Giữ vững vai trò chủ lực vận tải hành khách công cộng

'Với vai trò là đơn vị chủ lực trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hợp lý hóa luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt; đổi mới đoàn phương tiện; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm hoàn thành mục tiêu của thành phố Hà Nội là nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30-35% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030' - Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới.

Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam.

- Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về phát triển xe buýt. Vậy đâu là những điểm nhấn của xe buýt Thủ đô, thưa ông?

- Trong các giai đoạn vừa qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới xe buýt. Nhờ đó, đến nay Hà Nội đã xóa được các “vùng trắng” xe buýt, mạng lưới buýt Thủ đô đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện (đạt 100%); 516/579 số xã, phường, thị trấn (đạt 89,1%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 31/37 khu đô thị (đạt 83,3%)…

Cùng với mở rộng vùng phục vụ, phát triển mạnh ra các khu vực huyện ngoại thành, chất lượng đoàn phương tiện cũng không ngừng được đổi mới, nâng cấp. Chỉ riêng trong 3 năm qua, Transerco đã đầu tư mới 512 xe buýt chất lượng cao tiêu chuẩn khí thải EURO 4 (chiếm khoảng một nửa đoàn phương tiện).

Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương mở rộng đối tượng được sử dụng xe buýt miễn phí đối với những người trên 60 tuổi và hộ nghèo.

Về đầu tư đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, với vai trò là đơn vị chủ lực của thành phố, Transerco đã chủ động đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh, điều phối hoạt động của tất cả các tuyến xe buýt qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình GPS; thành lập Phòng Chăm sóc khách hàng với việc ra mắt đường dây nóng 19001296; triển khai các dịch vụ tiện ích cho người dân như: Đăng ký làm vé tháng qua mạng, tổ chức giao vé tháng tận nhà, xây dựng và phổ biến ứng dụng tìm buýt trên thiết bị di dộng giúp hành khách dễ dàng tra cứu các thông tin và tìm đường xe buýt… Nhờ đó, hình ảnh xe buýt đã ngày càng trở nên thân thiện hơn với người dân Thủ đô.

- Thành phố đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Vậy nhiệm vụ cụ thể của xe buýt nói chung và Transerco nói riêng trong các giai đoạn tới là gì, thưa ông?

- Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân (trong đó xe buýt đáp ứng 16-18%); đến năm 2030 là 35-40% (xe buýt đáp ứng 25%).

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh lộ trình 52 tuyến buýt nhằm hợp lý hóa mạng lưới và mở rộng vùng phục vụ, trong đó có 15 tuyến điều chỉnh nhằm giảm trùng tuyến và tăng kết nối tại các nhà ga khi các tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, đơn vị dự kiến mở mới 90-100 tuyến buýt, trong đó có 10 tuyến phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân; đầu tư mới 1.600-1.800 phương tiện; nghiên cứu phát triển làn đường ưu tiên cho xe buýt; hình thành 7 điểm trung chuyển cho xe buýt... Chúng tôi đang rất mong đợi xe buýt sớm có được những làn đường dành riêng, bổ sung điểm trung chuyển, bởi đó chính là những điều kiện tiên quyết giúp xe buýt được vận hành lưu thoát và phát triển thêm được luồng tuyến, qua đó rút ngắn thời gian di chuyển, thu hút thêm nhiều người dân tin tưởng, lựa chọn xe buýt.

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thành phố cũng như nhân dân Thủ đô, Transerco luôn chủ động chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, phương tiện tham gia vào chiến lược phát triển vận tải công cộng của Thủ đô.

- Xe buýt hiện đã “phủ sóng” tới 30/30 quận, huyện, song người dân nhiều xã vùng xa, đặc biệt là các xã thuộc các huyện phía Nam Hà Nội như Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín vẫn chưa được tiếp cận xe buýt có trợ giá. Ông có thể cho biết, Transerco có giải pháp gì cho vấn đề này?

- Qua khảo sát, hiện trên địa bàn các huyện phía Nam thành phố, xe buýt tuy đã đến được các trung tâm, thị trấn, trung tâm liên xã nhưng vẫn chưa tiếp cận được với các xã. Điển hình như huyện Phú Xuyên, là huyện có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý để xe buýt có thể về gần với người dân hơn (đã có 60km trong gần 100km đường giao thông trên địa bàn huyện có xe buýt phục vụ; có 8 tuyến xe buýt hoạt động với 636 lượt xe/ngày; 17/27 xã và thị trấn đã có xe buýt trợ giá), nhưng hiện vẫn còn 10 xã (gồm Quang Trung, Hoàng Long, Chuyên Mỹ, Châu Can, Khai Thái, Nam Triều, Quang Lãng, Tri Trung, Văn Hoàng, Vân Từ) vẫn chưa có xe buýt. Nguyên nhân chung là hầu hết các tuyến đường vào các xã này đều có mặt cắt hẹp. Hiện Transerco đang rà soát, nghiên cứu và sẽ báo cáo phương án điều chỉnh, mở mới các tuyến buýt đến các xã chưa có xe buýt phục vụ bằng các phương tiện có kích cỡ nhỏ phù hợp khi đường sá ở những nơi này đủ điều kiện vận hành an toàn. Cụ thể: Có thể điều chỉnh kéo dài 4 tuyến buýt sang các xã chưa có dịch vụ. Ngoài việc xe buýt cơ bản đã kết nối được với các trục đường chính của huyện, xã thì thời gian tới đơn vị sẽ nghiên cứu mở mới các tuyến buýt nhằm kết nối Phú Xuyên với các huyện lân cận; thay xe mới nâng cao chất lượng phục vụ…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Mặc dù diện mạo xe buýt Thủ đô đã được cải thiện đáng kể, song sức hút của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn chưa đạt được như kỳ vọng do sự phát triển của loại hình xe công nghệ, với chi phí chuyến đi rẻ và cơ động. Nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn nằm ở việc xe buýt còn chậm, thiếu tính đúng giờ. Thực tế hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa cho thấy, khi tính đúng giờ được bảo đảm, đã có rất nhiều người dân, trong đó nhiều cán bộ, công chức và sinh viên sẵn sàng sử dụng BRT. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của thành phố đang nghiên cứu để sớm tổ chức ưu tiên về hạ tầng và tổ chức giao thông để xe buýt có thể chạy đúng giờ hơn, qua đó thu hút thêm được nhiều người dân sử dụng dịch vụ hơn nữa.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/998737/giu-vung-vai-tro-chu-luc-van-tai-hanh-khach-cong-cong