Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với lực lượng CAND

Trải qua quá trình cách mạng, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND, Đảng ta luôn xác lập cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với CAND, nhằm hiện thực hóa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND.

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự quan tâm, giáo dục của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân khẳng định là một trong lực lượng vũ trang nòng cốt, khẳng định bản chất giai cấp công an, tính dân tộc và nhân dân sâu sắc, lập nên những chiến công hiển hách đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.

Trong những ngày tháng Tám năm 1945 hào hùng lịch sử, tham gia Tổng khởi nghĩa có lực lượng Đội Tự vệ cứu quốc, các Đội danh dự Việt Minh, Đội Trinh sát, Đội Trừ gian..., làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, phối hợp với các lực lượng khác và hỗ trợ đắc lực quần chúng nhân dân mít tinh, biểu tình, thị uy chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của ngụy quyền như cảnh sát, mật thám, các trại giam...

Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân. Ngày 19/8/1945 đánh dấu sự ra đời của lực lượng CAND Việt Nam.

Lực lượng tự vệ tại Hà Nội những ngày tháng 8-1945. Ảnh tư liệu

Lực lượng tự vệ tại Hà Nội những ngày tháng 8-1945. Ảnh tư liệu

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các lực lượng Công an trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ, đồng thời cử những cán bộ trung kiên, tin cậy lãnh đạo lực lượng Công an.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã anh dũng mưu trí kịp thời khám phá các âm mưu và hoạt động phá hoại của đặc vụ Tưởng, mật thám gián điệp Pháp câu kết với các đối tượng phản động trong các đảng phái chính trị, kịp thời đập tan âm mưu gây rối, hòng lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ thắng lợi chính quyền cách mạng non trẻ.

Vụ án Ôn Như Hầu (ngày 12/7/1946) là chiến công tiêu biểu đầu tiên của lực lượng Công an đập tan âm mưu của Quốc dân đảng, Đại Việt câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ chính phủ cách mạng.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nha Công an tiếp tục được kiện toàn thành Thứ Bộ Công an rồi Bộ Công an. Ngày 05/5/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 10-CT/TW về Đảng lãnh đạo Công an, chấn chỉnh cách lãnh đạo Công an, chọn các đồng chí có năng lực vào Công an để nắm đường lối, chính sách của Đảng...

Ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 5-CT/TW “về nhiệm vụ và tổ chức công an” xác định rõ các cấp ủy phải cử những cán bộ tin cậy có trình độ vào lãnh đạo công tác công an. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết nghị số 26-QN/TW ngày 23/11/1952 “về công tác công an”, Chỉ thị số 64-CT/TW “về tăng cường lãnh đạo công tác công an” ngày 20/2/1954 yêu cầu tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi công tác công an.

Nhờ đó, lực lượng Công an nhân dân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo mật, trừ gian, bảo vệ căn cứ địa cách mạng, bảo vệ các khu di tích và căn cứ du kích; trấn áp phản cách mạng trong vùng địch tạm chiếm; phòng ngừa, đối phó với các hoạt động chống phá của các thế lực phản động,thực dân; bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội dịp Tết Quý Mão (1963). (Ảnh: Tư liệu - Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường lãnh đạo công tác công an và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Ngày 30/10/1956, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 13-QĐ/TW về việc thành lập Đảng Đoàn Bộ Công an (Đảng Tổ Bộ Công an) nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công an và phân công đồng chí chuyên trách làm công tác đảng. Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm toàn diện và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Công an.

Không dừng lại ở đó, Nghị quyết 40-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 20/01/1962 về vấn đề củng cố và tăng cường lực lượng Công an nhân dân, khẳng định chủ trương của Đảng xây dựng lực lượng Công an nhân dân thành một trong lực lượng vũ trang nòng cốt của Đảng và Nhà nước, cách mạng, chính quy, trọng yếu. Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, mà trực tiếp là cuộc đấu tranh của lực lượng An ninh miền Nam trực tiếp bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, bảo vệ vững chắc căn cứ và cơ quan đầu não kháng chiến ở miền Nam; Lực lượng Công an nhân dân miền Bắc vừa xây dựng, phát triển, chi viện cho an ninh miền Nam vừa đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Trong thời kỳ kháng chiến hay thời kỳ đất nước đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ngày càng nhận thức sâu sắc yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo đối với lực lượng Công an nhân dân. Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 110-QĐ/TW ngày 30/8/1990 thành lập Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân ngày càng được xác định đầy đủ và toàn diện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74, ngày 3/1/2019

Từ năm 1990 đến nay, Đảng đều phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham gia Đảng ủy Công an Trung ương. Sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND “tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt” là nguyên tắc bất biến, nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, nhân tố quyết định mọi thắng lợi, bảo đảm cho CAND ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình trước dân tộc.

Trải qua quá trình cách mạng, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND, Đảng ta luôn xác lập cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với CAND, nhằm hiện thực hóa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND, bảo đảm cho Đảng nắm chắc CAND trong mọi tình huống.

Trong gần 75 năm qua, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với CAND đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử. Hình thức tổ chức cụ thể trong mỗi thời kỳ tuy có khác nhau, nhưng đều nhất quán quan điểm, nguyên tắc là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Quân công hạng Nhất tặng lực lượng CAND, tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (16/8/2020)

Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá, luôn công kích, phủ nhận nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với CAND. Chúng đòi bỏ Điều 65, chương 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam năm 2013, quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”, đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an; chúng còn xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tạo mối nghi ngờ, hiềm khích, gây ly gián, chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với LLVT, chia rẽ LLVT với các cơ quan Đảng, Nhà nước. Mục tiêu của chúng là nhằm tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với LLVT, xóa bỏ chế độ XHCN, thúc đẩy “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” từ bên trong, từng bước vô hiệu hóa, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu của CAND.

Để giữ vững nguyên tắc sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND, đẩy mạnh đấu tranh phản bác lại những luận điệu phản động của các thế lực thù địch, bảo đảm cho CAND luôn giữ vững bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, xây dựng Công an nhân dân thực sự trung thành, tin cậy về chính trị, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với Công an nhân dân. đẩy mạnh đấu tranh, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Công an nhân dân của các thế lực thù địch, trong đó, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức là yếu tố cơ bản để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CAND.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thủy (Học viện Chính trị Công an nhân dân)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/giu-vung-va-tang-cuong-su-lanh-dao-tuyet-doi-cua-dang-doi-voi-luc-luong-cand_98085.html