Giữa hai làn sóng Phubbing và BPhubbing

Một số chuyên gia tin rằng không phải công nghệ khiến chúng ta không vui mà là cách chúng ta đang sử dụng nó. Văn hóa công ty bị cảnh báo là sẽ trở nên tệ hai hơn giữa hai làn sóng Phubbing và BPhubbing này.

Nhiều người trong chúng ta có thể đang nghiện điện thoại và do đó cảm thấy có nhiều lo lắng hơn. Dù vậy, chúng ta không phải từ bỏ công nghệ để trở nên hạnh phúc hơn. Đó là những gì được đúc kết từ ý kiến của các chuyên gia một cuộc hội thảo do tạp chí Fast Company (Mỹ) tổ chức mới đây.

Mất kết nối

Việc hạn chế sử dụng điện thoại di động ở nơi làm việc hoặc trong lúc họp hành không phải là chuyện dễ.

Ông David Gelles, phóng viên tờ báo hàng đầu Mỹ The New York Times cho rằng sự phổ biến của công nghệ trong cuộc sống hiện đại đã dẫn đến cảm giác mất kết nối. Tuy nhiên, ông Michael Acton Smith, nhà đồng sáng lập ứng dụng thiền định Calm, tin rằng không phải công nghệ khiến chúng ta không vui mà là do cách chúng ta đang sử dụng nó. “Những siêu máy tính mang theo trên người chúng ta không tốt cũng không xấu. Điều quan trọng là cách chúng ta sử dụng chúng”, ông Smith đánh giá.

Ngoài ra, có ý kiến cho ra rằng công nghệ không phải là thứ duy nhất khiến người ta kém hạnh phúc. Nhà kinh tế Jeffrey Sachs chỉ ra rằng sự suy giảm hạnh phúc đến từ việc nhiều người cảm thấy không còn kiểm soát được cuộc sống mình cũng như không có người đáng tin để trông cậy khi cần. Thế hệ này – mặc dù có nhiều kỳ vọng hơn – cũng kiếm được ít tiền hơn so với các thế hệ trước, theo bà Marah Lidey, nhà đồng sáng lập và đồng Giám đốc điều hành ứng dụng chánh niệm Shine, nhận định thêm.

Nỗi lo BPhubbing

Hai mặt của thiết bị di động

Những sếp nào thấy lo về chuyện sử dụng điện thoại quá nhiều cũng có thể tìm đến giải pháp phần mềm. Ông Bryan Lee, một nhà quản lý sản phẩm tại công ty phần mềm doanh nghiệp Docker Inc. (Mỹ), hồi đầu năm nay cảm thấy việc sử dụng điện thoại của mình có vấn đề. Vì thế, ông cài đặt ứng dụng Moment để theo dõi tổng thời gian sử dụng điện thoại mỗi ngày. Số liệu đầu tiên cho thấy ông bỏ ra đến 4 giờ mỗi ngày cho thiết bị.

Giờ đây, ông đã giảm con số này xuống còn khoảng 1 giờ trong ngày trong lúc khuyến khích các thành viên trong nhóm mình làm theo.

Trong bối cảnh công nghệ bị xem là khiến người ta kém hạnh phúc hơn, câu hỏi đặt ra là liệu sếp các doanh nghiệp có bị “nghiện” thiết bị di động hay không và nếu có thì tác động ra sao đến công việc? Với một cuộc nghiên cứu gần đây, câu trả lời là có. Trong thời gian qua, người ta bắt đầu nói nhiều đến hiện tượng “Phubbing” (từ viết ngắn gọn của phone-snubbing), tức “sự phớt lờ một ai đó trong giao tiếp xã hội, tập trung hết sự chú ý vào điện thoại di động thay vì người đối diện”. Sau đó, xuất hiện thêm từ BPhubbing (boss phubbing), dùng để chỉ hành vi tương tự của người sếp trong lúc họp hành hoặc khi gặp mặt nhân viên.

Đây không phải là hiện tượng quá hiếm. Không ít nhân viên dự họp để rồi chứng kiến cảnh cấp trên của mình bị điện thoại làm sao nhãng bởi e-mail, tin nhắc hoặc thông tin trên mạng xã hội. Họ cũng không khỏi khó chịu khi sếp sử dụng điện thoại ngay cả khi đang thảo luận về công việc. Theo bản nghiên cứu của các hai giáo sư James Roberts và Meredith David tại Trường Đại học Baylor (Mỹ), hành vi không hay này của sếp có thể tác động đến niềm tin và sự gắn kết tại nơi làm việc. “Mối quan hệ giữa người giám sát và nhân viên giống như một cuộc hôn nhân. Họ phải làm việc cùng nhau và có mục tiêu chung trong đầu. Nếu Phubbing được cho là không tốt cho một mối quan hệ tình cảm, tôi tin rằng BPhubbing cũng đe dọa gây ra hậu quả tiêu cực tại nơi làm việc”, ông Roberts cảnh báo.

