Giữ vững đạo thầy trò - cái gốc để làm người

'Không thầy đố mày làm nên', 'một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy', 'trọng thầy mới được làm thầy'… là những câu tục ngữ nói về tinh thần tôn sư, trọng đạo của dân tộc ta từ nhiều đời nay. Tinh thần đó đã trở thành truyền thống tốt đẹp và quý báu mà nhân dân ta giữ gìn, trân trọng. Thời hiện đại, đạo thầy trò càng phải được bồi đắp để trở thành cái gốc cho những ai muốn làm người tử tế, lương thiện.

Truyền thống tốt đẹp xưa

Thời Nho giáo thịnh hành, cửa Khổng, sân Trình là nơi tôn nghiêm, trang trọng. Thầy được kính như cha, không chỉ dạy chữ mà còn chỉ bảo cho trò những điều hay lẽ phải trong cuộc đời.

Xem sử sách, phim ảnh chúng ta dễ dàng nhận thấy chữ “thầy” rất thiêng liêng. Người xưa muốn xin học cho con phải biện lễ đến nhà thầy, thắp hương khấn vái để thầy nhận nghĩa sư đồ. Trong hành xử hàng ngày, thầy trò cũng có những khoảng cách thể hiện sự tôn trọng trò dành cho thầy. Chẳng hạn, trò phải mài mực, pha trà, rót nước nghe thầy giảng bài, bình văn. Thầy ngồi thì trò phải đứng, thầy đi thì trò phải đi sau, kính cẩn không được vượt quá khuôn phép.

Ai “vinh quy bái tổ”, học hành đỗ đạt trở về làng đều phải đến “báo công” thầy. Không chỉ người dạy mình thành tài, quan chánh chủ khảo khóa khi năm ấy, người được chấm giải cũng phải gọi là “ân sư”. Điều này thể hiện sự biết ơn, ghi nhận công lao của người thầy đã phát hiện ra tài năng và chấm đúng cho mình có giải.

Việc “tôn sư” còn thể hiện ở chỗ dù trò có là người thành danh đỗ đạt đến đâu, trước thầy vẫn chỉ là anh học trò nhỏ bé. Chuyện Nhập nội Hành khiển (tể tướng) Phạm Sư Mạnh quỳ gối xin lỗi thầy vẫn khiến chúng ta ngẫm nghĩ mãi về đạo thầy trò xưa kia.

Theo các tài liệu, Phạm Sư Mạnh một lần về thăm thầy Chu Văn An, gặp phiên chợ quê, người mua kẻ bán tấp nập. Để dọn đường cho kiệu quan đi qua, quân lính vung roi, thét loa huyên náo cả vùng.

Chuyện đến tai thầy Chu, lúc Phạm Sư Mạnh vào nhà, ông chỉ thẳng vào mặt và trách rằng: “Về thăm thầy mà làm náo động cả bàn dân thiên hạ thì ta còn mặt mũi nào mà ngẩng đầu lên nhìn mọi người”. Nói rồi, thầy phủi áo đi vào nhà trong. Tể tướng Phạm Sư Mạnh vừa sợ, vừa ân hận, cứ quỳ gối bên giường chờ thầy tha lỗi, rồi mới dám về. Từ đó về sau, mỗi khi về thăm thầy, quan hành khiển chỉ mặc áo vải thâm, đi một mình như người dân thường để giữ đúng lễ thầy trò.

Như vậy, thầy không chỉ có trách nhiệm với lối cư xử, suy nghĩ của trò khi còn học mình mà có trách nhiệm với trò suốt cả cuộc đời. Trò không chỉ học chữ thầy mà còn phải học cả cách đối nhân xử thế, giúp ích cho đời.

Đạo lý làm người

Chính vì mối quan hệ bền chặt, dài lâu như vậy mà tình thầy trò đã vượt lên mọi thứ, trở thành thứ “đạo” để mỗi người tự biết kính thầy, kính người dạy dỗ khuôn phép cho mình, để mình thành người.

Nhân dân ta có biết bao nhiêu câu ca dao, tục ngữ để khuyên bảo nhau phải biết giữ đạo thầy trò: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều / Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”; “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy / Nghĩ sao cho bố những ngày ước mong”; “Ơn thầy soi lối mở đường / Cho con vững bước dặm trường tương lai”; “Con ơi ghi nhớ lời này / Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên”...

Trong những lễ Tết của mình, người dân Việt Nam cũng dành trọn ngày “mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy”. Vào ngày mồng ba Tết hàng năm, học trò cũ tấp nập về gặp thầy, mừng rỡ khi thấy thầy còn khỏe mạnh hay không giấu nổi nỗi buồn khi thầy đã già yếu.

