Giữ từng tấc đất đồi C1

Ban chỉ huy Trung đoàn 98 - Đại đoàn 316 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện chỉ còn Trung tướng Phạm Sinh, lúc đó là Chính ủy Trung đoàn.

 Trung tướng Phạm Sinh. Ảnh: KĐ.

Trung tướng Phạm Sinh. Ảnh: KĐ.

Hồi quang từ ký ức

Năm 2009, Trung tướng Phạm Sinh kể với nhóm làm sách “Chuyện những người làm nên lịch sử: Hồi ức Điện Biên Phủ (1954 - 2009)” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia) như sau: “Tôi đảm nhiệm lãnh đạo toàn diện, cả quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, đời sống… Người chính ủy phải theo dõi sát để nắm được tư tưởng, tâm tư thể hiện trong hành động của anh em, để kịp thời động viên. Sau mỗi trận, lại củng cố quyết tâm để chuẩn bị cho trận tiếp theo”.

Nhà riêng của Trung tướng Phạm Sinh bình dị sau những tán cây tại một con phố thuộc quận Thanh Xuân. Ông đã ngoài 90 tuổi, trí nhớ đã giảm sút nhiều, song nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ đối với ông vẫn còn những hồi quang từ ký ức khó phai mờ. Đó là hơn 30 ngày đêm chiến đấu giữ đồi C1 cũng ác liệt chẳng kém gì đồi A1 mà ít người biết tới, ít khi được nhắc đến.

Về nhiệm vụ của Trung đoàn 98 được Bộ Tư lệnh chiến dịch phân công tiêu diệt C1, sau đó phát triển xuống C2 - là một quả đồi thấp hơn, dính liền với C1 bởi một “yên ngựa” (nên các chiến sĩ Điện Biên còn gọi là đồi Yên Ngựa). C2 nằm vào phía trong tập đoàn cứ điểm, C1 án ngữ phía ngoài.

Trung tướng Phạm Sinh chia sẻ: “Khi đánh C1, trong lúc giao tranh lâu dài, việc giữ vững lòng quyết tâm của anh em rất quan trọng. Chúng tôi luôn thông báo tình hình của địch, của ta, diễn biến của chiến trường, nhờ vậy mà gần 30 ngày đêm trên C1, ác liệt lắm nhưng anh em không ai chùn lòng”.

Sinh thời, Thượng tướng Vũ Lăng - nguyên Trung đoàn trưởng kể trong hồi ký, khi nhận nhiệm vụ đánh C1, cả Trung đoàn 98 đều vô cùng phấn chấn. Để chuẩn bị tiêu diệt C1, đơn vị đã kiên trì đào trận địa, liên tục 18 đêm liền với nhiều tổn thất. Pháo địch từ Hồng Cúm nện xuống khiến cho đêm nào cũng có thương binh, tử sĩ. Ít thì 2 - 3 người, có đêm lên tới 9 - 10 người. Thậm chí có hôm, khi vừa mới ra khỏi cửa rừng, một nửa tiểu đội đã bị mất biến trong một đợt bom dữ dội.

Đúng 17 giờ chiều 30/3/1954, trọng pháo bắt đầu gầm lên mở màn cho cuộc tiến công đồi C1 của Trung đoàn 98. Sau hai quả pháo, chiếc cột cờ của Pháp trên đồi C1 biến mất. “Giỏi quá!”, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng thốt lên. Từ đầu dây nói bên kia, Tiểu đoàn trưởng chủ công Bùi Hữu Quán cũng reo lên: “Xuya lắm! Xuya lắm! Anh em phấn khởi lắm!” (Xuya là tiếng lóng của bộ đội lúc đó, có nghĩa là tốt, đẹp lắm) .

Ít phút sau, tiểu đoàn chủ công dưới sự chỉ huy của Bùi Hữu Quán xung kích lên tới chân cột cờ. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” được chiến sĩ Cải kéo lên, bay lồng lộng trong khói lửa. Tiểu đoàn trưởng Quán gọi dây nói báo cáo trung đoàn trưởng, tiếng ông như thét lên từ phía bên kia: “Chúng tôi đã chiếm được cột cờ!”.

