Giữa 'đại dịch' nCoV: Không tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà!

Tính đến ngày 4.2, Việt Nam đã có 10 trường hợp nhiễm virus nCoV và hiện đang có 78 trường hợp được cách ly, theo dõi chặt chẽ. Trong khi đó, nhiều người dân lo ngại có thể lây nhiễm chéo khi đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe vào thời gian này… Phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hiện là Trưởng khoa Y tế công cộng và điều dưỡng, Trường ĐH Quang Trung để tìm hiệu về thực hư chuyện này.

Chưa có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm 2019 - nCoV tại nhà

Thưa ông, mặc dù đã được ngành y tế khuyến cáo có thể dùng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế dùng một lần nhưng nhiều người dân vẫn băn khoăn liệu khẩu trang vải có thể hạn chế sự lây nhiễm virus corona 2019 (2019 nCoV)?

Ông Nguyễn Huy Nga: Dùng khẩu trang vải có thể ngăn được giọt bắn (chứa virus) cho những người khác hoặc ngăn giọt bắn của người khác vào mình. Tuy nhiên, lúc dùng xong phải giặt khẩu trang vải bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, sau đó phơi nắng hoặc sấy khô.

PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cũng là người có kinh nghiệm từng tham gia ban chỉ đạo phòng chống dịch Sars năm 2003.

PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cũng là người có kinh nghiệm từng tham gia ban chỉ đạo phòng chống dịch Sars năm 2003.

Người dân nếu dùng xong để khẩu trang ở trong túi áo, túi quần, hay để trên mặt bàn làm việc sẽ mất vệ sinh, có thể bị lây nhiễm.

Người dân cần lưu ý gì khi tháo khẩu trang để phòng tránh sự lây nhiễm?

Tốt nhất, mỗi người nên có từ 3-4 khẩu trang vải thay nhau sử dụng và có một túi riêng để bỏ khẩu trang mang về nhà vệ sinh. Lúc tháo khẩu trang ra thì tốt nhất nên cuộn mặt ở ngoài vào trong, cho vào túi ni lông, bọc kín, cuối ngày mang về nhà để giặt bằng dung dịch xà phòng.

Đối với khẩu trang dùng một lần thì nên dùng hai tay tháo quai, sau đó vứt thẳng vào thùng rác. Người dân tuyệt đối không vứt khẩu trang bừa bãi tại các nơi công cộng, gây mất vệ sinh, vừa gây mất mỹ quan. Người dân nên vứt khẩu trang đã sử dụng vào các thùng rác có nắp hoặc xe rác công cộng. Công ty môi trường sẽ vận chuyển, xử lý chung đối với rác thông thường.

Hà Nội diễn tập phòng chống dịch . Ảnh: TTXVN

Vậy còn đối với quần áo, cũng có thể là nơi trú ngụ của virus nCoV?

Giặt quần áo hàng ngày nếu được. Đối với quần áo mùa đông khi đi ra ngoài về, treo ngoài không nên đưa vào phòng ngủ. Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý. Tránh cho trẻ em tiếp xúc với quần áo người lớn khi đi ngoài đường về.

Hiện nay, nhiều người dân băn khoăn, khi có các triệu chứng ho, hắt hơi nếu đến các cơ sở y tế kiểm tra, có thể bị lây nhiễm chéo tại bệnh viện. Trong tình hình hiện nay, các thành phố lớn có nên chuẩn bị những phương tiện lưu động có thể làm xét nghiệm virus nCoV tại nhà cho bệnh nhân nhằm giảm sự quá tải cho bệnh viện?

Trong điều kiện dịch đang có nguy cơ lan rộng như hiện nay, tôi khuyến cáo tất cả mọi người có các triệu chứng, như: sốt, ho nên đến khám tại các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và cần thiết thì xét nghiệm vi rút 2019 - nCoV.

Hiện nay theo quy định của Bộ Y tế, mẫu xét nghiệm chỉ được lấy tại các cơ sở y tế đủ năng lực và đưa mẫu về các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế chỉ định. Việc lấy mẫu xét nghiệm tại nhà chưa có trong kế hoạch. Theo tôi thì việc đó cũng không nên tiến hành vì ngoài lấy mẫu đúng quy định, người lấy mẫu đã được huấn luyện chuyên môn thì người bệnh cần phải được tư vấn, khám và chỉ định điều trị hoặc cách ly tại các cơ sở y tế.

Việc lấy mẫu tại gia đình bằng các phương tiện lưu động rất khó đảm bảo an toàn sinh học. Ngoài ra việc này còn đòi hỏi có thêm phương tiện và nhân lực rất tốn kém, đôi khi còn lãng phí tiền của.

