Giữa căng thẳng chiến tranh thương mại, G20 kêu gọi đàm phán

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm các nền kinh tế lớn (G20) cho rằng căng thẳng thương mại và địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của thế giới.

Ngày 21-22/7, hội nghị thường niên cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 diễn ra tại thủ đô Buenos Aires, Argentina.

Tại đây, nhóm lãnh đạo tài chính đã kêu gọi các bên đàm phán sâu rộng hơn nhằm giải quyết căng thẳng thương mại đang leo thang nhanh chóng giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, Reuters dẫn thông cáo chung được đưa ra trong cuộc họp ngày 22/7.

Mỹ và Trung Quốc đang lần lượt áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau. Hôm 20/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt thuế trừng phạt lên toàn bộ 500 tỷ USD mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh đồng ý thay đổi chính sách chuyển giao công nghệ, trợ cấp doanh nghiệp và các chính sách liên doanh.

Bộ trưởng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin phát biểu tại hội nghị G20 được tổ chức ở Argentina. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo tài chính G20 có thái độ cứng rắn hơn

Theo thông cáo chung, các lãnh đạo tài chính của G20 nhận thấy thế giới đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, họ cảnh báo tình hình tăng trưởng không đồng bộ giữa các nền kinh tế lớn và các nguy cơ gây bất lợi cho kinh tế thế giới trong ngắn hạn và trung hạn ngày một tăng.

"Các nguy cơ này gồm gia tăng lỗ hổng tài chính, leo thang căng thẳng thương mại và địa chính trị, tình trạng mất cân bằng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, một số nền kinh tế phát triển cũng đối mặt với tăng trưởng yếu kém và không đồng đều về mặt cấu trúc", thông cáo viết.

Nhóm các bộ trưởng tài chính tái khẳng định kết quả cuộc hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo các nước G20 tại thành phố Hamburg, Đức tháng 7/2017. Họ nhấn mạnh thương mại là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các thỏa thuận thương mại đa phương là điều cần thiết.

"Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết của việc tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm thiểu nguy cơ và gia tăng sự tự tin", Reuters dẫn thông cáo.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Argentina Federico Sturzenegger (trái) và Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolás Dujovne phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AFP.

Trong cuộc họp hồi tháng 3, các lãnh đạo tài chính chỉ nhắc đến việc đẩy mạnh đàm phán. Tuy nhiên, cuộc họp gần đây nhất cho thấy họ đang có thái độ cứng rắn hơn.

"Giọng điệu của các bộ trưởng tại cuộc họp hôm qua cho thấy những vấn đề được nêu cần được giải quyết gấp rút", Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison cho biết. Ông nói thêm rằng các lãnh đạo tài chính thể hiện rõ sự lo ngại về những động thái "ăn miếng trả miếng" của các nền kinh tế lớn.

Đồng minh của Mỹ giận dữ

Tổng thống Trump khiến các đồng minh châu Âu nổi giận khi áp đặt 25% thuế thép và 10% thuế nhôm nhập khẩu. Liên minh châu Âu (EU) lập tức đáp trả bằng cách áp lượng thuế tương tự lên xe máy, rượu và các mặt hàng khác từ Mỹ.

Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Trump cho biết ông đang nghiên cứu việc đặt thêm thuế đối với ôtô nhập khẩu, điều có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản.

"Chúng ta đang trong giai đoạn lắng nghe lẫn nhau và tôi hy vọng đây có thể là khởi đầu cho những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, vị thế của mỗi nước là không tương đồng", ông Pierre Moscovici, ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính, cho biết.

Trung Quốc và Mỹ ngày càng dấn sâu hơn vào cuộc chiến thương mại. Ảnh: Getty.

Tại hội nghị cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cũng tìm kiếm cơ hội đàm phán với Nhật Bản và các nước châu Âu về việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do, trong bối cảnh Washington cố gắng đối thoại với đồng minh trong khi tranh chấp với Trung Quốc.

Trước đó, phái đoàn EU đã đến Bắc Kinh gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng một số quan chức nhằm đàm phán cải thiện thương mại song phương.

Trong khi thị trường EU gặp bế tắc trong chống đỡ chế độ bảo hộ mậu dịch của Mỹ, Bắc Kinh và Washington cũng ngày càng dấn sâu hơn vào cuộc chiến thương mại và không có dấu hiệu sẽ thương lượng với nhau.

90s: Mỹ lưỡng đầu thọ địch với hai cường quốc phương Đông

Trong vài tuần qua, Mỹ cùng lúc lâm vào thế đối đầu với hai cường quốc phương Đông sau khi trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và trừng phạt thương mại chống Trung Quốc.

Chi Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giua-cang-thang-chien-tranh-thuong-mai-g20-keu-goi-dam-phan-post862571.html