Tính từ lúc pháo bắn cho tới lúc bộ binh xung phong chỉ có hai mươi phút, và tính từ lúc xung phong tới khi đánh chiếm được cột cờ chỉ có tám phút. Sau nửa tiếng chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ C1, quân địch đã bị tiêu diệt và bắt sống toàn bộ. Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận được tin chiến thắng đã quyết định tặng thưởng cho tiểu đoàn chủ công Huân chương Quân công hạng ba. Nghe xong, quả tim Trung đoàn trưởng Vũ Lăng như bị ai bóp nghẹt lại, hai chân ông bủn rủn muốn ngã xuống. Chính ủy Phạm Sinh vội đỡ ông đi nằm.

Trung tướng Phạm Sinh thăm Quân khu 2. Ảnh: Tư liệu.

Giữ từng tấc đất

Tỉnh dậy, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng thấy mình vẫn còn nằm ở sở chỉ huy. Chính ủy Phạm Sinh đang trao đổi ý kiến với Trung đoàn phó Lê Hoàn. Ông thấy câu chuyện giữa hai người có vẻ rất khẩn cấp và nghiêm trọng.

Chính ủy Phạm Sinh cho biết: Sau khi chiếm được C1, quân ta tiếp tục đánh xuống C2 nhưng đã vấp phải những lưới lửa ác liệt ở yên ngựa. Có những khẩu trọng liên bốn nòng nào đó, không rõ ở đâu đã bắn xối xả vào đội hình của quân ta nhiều lần, qua mấy đợt xung phong. Đấy là chưa kể tới pháo ở Hồng Cúm giội về, pháo ở Mường Thanh bắn tới.

Trung đoàn 98 đã ở vào một tình thế bất lợi. Nếu không mau chóng giải quyết thì chiến sĩ sẽ còn thương vong gấp bội, mà rồi C1 sẽ hoàn toàn mất đứt! Ban chỉ huy Trung đoàn gồm Chính ủy Phạm Sinh, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng và Trung đoàn phó Lê Hoàn chụm đầu cùng thảo luận rồi đề nghị lên Đại đoàn 316: Một là, Trung đoàn 98 tiếp tục đánh C2, nhưng yêu cầu đại đoàn sẽ bảo đảm cho việc đánh phản xung phong ngày hôm sau. Hai là, trước tình hình khó khăn này, cho rút. Nếu đại đoàn cho rút thì xin cho rút sớm, vì để sáng mai mới rút e sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Quân phản kích của địch mạnh vào C1. Tiểu đoàn chủ công không chịu rút khỏi C1. Khi mệnh lệnh tới, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán và Chính trị viên Hoàng Niệm (sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Thông tin Liên lạc) đều rất ngạc nhiên. Họ nhận định rằng: Lúc này, rút không lợi nữa, chỉ tổ thương vong thêm. Tiểu đoàn ủy đã họp cấp tốc tại trận, quyết định lãnh đạo bộ đội ở lại chiến đấu và cử Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán trở về báo cáo. Trên đường trở về trung đoàn, Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán hy sinh. Còn lại Chính trị viên Hoàng Niệm ở lại chỉ huy đã đánh lui được 4 đợt xung phong rất liều lĩnh của địch. Biết tin, Chính ủy Phạm Sinh không giấu được cảm động, nói: “Chúng mình đặt cậu ấy làm chính trị viên, quả đúng!”.

Trung tướng Phạm Sinh sinh năm 1926, quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, tham gia khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945 giành chính quyền ở tỉnh Hà Nam.

Ông làm Chính ủy nhiều đơn vị: Binh chủng Tăng thiết giáp, Quân đoàn 3, Binh đoàn 32, để rồi cập bến nghỉ hưu khi làm Bí thư Đảng ủy - Phó Tư lệnh về Chính trị (nay là Chính ủy) Quân khu 2. Nhắc đến ông, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2 chia sẻ: “Trung tướng Phạm Sinh là một con người kiên cường, rất thẳng thắn, trung thực và rất liêm khiết. Anh là ngọn cờ của Đảng ở đơn vị”.

Khải Đăng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/giu-tung-tac-dat-doi-c1-d289988.html