Giữ vững cung cầu, tăng lượng hàng thiết yếu

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã chủ động bảo đảm cung cầu hàng hóa, giữ vững thị trường, tăng lượng hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra thị trường, bảo đảm ổn định giá cả, chất lượng hàng hóa.

Nguồn hàng đầy đủ

Sáng 5-4, có mặt tại siêu thị Co.opmart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), chúng tôi nhận thấy lượng người đến siêu thị mua hàng không quá đông, tâm lý khá bình tĩnh, không xảy ra tình trạng gom hàng tích trữ. Các quầy hàng: Rau-củ-quả, hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống… luôn đầy đủ hàng. Hệ thống loa của siêu thị nhắc nhở người tiêu dùng đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và giữ khoảng cách 2m khi mua sắm. Cầm trên tay đơn hàng gần 1 triệu đồng, chị Phan Thị Bích Ngọc, ngụ phường 7, quận Gò Vấp chia sẻ: “Tôi chỉ mua hàng hóa dùng trong 3-4 ngày, mua nhiều hàng khô, đông lạnh để hạn chế việc đi lại phòng dịch bệnh. Hàng hóa ở hệ thống bán lẻ rất dồi dào nên mọi người đều yên tâm, không có tâm lý gom hàng tích trữ”.

 Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác thương mại TP Hồ Chí Minh thông tin: “Trước đây, do hiểu chưa đúng về thông tin cách ly xã hội, khiến sức mua tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra… của đơn vị tăng đột biến. Nhờ thông tin kịp thời nên tâm lý người tiêu dùng ổn định. Nhiều siêu thị của chúng tôi mở cửa từ 7 giờ 30 phút đến 22 giờ hằng ngày trên cả nước để phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân. Chúng tôi chú trọng không để quầy kệ hàng bị trống, dễ tạo cảm giác bất an cho khách hàng. Ngoài việc cung ứng đầy đủ hàng hóa cho hơn 800 điểm bán, chúng tôi còn có nhiệm vụ cung ứng 30.000 suất ăn/ngày cho các khu vực cách ly tập trung tại TP Hồ Chí Minh”.

Qua tìm hiểu thông tin, tại hệ thống bán lẻ của các địa phương vùng Đông Nam Bộ, như: Big C, Satra, Bách hóa xanh, Co.opmart… lượng hàng hóa thiết yếu được dự trữ tăng 30%-40% so với ngày thường. Theo các đơn vị này, do chủ động đánh giá, phân tích cung cầu thị trường trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên luôn duy trì ổn định việc cung ứng các nhóm sản phẩm thiết yếu. Hệ thống bán lẻ, cửa hàng bách hóa hiện đại cũng phối hợp với các nhà cung cấp tăng dự trữ nguồn hàng tại các kho để kịp thời cung ứng hàng hóa. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và địa phương, hàng hóa vẫn bảo đảm sự chủ động tốt nhất trong cung ứng. Cùng với đó, người dân đã có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng lựa chọn các kênh mua sắm hiện đại như giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, mua sắm trực tuyến, đặc biệt vào những ngày cuối tuần để hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người.

Ông Hồ Văn Bình, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương thông tin thêm: “Hiện nay, hoạt động mua sắm hàng hóa thiếu yếu của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường, không có sự xáo trộn. Các doanh nghiệp chủ lực đã có chiến lược tăng nguồn hàng dự trữ, thiết lập thêm kênh cung ứng và phân phối hàng hóa ra thị trường đầy đủ, kịp thời”. Điển hình là hệ thống siêu thị Big C tại Bình Dương nói riêng và cả vùng Đông Nam Bộ nói chung vẫn hoạt động bình thường, nguồn hàng nhu yếu phẩm, tiêu dùng thiết yếu luôn đầy đủ để cung ứng, có thể đáp ứng 3-6 tháng tới.

Chủ động phương án, tăng hàng thiết yếu

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành công thương các địa phương khu vực Đông Nam Bộ đã chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ tăng công suất sản xuất, nguồn hàng dự trữ phục vụ người tiêu dùng. Riêng TP Hồ Chí Minh đã chủ động trong xây dựng các phương án bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu và các giải pháp ứng phó khẩn cấp với sản lượng hàng hóa tăng gấp đôi so với ngày thường. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, có khả năng cung ứng vượt 100% nhu cầu so với ngày thường, bảo đảm không gián đoạn, kể cả khi dịch bệnh lan rộng, có nhiều khu vực bị cách ly. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35%-50% nhu cầu thị trường, tăng 25-30% so với ngày thường... Sở còn cung cấp danh sách các điểm bán lương thực, thực phẩm, khẩu trang trên địa bàn đến người tiêu dùng”.

Tinh thần quyết tâm cung ứng hàng hóa không chỉ là giải pháp từ cơ quan chức năng mà còn được hưởng ứng tích cực từ phía doanh nghiệp. Đối với nhóm hàng lương thực như gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo, mì gói… nhiều doanh nghiệp đã quyết định cắt các đơn hàng xuất khẩu để dồn sức cho thị trường nội địa. Là đơn vị chủ lực cung ứng mặt hàng gạo, ông Trần Ngọc Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vinh Phát cho biết: “Ngoài 50.000 tấn gạo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, công ty đã chuẩn bị một sản lượng khá lớn nguyên liệu để bảo đảm cung ứng đầy đủ từ nay đến cuối năm. Công ty tiếp tục giữ vững giá bán như hiện nay để hỗ trợ tốt nhất người tiêu dùng”. Bên cạnh đó, ở nhóm các mặt hàng thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm thì bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân thông tin, mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm của công ty đã tăng 100% và công ty đang thực hiện sản xuất 2-3 ca/ngày. Riêng trứng gia cầm, công ty cam kết cung ứng đầy đủ và giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng.

Tuy địa bàn tỉnh Long An chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19, nhưng ngành công thương tỉnh chủ động yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh phân phối hàng hóa trên địa bàn xây dựng phương án bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch Covid-19 theo 5 cấp độ. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An thông tin rằng: “Các doanh nghiệp được yêu cầu và đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, trong trường hợp tỉnh có diễn biến phức tạp hơn của dịch bệnh, sở đã có phương án phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp để vận chuyển hàng hóa đến người dân bằng xe chuyên dụng, tổ chức hình thức bán hàng lưu động, dã chiến”.

Đồng hành cùng ngành công thương, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi găm hàng đầu cơ, nâng giá, không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết, hoặc lợi dụng tình hình khan hiếm để đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào lưu thông trên thị trường. Để tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ, các địa phương còn tổ chức lực lượng trực ban, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường để kịp thời phản ánh và phối hợp xử lý, tạo sự yên tâm tối đa cho người dân trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giu-vung-cung-cau-tang-luong-hang-thiet-yeu-614412