Giữ trọn lời thề 'Trung với nước, hiếu với dân'

Hơn 70 năm đã trôi qua, 300 học viên khóa đầu tiên của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 hiện nay) giờ chỉ khoảng 20 người còn sống. Với những học viên ấy, Bác Hồ, quân đội đã sinh ra họ lần thứ hai và tôi luyện để họ trở thành những tấm gương về lòng dũng cảm, luôn giữ trọn lời thề 'Trung với nước, hiếu với dân' sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc.

Chuẩn bị cho trường kỳ kháng chiến

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân có khả năng sẵn sàng chiến đấu và chất lượng chính trị cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ. Lúc này, Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam được đổi tên thành Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn và chuyển từ đào tạo cán bộ cấp tốc sang đào tạo dài hạn.

Ông Đỗ Hạp ghi lại những kỷ niệm về thời gian học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Với khóa học đầu tiên, Bác Hồ yêu cầu học viên phải có trình độ cao đẳng tiểu học (bậc thành chung) trở lên. Đây là thử thách không nhỏ cho những người làm công tác đào tạo ở thời điểm ấy, song cũng là niềm tự hào đối với những thanh niên được tuyển chọn vào học. Bên cạnh đó, với người dân tộc thiểu số, Bác chỉ yêu cầu trình độ sơ đẳng tiểu học; với các chiến sĩ đang chiến đấu ở mặt trận miền Nam chỉ cần giấy giới thiệu của đơn vị.

“Đây là chủ trương lớn của Bác nhằm tập hợp những anh em có trình độ học vấn, xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau đi theo cách mạng, đi theo kháng chiến”, ông Đỗ Hạp (sinh năm 1927, học viên khóa 1 và hiện là Trưởng ban Liên lạc truyền thống khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn) chia sẻ.

Ngày ấy, ông Đỗ Hạp đang là học sinh cao đẳng tiểu học thì được lệnh tập trung về Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Trong ngày khai giảng 26-5-1946, ông được chọn vào đội danh dự tiếp nhận cờ truyền thống Bác Hồ trao.

“Đây là vinh dự rất lớn mà đến bây giờ tôi vẫn không thể quên. Bài học đầu tiên mà tôi và các học viên được Bác dặn dò trong buổi khai giảng năm đó chính là 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”. Chúng tôi đã bắt đầu cuộc đời binh nghiệp cách mạng bằng lễ tuyên thệ, lễ trao cờ trọng thể và những lời giáo huấn cao cả, chí tình như thế”, ông Đỗ Hạp xúc động nhớ lại.

Còn ông Phạm Quang Cận, khi đang công tác ở Mặt trận Việt Minh khu Mê Linh, ngoại thành Hoàng Diệu, thì được giới thiệu đi học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Ông Cận nhớ lại: “Tại buổi lễ khai giảng, các học viên quân phục chỉnh tề, đội ngũ nghiêm chỉnh.

Trong số các vị khách mời có nhiều thành viên Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, các hội cứu quốc, các đại diện tôn giáo ở Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh... Cũng tại buổi lễ, Bác Hồ đã thân mật nói chuyện với các học viên và dặn dò chúng tôi rất nhiều, trong đó điều chúng tôi nhớ nhất là phải “Trung với nước, hiếu với dân”.

Đội ngũ giáo viên giảng dạy khóa 1 gồm các thầy giáo: Vương Thừa Vũ, Vũ Lập, Nguyễn Viết Huân, Hoàng Đạo Thúy…, là những người có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. Chương trình huấn luyện của nhà trường là tập trung dạy đội ngũ, kỹ thuật bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn; chiến thuật từ cá nhân đến tiểu đội, trung đội và đại đội, chiến đấu tiến công và phòng ngự; chiến thuật du kích; địa hình quân sự; một số kiến thức về pháo binh, xe tăng, công binh.

Ngoài ra, học viên còn được tổ chức diễn tập chiến đấu tổng hợp, giúp nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, trình độ chỉ huy, biết làm công tác chính trị trong các nhiệm vụ. Nhà trường cũng giáo dục cho học viên nhận rõ âm mưu của thực dân Pháp và bè lũ phản động; chủ trương, chính sách của Đảng chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến lâu dài. Dù khóa học chỉ kéo dài trong 6 tháng nhưng 300 học viên được lĩnh hội nhiều kiến thức, kịp thời bổ sung cho các đơn vị khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra.

Mãi khắc ghi lời Bác dạy

Trong cuộc đời làm cách mạng của mình có hai việc ông Nguyễn Văn Bồng không thể quên là được kết nạp Đảng tại Chi bộ Đảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 31-5-1946 (chỉ sau 5 ngày Bác Hồ đến dự lễ khai giảng khóa 1) và lời Bác dặn trước ngày bế giảng. Trong hồi ký của mình, ông viết: Cuối tháng 10-1946, tình thế giữa ta và Pháp đang rất căng thẳng. Vừa từ Pháp trở về, Bác Hồ lại tranh thủ đến trường vào đúng lúc chúng tôi sắp kết thúc khóa học.

Bác nói: “…Thực dân Pháp đang ráo riết chuẩn bị đánh Hà Nội, Hải Phòng và cả miền Bắc; chiến tranh là không thể tránh khỏi…, phải xúc tiến gấp việc sửa soạn cho cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược… Các chú sắp ra trường, sắp tham gia vào thực hiện nhiệm vụ ấy. Bác dặn dò các chú: Phải quán triệt “quân sĩ nhất trí”, cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, đồng lòng. Phải nắm vững “quân dân một lòng”, phải nhớ “dân là chủ”, phải làm cho “đi dân nhớ, ở dân thương”.

Nhớ lại những ngày học tập tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn không ai không cảm thấy vinh dự, tự hào. Với ông Nguyễn Văn Khiếu, ấn tượng đó càng sâu đậm hơn bởi lý do riêng. Ngày 2-9-1945 trong hàng ngũ công nhân, viên chức cứu quốc đi dự mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, ông đã được nhìn thấy Bác Hồ và nghe trọn vẹn bản Tuyên ngôn độc lập. Tháng 2-1946, ông xin tòng quân và được cử đi học khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

“Trong buổi lễ khai giảng, một lần nữa tôi được nhìn thấy Bác Hồ và được nghe Bác dạy bài học về lòng yêu nước, yêu đồng bào. Đây là dấu ấn sâu sắc trong cả cuộc đời tôi. Tôi ghi lòng tạc dạ những điều Bác dạy và coi đó là phương châm hành động”, ông Nguyễn Văn Khiếu chia sẻ.

Sau ngày bế giảng, 300 học viên đầu tiên được đào tạo chính quy tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đã tỏa đi khắp các chiến trường, đóng góp xương máu và trí tuệ cùng toàn dân, toàn quân đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.

Trong số họ có gần 100 người đã hy sinh vì Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; có 2 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các học viên khóa đầu có 4 người được phong quân hàm Trung tướng, 2 người được phong quân hàm Thiếu tướng và rất nhiều người trưởng thành trong quân đội cũng như khi chuyển công tác.

Giữ trọn lời thề “Trung với nước, hiếu với dân”, các học viên khóa 1 luôn phấn đấu đi theo con đường Bác đã chỉ cho. Họ đã sống, học tập và chiến đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. “Đến nay, chúng tôi cảm thấy mình không phải hổ thẹn trước anh linh của Bác”, Thiếu tướng Phạm Quang Cận, học viên khóa 1 khẳng định.

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/953422/giu-tron-loi-the-trung-voi-nuoc-hieu-voi-dan