Cẩn trọng khi thu gom khẩu trang y tế

Nhiều người lo ngại, quá trình thu gom khẩu trang dùng một lần có thể dẫn đến sự lây nhiễm chéo. Thưa ông, vậy người thu gom rác, công nhân vệ sinh môi trường cần lưu ý gì để phòng tránh sự lây nhiễm?

Đối với những người đi thu gom phải đeo khẩu trang y tế, dùng que, hay dụng cụ để gắp, hoặc đeo găng tay, cho vào túi kín đưa đi để xử lý an toàn.

Đối với khẩu trang ở những khu vực có dịch, tốt nhất là cho vào lò đốt và thực hiện xử lý theo quy trình của ngành y tế.

Đối với những khẩu trang y tế dùng một lần tại các khu dân cư, liệu chúng ta có cần phải thực hiện thu gom và xử lý riêng, không xử lý chung với các loại rác sinh hoạt không thưa ông?

Nếu mà làm được như thế thì rất tốt, nhưng sợ không làm được vì không đủ nguồn lực về nhân công, chi phí.

Nếu mà ở những vùng có dịch, khu dân cư có người mắc bệnh thì bắt buộc phải làm như vậy. Còn đối với những khu vực chưa có dịch thì rất khó để thực hiện như thế. Họ vẫn đưa chung vào rác sinh hoạt chung.

Trong những trường hợp khu vực có dịch thì cần thông báo cho những người thu gom rác cần phải cẩn trọng tại khu vực đấy. Những khẩu trang dùng một lần cần phải thu gom vào một túi riêng để xử lý, phải được bọc kín vào không để lây lan ra xung quanh.

Khẩu trang dùng một lần bị vứt vương vãi trên đường. Ảnh: Lao Động

Với kinh nghiệm từng tham gia ban chỉ đạo phòng chống dịch SARS năm 2003, theo ông đâu là yếu tố nào quan trọng nhất trong công tác phòng dịch?

Điều quan trọng nhất là cần phải minh bạch thông tin và cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành cùng toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng dịch là hết sức cần thiết và phải làm thật tỉ mỉ.

Trong công tác phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh do virus nCoV, tính chủ động của các cấp địa phương như phường, xã có vai trò như thế nào, thưa ông?

Cấp phường, xã nên chủ động thực hiện: Truyền thông, giáo dục sức khỏe qua các phương tiện truyền thông như đài phát thanh xã phường, internet, tin nhắn qua điện thoại, phát tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch đến từng nhà. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch và chỉ đạo của chính quyền và ngành y tế;

Phát hiện các trường hợp những gia đình có người bị sốt, ho, có người đi từ vùng dịch về hoặc có nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân viêm phổi 2019 - nCoV để vận động họ đi khám, tư vấn y tế hoặc tự cách lý tại nhà trong vòng 14 ngày;

Phát động phong trào vệ sinh công cộng, vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, vứt khẩu trang vào thùng rác…

Cung cấp điện thoại trực của y tế xã, phường để nhân dân có thể hỏi, xin tư vấn hoặc báo cáo các hiện tượng nghi ngờ dịch viêm phổi, hoặc thông báo những trường hợp có người đi từ vùng dịch về.

Kịp thời ngăn chặn những tin tức hoang báo, tin tức không chính xác hoặc bịa đặt về dịch viêm phổi gây hoang mang trong cộng đồng.

Kịp thời báo cáo lên chính quyền và y tế cấp trên các trường hợp nghi ngờ có dịch.

Cám ơn ông!

Ngày 4.2, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành hướng dẫn tạm thời về xét nghiệm nCoV.

Theo đó, Chiến lược xét nghiệm phát hiện nCoV nêu rõ: Định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ là trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, với các biểu hiện sốt, ho, có thể có khó thở và có một trong các yếu tố dịch tễ sau: Có tiền sử đến/ở/về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh;

Hoặc: Tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Phương cách xét nghiệm: Đối với các mẫu thu thập từ người bệnh đáp ứng định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ và nhập viện thì thực hiện xét nghiệm nCoV bằng kỹ thuật real-time RT PCR (theo hướng dẫn của CDC hoặc Berlin) hoặc giải trình tự gen thế hệ mới mà không qua bước xét nghiệm sàng lọc các tác nhân gây viêm đường hô hấp khác. Nếu kết quả âm tính với nCoV thì tiến hành xét nghiệm các tác nhân gây viêm đường hô hấp khác theo quy trình của phòng xét nghiệm.

Người bệnh khác có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nhưng chưa đáp ứng định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ thì tiến hành xét nghiệm sàng lọc phát hiện vi rút cúm và các tác nhân gây viêm đường hô hấp khác theo quy trình của phòng xét nghiệm. (Theo Suckhoedoisong)

Minh Hân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/giua-dai-dich-ncov-khong-tu-lay-mau-xet-nghiem-tai-nha-22449.html