Đây cũng là dịp để các bạn đồng môn được ngồi lại với nhau, lắng nghe những lời bảo ban chỉ dạy của thầy mà càng hoàn thiện hơn trên bước đường làm người. Ngày xưa, cứ nhìn thầy là người ta biết trò. Thầy đức độ giỏi giang, trò hiển vinh, trở thành người hiền tài cho quốc gia.

Thầy cũng có quyền từ chối không dạy những ai có tư chất không tốt. Nếu chẳng may trò của mình làm điều gì tổn hại đến nhân dân, đất nước, làm điều tai tiếng, thầy cũng vô cùng buồn phiền. Bởi vậy, hầu hết học trò xưa kia đều noi gương thầy, sống chuẩn mực và cống hiến tài năng cho đất nước.

Giữ lấy gốc rễ của mình

Thời hiện đại, không còn chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo, tình nghĩa thầy trò cũng có nhiều điều không phải khuôn mẫu như xưa. Khoảng cách thầy - trò cũng vì thế mà thu hẹp lại, thể hiện tình cảm và gắn bó.

Tại nhiều trường học hiện nay, các thầy cô có khi rất trẻ trung, nắm bắt tâm lý học sinh, hòa đồng và phần nào coi học sinh như bạn bè. Bạn bè đây có nghĩa là hai bên có thể đồng cảm, chia sẻ một số vấn đề chung, thoải mái bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, phát huy sáng tạo chứ không phải “cá mè một lứa”.

Nhiều thầy cô đã trở thành người bạn đồng hành thực sự với học sinh trên con đường chinh phục kiến thức. Bên cạnh đó, các hoạt động tập thể, hội nhóm của trường do thầy cô khởi xướng, kết nối cũng giúp cho các bạn học sinh sống trọn vẹn với tuổi học trò của mình. Sau này, trên bước đường đời, nhiều người sẽ nhớ về những kỉ niệm hồn nhiên, thơ ngây không thể quên ấy.

Dù vậy, như hai mặt của một vấn đề, sự “rút ngắn khoảng cách” này có những khi đã xóa nhòa ranh giới hoặc bị “lấn sân” để dẫn đến tình trạng “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Khá nhiều sự việc học sinh và cả những người đứng trên bục giảng hành xử vượt khuôn phép, không đúng với phạm vi đạo đức của mình từng khiến dư luận cảm thấy lo ngại về đạo thầy trò trong thời hiện đại.

Phải chăng kỉ cương, nề nếp, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã không còn phát huy tác dụng như xưa? Phải chăng sự thoải mái quá đà dẫn đến những trường hợp “thầy không ra thầy, trò không ra trò” để xã hội phải phiền lòng?

Những lúc như thế này, chúng ta phải soi lại những câu tục ngữ người xưa đúc kết. “Không thầy đố mày làm nên”. Đúng vậy. Nếu không có thầy là người truyền dạy kiến thức, mở mang sáng tạo thì bản thân mỗi người sao có thể phát huy hết năng lực, làm việc, nuôi sống bản thân, cống hiến cho xã hội và có những hành xử đúng mực?

Nếu không có thầy, những “người lái đò” chở học sinh đến bến bờ tri thức thì liệu chúng ta có như những người ngồi trên thuyền rồi chòng chành chẳng biết đi đâu về đâu? “Trọng thầy mới được làm thầy”, biết nể trọng, tôn kính người dạy dỗ mình chính là nuôi dưỡng lòng biết ơn, nuôi dưỡng sự tử tế và cũng chính là tự tạo nên những giới hạn cho mỗi người.

Nếu không có những điều ấy, hẳn mỗi người sẽ thiếu đi những điều căn bản để làm một người tốt và có ích. Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, là nơi có trường đại học đầu tiên của đất nước: Văn Miếu - Quốc tử giám. Nơi đây cũng là chốn “danh sư muôn đời” Chu Văn An khi nhận chức Tư nghiệp (hiệu trưởng) đã bắt tay vào soạn bộ Tứ thư thuyết ước, gồm 10 quyển. Đây chính là bộ giáo trình giảng dạy đầu tiên của nước ta.

Đương nhiên vì lẽ ấy, Thăng Long xưa, Hà Nội nay cũng có truyền thống tôn sư trọng đạo rất đáng tự hào. Mong rằng, cùng với những quy tắc ứng xử trong trường học, đạo thầy trò trong thời hiện đại cũng sẽ được chấn chỉnh, phát huy để cái gốc làm người được vững bền. Bởi giáo dục chính là đào tạo con người, thiết lập nền móng tri thức để con người tùy theo khả năng của mình mà phát triển, cống hiến cho cộng đồng, xã hội, cho đất nước.

Ngọc Hân

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/giu-vung-dao-thay-tro--cai-goc-de-lam-nguoi-d2058464.html