Trong cuộc nghiên cứu của mình, hai tác giả Roberts và Meredith nhận thấy những hành vi đơn giản như việc cấp trên sử dụng điện thoại trong lúc có sự hiện diện của nhân viên có thể tác động đến sự gắn kết giữa hai bên. Ngoài ra, BPhubbing còn khiến nhân viên không tin sếp có thể thực hiện những gì đã hứa hoặc đối xử công bằng với mình hoặc cho rằng mình không nhận được nguồn lực cần thiết để làm việc và môi trường làm việc không an toàn. Mọi suy nghĩ này có thể làm giảm hiệu suất làm việc của nhân viên.

Ứng dụng Moment giúp ích trong việc giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại.

Bài toán khó

Ngay cả trước khi có điện thoại di động, các sếp vẫn có thể không hoàn toàn chú ý đến nhân viên bằng những hành động như đọc tài liệu trong lúc gặp mặt hoặc họp hành. Sự phổ biến của thiết bị di động chỉ càng khiến xu hướng này gia tăng. Với cả nhân viên và sếp, nghiên cứu đưa ra những khuyến cáo quan trọng có liên quan đến văn hóa tại nơi làm việc: “Phubbing là hành vi có hại, bất kể nó diễn ra khi họ hội họp hoặc ăn uống…bởi nó làm tổn thương thứ văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự tôn trọng dành cho người khác”.

Riêng ông Roberts đề xuất sếp và nhân viên cần được huấn luyện để trở nên nhạy cảm hơn với tác động tiêu cực của Phubbing đối với các mối quan hệ nơi làm việc. Thậm chí, các công ty nên cân nhắc ban hành chính sách quy định điện thoại được sử dụng ở đâu và khi nào tại công sở. Họ cũng cần xác định rõ những loại thông điệp (tin nhắn, e-mail) nào không cần phải trả lời ngay khi nhận được, áp dụng cho cả sếp lẫn nhân viên.

Dĩ nhiên đây không phải là nỗ lực dễ trong bối cảnh công việc nhiều khi đòi hỏi sự kết nối mọi lúc mọi nơi và thiết bị di động là phương tiện không thể thiếu. Mặt khác, không phải sếp nào cũng “nghiện” thiết bị di động và nỗ lực ép nhân viên “cai nghiện” gặp không ít thử thách.

Đây là sự trải nghiệm ông Jason Brown, Giám đốc điều hành công ty quảng cáo Brown, Parker & DeMarinis Advertising (Mỹ) gặp phải. Hai năm trước, ông chịu hết nỗi khi nhìn thấy phần lớn nhân viên có mặt trong phòng họp liên tục bị chiếc điện thoại làm phân tâm trong lúc ông trình bày một nội dung liên quan đến công việc. Sau đó, ông ra lệnh nhân viên không được mang theo điện thoại khi dự các cuộc họp có mặt ông nếu không sẽ bị sa thải.

Cũng cứng rắn không kém, ông Mat Ishbia, Giám đốc điều hành công ty United Wholesale Mortgage (Mỹ), cấm sử dụng công nghệ tại các cuộc họp từ hai năm trước. Gần đây, ông yêu cầu nhóm điều hành của mình và các nhà quản lý khác không kiểm tra điện thoại khi ra vào các cuộc họp. “Đứng hành xử như thể chúng ta quá quan trọng đến nỗi không chào hỏi ai. Hãy nhìn mọi người khi dự họp”, ông Ishbia giải thích khi đưa ra yêu cầu này.

Trước đó, vào đầu năm nay, ông Shane Wooten, Giám đốc điều hành công ty nền tảng video doanh nghiệp Vidplat LLC (Mỹ), đã hạn chế thiết bị cá nhân tại các cuộc họp giữa ông và nhân viên. Dù vậy, quyết định này đối mặt một số phản ứng khi không ít nhân viên cho rằng điện thoại là công cụ không thể thiếu để họ làm những thứ như duy trì liên lạc với đứa con đang bệnh hoặc tìm kiếm thông tin liên quan đến cuộc họp.

Google Inc. gần đây thông báo phiên bản hệ điều hành Android tiếp theo sẽ có tính năng giúp ích cho những người cảm thấy đang bị thiết bị “trói chặt”. Cụ thể, nó cho phép người sử dụng biết dùng điện thoại trong bao lâu, hiển thị ứng dụng nào được sử dụng nhiều nhất và điện thoại được mở khóa thường xuyên đến đâu.

Phần mềm có thể là chìa khóa cho vấn đề bởi không phải giải pháp nào ở nơi làm việc cũng đều có hiệu quả.

Minh Huy

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281526/giua-hai-lan-song-phubbing-va-bphubbing.html