gây quỹ trở lại".

Không dễ dàng kiếm tiền

Dữ liệu của Preqin cho thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm đã huy động 900 triệu đô la cho đến nửa năm nay, bằng với số tiền huy động trong cả năm 2021.

Ông Tan cho rằng, do tác động của toàn cầu, quá trình kiếm tiền không hề dễ dàng.

Theo CNBC, các nhà đầu tư hiện vẫn xem Đông Nam Á là khu vực tốt để đầu tư bởi tỷ lệ dân số trung lưu ngày càng tăng, số lượng sử dụng Internet cao và ngày càng có nhiều người muốn bước vào khởi nghiệp.

Ông Joe nói rằng tình trạng suy thoái hiện tại có thể là thời điểm phù hợp để các nhà đầu tư chọn ra những công ty thực sự đang hoạt động tốt và tiếp tục đầu tư vào khu vực cho dù mức định giá giảm đi. Nếu các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai tại khu vực này thì hy vọng thị trường sẽ hồi phục vào thời gian tới.

"Khoảng cách giữa các công ty chất lượng tốt và các công ty kém chất lượng ngày càng rõ ràng. Việc rất nhiều công ty nhỏ và yếu đã sa thải nhân viên tài năng sẽ lại là cơ hội để các công ty lớn hơn, mạnh hơn thuê được nhân lực giỏi hơn", ông Huang Pouler nói./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/giua-khung-hoang-kinh-te-dong-nam-a-van-la-thi-truong-tot-duoc-lua-chon-dau-tu-20220623114113239.htm