Giữa cuộc sống yên bình, vạch mặt kẻ phá bĩnh lạc lõng!

Có lần, một nhà báo người Đức, vốn hứng thú đặc biệt với các vấn đề chính trị - xã hội, hỏi tôi: 'Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong mấy thập kỷ qua?'. Không kịp phản ứng nhanh bằng các con số thống kê cụ thể, tôi chỉ kịp lấy câu chuyện của bản thân ra làm minh họa, để anh ta tự đối chiếu. Tôi kể cho anh ta về việc bố mẹ tôi, hai cán bộ Nhà nước đã nuôi 4 con lợn và 15 con gà trong gian vệ sinh của căn hộ tập thể rộng 24m2 trên tầng 4, để có thêm tiền cho 3 chị em tôi ăn học trong những năm 1990 ra sao. Anh bạn người Đức tròn mắt, chỉ thốt lên được mỗi một từ 'amazing', tiếng Việt có nghĩa là 'thật đáng kinh ngạc'.

Cơ sở hạ tầng phát triển thần tốc, đem lại những tiện ích tối đa, thay đổi cơ bản chất lượng sống của người dân. Ảnh: LAM THANH

“Thật đáng kinh ngạc” - có lẽ đó là cụm từ thích hợp nhất được dùng khi nói về sự phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ qua. Một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng chỉ sau mấy chục năm đã vươn lên thành một nền kinh tế nằm trong top đầu châu Á. Cơ sở hạ tầng phát triển thần tốc, đem lại những tiện ích tối đa, thay đổi cơ bản chất lượng sống của người dân. Bố tôi, một cựu chiến binh từng tham gia hai cuộc kháng chiến, trước đó nữa thì từng suýt chết đói khi mới lên 5, thường lặp lại một câu na ná nhau mỗi khi gia đình chúng tôi có dịp đi ăn uống ở nhà hàng, hoặc nghỉ ngơi ở resort cao cấp: “Nếu không có cuộc cách mạng ấy, nếu không giành được ĐỘC LẬP thì những người nông dân chân đất như bố chẳng bao giờ bước được vào những chốn thế này”.

Giống như bố tôi, hơn 90% người Việt Nam và con cháu họ cũng sẽ không có cơ hội bước chân vào những chốn phồn hoa như vậy, nếu như không có sự kiện mùa thu năm ấy. Thành quả mà cuộc Cách mạng Tháng Tám mang lại vô cùng vĩ đại, đó là điều không thể nào phủ nhận. Chúng tôi, con cái của những người nông dân, công nhân nhờ đó mà có cơ hội được học hành, được ăn ngon mặc đẹp, được bước chân ra thế giới, được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất và có toàn quyền quyết định về tương lai của mình. Thế hệ thứ ba, thứ tư của những người nông dân, công nhân từng bị áp bức vẫn đang được thụ hưởng một cuộc sống đầy đủ về vật chất, lành mạnh về tinh thần và tự do về ý chí.

Đó là thực tế đang diễn ra trước mắt. Thế nhưng đâu đó vẫn có những luận điệu lạc lõng đi ngược lại với dòng chảy chung của dân tộc, của đất nước đang cố gắng tìm cách bôi lem, làm méo mó đi tất cả những thành quả đó để phục vụ cho những mưu đồ đen tối. Nực cười hơn, mới rồi còn có những kẻ kêu gọi, kích động người dân biểu tình đúng ngày Quốc khánh 2-9 để “làm một cuộc Cách mạng Tháng Tám lần thứ hai”. Đúng là thâm hiểm và ngông cuồng hết sức.

Trong những ngày vui chung của dân tộc, giữa bầu không khí hân hoan, ai còn để tâm đến những lời kêu gọi, hô hào vô lối và nghịch tai như vậy. Âm mưu kích động thâm độc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của một số đối tượng xấu, cùng phần tử phản động, thù địch vẫn luôn rình rập, lẩn khuất! Cảnh giác là không thừa đối với chúng! Hơn thế nữa, mỗi người dân chúng ta cần có thái độ đúng đắn, lên án và bài trừ mọi âm mưu gây bất ổn xã hội, gây rối, kích động từ bên trong của một số đối tượng, phần tử thù địch như vậy!

Còn nhớ hồi đầu năm nay, khi đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở Thường Châu (Trung Quốc) trở về, hàng vạn người dân Hà Nội đã đổ ra đường với cờ hoa để chào đón trong niềm hân hoan thật sự. Thế mà chỉ mấy ngày sau, trên tài khoản mạng xã hội của một số cá nhân đã đăng hình ảnh biển người náo nhiệt ấy với dòng chú thích: “Người Việt xuống đường biểu tình chống chính quyền”. Một sự dối trá trơ trẽn và trắng trợn mà ai cũng có thể nhận ra, song vẫn được dùng để lừa bịp một số ít những người nhẹ dạ, cả tin. Hành vi ấy, một mặt cho thấy các đối tượng thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá, nhưng cũng đồng thời cho thấy sự giãy giụa yếu ớt, bất lực, níu kéo vô vọng của chúng. Bởi những điều xuyên tạc, bịa đặt ấy nhanh chóng bị vùi lấp, ngập chìm trong niềm vui chung.

