Giữa 'điểm nóng' sạt lở, người dân đánh cược mạng sống với thủy thần

Thời gian gần đây, tình hình sạt lở đất ven sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân vùng sông nước.

Liên tục sửa nhà

Mỗi khi mùa mưa đến, người dân ngụ ven sông ở tỉnh Cà Mau lại sống trong sự thấp thỏm lo âu. Thế nhưng, với điều kiện bắt buộc và tập quán sinh sống, kinh doanh dọc theo các tuyến sông, người dân vùng sạt lở đành chấp nhận mạo hiểm đánh cược với…“thuỷ thần”.

PV báo Người Đưa Tin đã có dịp ghi lại nỗi niềm của người dân tại những điểm thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở.

Theo tìm hiểu của PV, trước đây, Cà Mau vẫn có tình trạng sạt lở nhưng rất thưa thớt và hầu hết chỉ xảy ra riêng lẻ, không phức tạp. Thế nhưng, thời gian gần đây, địa bàn liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở khiến người dân hết sức hoang mang, lo sợ…

Ghi nhận từ nhiều người sống quanh khu vực xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), tình trạng sạt lở trên địa bàn xã đã xảy ra hàng chục năm nay và tái diễn “thường niên”. Trong đó, “điểm nóng” của tình trạng sạt lở là khu vực chợ xã. Cứ mỗi mùa mưa, khu vực này lại xảy ra sạt lở.

Vẻ mặt buồn rầu, anh Nguyễn Chí Nguyện sống ở khu vực xã Tân Tiến, thông tin, tháng vừa qua, anh đã sửa nhà đến 2 lần do sạt lở đất làm hư hại.

Theo anh Nguyện, việc kinh doanh của gia đình cũng tốt nhưng làm bao nhiêu tiền cũng chỉ đủ dùng trong sinh hoạt hằng ngày và để sửa nhà bị sạt lở.

“Mấy chục năm trước, con sông này rất nhỏ, nhưng vài năm trở lại đây, hai bờ sông đã cách xa ra đến cả chục mét thì chú đã hiểu tình trạng sạt lở đã như thế nào”, anh Nguyên chia sẻ với PV.

Nhiều căn nhà ảnh hưởng nặng và có nguy cơ bị "bà thủy" cuốn đi bất cứ lúc nào.

Ông Mai Việt Triều, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, tình hình sạt lở đất trên địa bàn diễn ra khá phức tạp trong nhiều năm nay. Hiện, các khu vực sạt lở cũng chưa có hệ thống kè bảo vệ. Phần lớn các vụ sạt lở đều diễn ra trong đêm.

Vì thế, địa phương đã tuyên truyền người dân không ngủ lại qua đêm ở khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là người già và trẻ nhỏ, không chứa các vật nặng trên sàn nhà.

Đặc biệt, trong mùa sạt lở, địa phương thực hiện nghiêm công tác di dời dân khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ cao…

“Từ đầu năm đến nay, địa bàn xã đã sụp lở 4 vụ, có 3 vụ sụp đường, ước thiệt hại hơn 240 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi đã di dời khẩn cấp 60 hộ dân khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, đặc biệt là các hộ tại khu vực chợ xã”, ông Triều nói.

Tương tự, địa bàn huyện Năm Căn cũng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng và trở thành một trong những “điểm nóng” sạt lở của tỉnh Cà Mau.

Gần đây nhất, vào sáng 29/6, khu vực sông Cửa Lớn thuộc xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) đã xảy ra điểm sạt lở đất ảnh hưởng đến 3 hộ dân, ước tổng thiệt hại tài sản là không nhỏ.

Vụ sạt lở đất làm sụp một phần căn nhà của các hộ: Huỳnh Thị Nhanh, Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Phú Hùng…

Trước đó, vào cuối tháng 5/2017, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại khu dân cư thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn khiến 16 căn nhà bị hư hỏng và 9 căn khác bị ảnh hưởng, rạn nứt. Ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Thời gian qua, rất nhiều nhà cửa và tài sản của người dân bị cuốn trôi theo dòng nước.

