Giữa đại dịch, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương

Tăng trưởng kinh tế quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm đã có những kết quả khả quan, cho thấy Việt Nam đã và đang đúng hướng trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế.

Việt Nam đã tăng trưởng dương và xuất siêu kỷ lục 17 tỷ USD Ảnh: TKTS

Việt Nam đã tăng trưởng dương và xuất siêu kỷ lục 17 tỷ USD Ảnh: TKTS

Xuất khẩu lội ngược dòng, xuất siêu kỷ lục

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố đầu tuần này, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đem lại sự tin tưởng về một kết quả tăng trưởng dương cho kinh tế cả năm 2020, sau rất nhiều đồn đoán và lo ngại về sự sụt giảm của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế trong nước. Quan sát con số tăng trưởng cụ thể của từng quý cho thấy kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với dịch Covid-19.

Mặc dù dịch bùng phát trở lại trên diện rộng với số người nhiễm cao gấp nhiều lần so với bùng phát lần 1 song công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vẫn đi đúng hướng. Theo đó, quý 1 GDP của Việt Nam tăng 3,68%, quý 2 GDP chịu tác động nghiêm trọng do chúng ta thực hiện giãn cách toàn xã hội đã khiến tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,39%. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp khoanh vùng dập dịch và tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế tại những địa phương không có dịch thực sự đã phát huy tác dụng, giải pháp quan trọng này đã giúp cho tăng trưởng của quý 3 khởi sắc đạt 2,62%. Với kết quả này, GDP 9 tháng vẫn đạt trên 2%, cao hơn mức 1,8% của nửa đầu năm. Do đó, dù là mức tăng thấp nhất của GDP 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020, song người đứng đầu Tổng cục Thống kê nhận định đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, là một kết quả rất đáng mừng và cũng là thành công lớn của Việt Nam.

Trong kết quả tăng trưởng GDP 9 tháng, có thể thấy có nhiều điểm sáng. Một trong những điểm sáng ấn tượng nhất chính là tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam rất đáng ghi nhận. Việt Nam không những giữ được tăng trưởng xuất khẩu dương mà còn đạt con số xuất siêu kỷ lục với 17 tỷ USD. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đóng góp lớn cho xuất siêu khi đã xuất siêu hơn 27,5 tỷ USD trong 9 tháng.

Bức tranh kinh tế 9 tháng cũng ghi nhận kết quả tích cực từ đầu tư. Theo đó, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.445,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng vốn đầu tư công ước tính đạt 327,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,7% vốn đầu tư toàn xã hội), tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Liên quan đến đầu tư công, "át chủ bài" của tăng trưởng 2020, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm, do đó, với những động thái quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nút thắt giải ngân đầu tư công đã được hóa giải phần nào và dự kiến sẽ có đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công đang vào guồng nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nên khả năng đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra sẽ kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp khác tăng trưởng và là động lực rất quan trọng để tăng trưởng GDP.

Nhiều dư địa tăng trưởng

Nhận định về tăng trưởng quý 4 và cả năm 2020, bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Song đà tăng trưởng sẽ khá hơn trong quý 4 và tăng trưởng cả năm đạt mức 2%-3% là khả thi. Một trong những động lực cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm được bà Nguyễn Thị Hương nhắc tới là kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai có thể giúp Việt Nam khôi phục hoạt động xuất khẩu vào thị trường châu Âu - vốn là thị trường truyền thống lớn của nước ta.

Về vấn đề này, ông Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh, tăng trưởng GDP năm nay ít nhất đạt 2%, có khả năng tăng 3% nếu điều kiện thuận lợi. Điều này nhờ vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, đặc biệt của những mặt hàng thế mạnh như nông sản, dệt may, giày dép, linh kiện điện tử…, qua đó thúc đẩy nền sản xuất đi lên nhờ kinh tế thế giới phục hồi. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh cũng là tín hiệu tốt với kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tái đàn lợn đang thực hiện khá tốt, do tạm thời kiểm soát được Dịch tả lợn châu Phi sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế tạo tháng 9 tăng cao và có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 4/2020. “Giải ngân đầu tư công đến nay đạt gần 60%. Với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc sát sao của các cấp, các ngành nên dư địa thúc đẩy tăng trưởng đầu tư công quý 4/2020 là rất lớn”, ông Dương Mạnh Hùng nói.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đây là năm tăng trưởng kinh tế nhìn chung sẽ rất thấp. Riêng với kinh tế Việt Nam, với những diễn biến trong thời gian qua có thể dự báo GDP tăng 2-3%, tuy nhiên với 9 tháng tăng trưởng kinh tế đã đạt 2,12% là rất khả quan. Khả năng năm 2020 tăng trưởng đạt 3-4% là khả thi. Trong kết quả đó, nhiều dự báo xuất khẩu sẽ gặp khó khăn nhưng đến thời điểm hiện tại xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng dương và xuất siêu kỷ lục 17 tỷ USD. Có được điều này một phần là do nhập khẩu giảm. Điều này không có lợi cho nền kinh tế, vì kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất nhập khẩu. Giảm nguyên liệu đầu vào sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, do đó, những tháng cuối năm cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu đầu vào, cần tích cực tìm kiếm các nguồn nhập khẩu khác ngoài thị trường Trung Quốc.

Liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, việc kiểm soát lạm phát hiện vẫn đang dưới mức 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, tuy nhiên, CPI vẫn cao nhất trong 5 năm qua. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, 9 tháng CPI tăng 3,85% là mức cao và dư địa còn lại để kiểm soát lạm phát dưới 4% từ nay đến cuối năm là hẹp. Những tháng cuối năm đầu tư cũng như tiêu thụ hàng hóa thường được đẩy mạnh nên thường làm lạm phát dễ tăng. Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, không vì thế mà kìm tốc độ lạm phát quá, bởi nếu kìm hãm quá sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trong bối cảnh này, lạm phát vượt mục tiêu Quốc hội đề ra cũng là điều có thể chấp nhận được.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước thực hiện trên 21.191 công trình lớn, chiếm 73,2% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Trong đó có 12.881 công trình lớn, chiếm 52,3% vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/giua-dai-dich-kinh-te-viet-nam-tang-truong-duong-134395.html