Người dân Việt Nam đang có một cuộc sống đầy đủ về vật chất, lành mạnh về tinh thần và tự do về ý chí

Có những câu hỏi mà chắc chắn những kẻ vẫn đang ôm ảo vọng không tưởng đó không thể trả lời được: Nếu gọi là “làm cách mạng”, thì mục tiêu của cuộc “cách mạng” ấy là gì? Nó phục vụ ai, đem lại lợi ích cho ai? Lẽ nào còn một mục tiêu nào nữa cao hơn độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân?

Tự thân những kẻ vong bản có lẽ cũng không hiểu hết được việc chúng đang bị giật dây để phục vụ cho những mưu đồ đen tối, xấu xa hơn. Chỉ với vài lời hứa hẹn không tưởng, cùng mấy đồng tiền nhơ bẩn, chúng nhắm mắt để lập ra những cái gọi là “chính phủ lâm thời”, những đảng này hội nọ, rồi kêu gọi những người thiếu hiểu biết, hoặc vẫn còn hằn sâu tư tưởng hận thù để tổ chức gây rối, phá hoại, kích động chia rẽ lòng dân trong nước.

Có thể vẫn còn đâu đó một bộ phận những người trẻ sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc 10 năm, 20 năm nên còn mơ hồ về nhận thức, dễ bị xuôi theo những luận điệu bóp méo lịch sử của những kẻ mang trong mình ảo vọng hoang đường. Nhưng số đông vẫn là những người hiểu biết và có đủ sự tỉnh táo để nhận rõ đúng - sai.

Hàng ngày qua báo đài, Internet ai cũng có thể thấy, vẫn còn những quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực trên thế giới đang chìm trong bom đạn và chết chóc vì chiến tranh, xung đột. Nếu còn một chút nào chấp chới, mơ hồ hay hoang mang, nghi ngại khi tiếp nhận những thông tin trái chiều từ các thế lực thù địch, thì hãy nhìn vào đó để có sự tự nhận thức của chính mình. Khi chúng ta đang tận hưởng cốc cà phê mát lạnh trong một quán nhỏ bình yên ven hồ sau bữa trưa ngon miệng, khi chúng ta đang thảnh thơi dắt tay con nhỏ trong công viên vào một sáng thứ bảy đẹp trời, thì đâu đó vẫn còn những ông bố bà mẹ tuyệt vọng đào bới đống bê tông đổ nát bằng tay không để tìm đứa con thơ bị chôn vùi sau một loạt bom, khi đất nước nơi họ sống bị can thiệp vũ trang hoặc nội chiến và không có được quyền tự chủ để quyết định bất cứ điều gì, trong đó có cả việc bảo vệ người dân.

Nhân dân thấu hiểu lịch sử. Nhân dân làm nên lịch sử. Chính nhân dân là những người đã lựa chọn độc lập dù cái giá phải trả đắt đến thế nào. Cũng chính nhân dân là người thụ hưởng thành quả của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc và thấu hiểu thành quả ấy quý báu tới nhường nào. Bởi vậy, nhân dân sẽ bảo vệ nền độc lập, bảo vệ chính quyền do mình dựng nên để đại diện cho quyền lợi của mình. Không thế lực nào có thể bẻ gãy được nhân dân, chứ đừng nói tới một vài tiếng nói lạc lõng và đơn độc.

Người dân Việt Nam đã giành được quyền làm chủ cuộc sống của mình, thì không đời nào dễ dàng mơ hồ, thiếu cảnh giác mà nghe theo những kẻ đội lốt dân chủ, nhân quyền nuôi ảo vọng nào đó để phá vỡ đi cuộc sống vốn đang yên bình, êm ấm của chúng ta. Điều đó là sự thật!

“Thật đáng kinh ngạc” - có lẽ đó là cụm từ thích hợp nhất được dùng khi nói về sự phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ qua. Một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng chỉ sau mấy chục năm đã vươn lên thành một nền kinh tế nằm trong top đầu châu Á. Cơ sở hạ tầng phát triển thần tốc, đem lại những tiện ích tối đa, thay đổi cơ bản chất lượng sống của người dân.

Đức Thành

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/giua-cuoc-song-yen-binh-vach-mat-ke-pha-binh-lac-long/780378.antd