Nỗi ám ảnh của người dân

Mặc dù vụ việc đã xảy ra khá lâu, nhưng khi tiếp xúc với PV, nhiều người sống quanh khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở vẫn bị ám ảnh.

Bà Nguyễn Kim Huê (ngụ xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) cho biết, nhà bà đã bị sạt lở cách đây 2 năm nhưng khi nhắc lại vụ việc, bà vẫn cảm thấy sờ sợ và không khỏi thảng thốt.

Bà Huê thông tin, mùa mưa năm nào cũng có tình trạng sạt lở xảy ra nên vào ban đêm, gia đình chưa bao giờ được ngủ ngon giấc. Hễ nghe có tiếng sóng to, gió lớn, bà và gia đình lại lật đật ngồi vậy để “xem tình hình” và chuẩn bị sẵn tư thế, phòng khi xảy ra sạt lở…

“Vụ sạt lở nhà tôi cách đây 2 năm xảy ra rất nhanh. Trước khi sụp, căn nhà không có biểu hiện bất thường nên chúng tôi trở tay không kịp”, bà Huê nhớ lại.

Ông Nguyễn Gia Phúc, một hộ dân bị thiệt hại bởi vụ sạt lở tại khu dân cư thị trấn Năm Căn cũng tỏ ra hết sức thất thần: “Khoảng một tuần trước, tôi thấy nền nhà bị nứt nên cũng đã tranh thủ mang những tài sản có giá trị di dời đến nơi an toàn”.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Tân Tiến xảy ra cách đây 2 năm.

Theo ông Phúc, vụ sạt lở xảy ra vào ban đêm, khoảng 3h ngày 30/5. Lúc đó, gia đình ông và hàng xóm đang ngủ thì giật mình thức giấc khi nghe tiếng răng rắc.

“Lúc đó, tôi liền nghĩ đất bị sạt lở nên kêu vợ con chạy ra ngoài. Ngay sau đó, một phần căn nhà phía sau bị sụp xuống sông. Hoảng quá, tôi vừa chạy vừa la để những hộ lân cận nghe thấy”, ông Phúc kể giây phút kinh hoàng.

Chị Nguyễn Thị Liên có nhà cách nhà ông Phúc mấy căn cũng bị sạt lở gây thiệt hại không nhỏ. “Bữa nhà tôi bị sạt lở chỉ có 2 mẹ con ở nhà nên lo lắm. Rất may, bà con lân cận giúp di chuyển đồ đạc ra ngoài. Giờ muốn sửa lại nhà cũng lo, rủi bị sạt lở nữa thì mất hết”, chị Liên lo lắng.

Xót xa nhất là hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Tư (70 tuổi), từ khi xảy ra vụ sạt lở đến nay, cuộc sống gia đình ông đã bị đảo lộn.

Ông Tư cho biết, hằng ngày, ông và vợ làm bánh chưng để bán kiếm sống qua ngày. Nay, nhà bị sạt lở khiến nhiều đồ dùng bị hư hỏng nên không thể làm gì được…

Phê duyệt dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, khu vực sạt lở tại thị trấn Năm Căn dài khoảng 80m. Ngoài 16 căn nhà bị sạt lở nghiêm trọng, hiện còn 9 căn xuất hiện những vết nứt lớn và đang có nguy cơ bị sạt lở thêm bất cứ lúc nào.

Được biết, sau vụ sạt lở tại khu dân cư thị trấn Năm Căn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã phê duyệt dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở với tổng mức đầu tư trên 212 tỷ đồng. Trong đó, tổng dự toán của giai đoạn 1 là 119 tỷ đồng (nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách của tỉnh). Dự án dự kiến sẽ được tiến hành vào quý III/2017.

Nguyễn Linh

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/giua-diem-nong-sat-lo-nguoi-dan-danh-cuoc-mang-song-voi-thuy-than-p42288.html