Giữ tiếng Việt là giữ gìn bản sắc, văn hóa Việt

Thái Lan, một đất nước xinh đẹp và giàu lòng mến khách, nơi có hàng trăm ngàn kiều bào người Thái gốc Việt hiện đang sinh sống.

Cán bộ của Đại sứ quán đã có dịp đi các địa phương, đặc biệt các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, tiếp xúc gặp gỡ với bà con kiều bào ta đang sinh sống, làm ăn, nhiều người đã rất phát đạt, thành công trên đất nước này. Chúng tôi đặc biệt phấn khởi hơn nữa khi bà con ta luôn ý thức gìn giữ những nét văn hóa tốt đẹp, chăm sóc những khu văn hóa tâm linh như đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, Chùa Một Cột, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đền chùa Việt khác. Những dịp Tết đến Xuân về, chào mừng Quốc khánh… các hoạt động sinh hoạt cộng đồng được tổ chức sôi động, như ngày hội của bà con ta trên đất Thái.

Mỗi lần đi gặp gỡ bà con, được nghe bà con nói tiếng Việt, mặc những trang phục truyền thống Việt Nam, hát những bài dân ca, ca khúc cách mạng, chia sẻ những suy nghĩ về quê hương, kể lại những câu chuyện về quá khứ gian lao, sự góp sức về vật chất, con người đối với các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, làm chúng tôi vô cùng xúc động.

Lớp dạy tiếng Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.

Tới nay bà con kiều bào ta trên đất Thái Lan cơ bản đã có cuộc sống tốt, được hưởng đầy đủ quyền công dân Thái, con cháu đã trưởng thành, hòa nhập thành công vào xã hội sở tại. Tuy vậy qua tiếp xúc với bà con, chúng tôi cảm nhận được nỗi trăn trở về giữ gìn tiếng Việt trong các gia đình, trong các thế hệ về sau. Thế hệ các bác có tuổi sử dụng tiếng Việt rất tốt do sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, hoặc sinh ra tại Thái Lan nhưng có các hoạt động cộng đồng chung rất gần gũi, ngoài ra do sự hạn chế về cơ hội học tiếng Thái và tiếp xúc bên ngoài cộng đồng, vô hình chung đã giúp tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính trong cộng đồng kiều bào ta.

Tới nay, khi việc học tập đã cởi mở, đi lại tự do và giao tiếp rộng rãi, nhiều gia đình quá bận công việc không đủ thời gian dạy tiếng Việt cho con em, do đó việc sử dụng tiếng Việt của nhiều người trẻ đã không còn được thường xuyên. Vốn tiếng Việt của họ đã dần phai mờ, thậm chí không ít người trẻ sử dụng tiếng Thái như công cụ giao tiếp chính hàng ngày, việc nghe hiểu và nói tiếng Việt là rất khó khăn.

Đảng và Nhà nước ta có chính sách hỗ trợ giữ gìn, dạy và học tiếng Việt trong các cộng đồng kiều bào nhưng nếu các cộng đồng kiều bào không quan tâm dạy và học tiếng Việt thì chính sách cũng sẽ không phát huy hết hiệu quả. Tuy vậy, chúng tôi rất vui mừng khi tiếp xúc với bà con và được biết các gia đình, các địa phương hiện nay đều đang cố gắng tổ chức các lớp học tiếng Việt, kể cả chính quyền Thái Lan cũng quan tâm trợ giúp việc này. Sự quan tâm này là hoàn toàn có thể hiểu được.

Về phía cộng đồng, việc gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ là một trong yếu tố nòng cốt gìn giữ văn hóa con người Việt. Về phía chính quyền Thái, thúc đẩy học tiếng Việt giúp thúc đẩy tiến trình hội nhập ASEAN, tăng cường quan hệ toàn diện với Việt Nam cũng như làm phong phú bản sắc văn hóa các cộng đồng nhằm quảng bá văn hóa, du lịch tại các địa phương.

Các lớp học tiếng Việt hiện đã có ở nhiều địa phương. Tính tới đầu năm 2017 đã có thêm các lớp được mở tại các tỉnh như Udon Thani, Nakhon Phanom, Ubon Ratchathani, Nọng-khai, Phu Kẹt. Gần đây nhất vào đầu tháng 7 năm 2018, lớp học tiếng Việt đầu tiên tại Băng-cốc đã được tổ chức (do chính kiều bào tiến hành, mượn tạm phòng học tại Đại sứ quán Việt Nam).

Với niềm hứng khởi tới dự lễ khai mạc, gặp mặt các cô bác kiều bào, những người sẽ giữ vai trò là thầy cô giáo dạy tại lớp học này, chúng tôi mang trong mình niềm hy vọng rằng lớp học sẽ nhận được sự quan tâm của bà con người Thái gốc Việt, tạo sức lan tỏa thêm cho phong trào học tiếng Việt tại Thái Lan. Quả thực, số lượng học viên đăng ký đã dần tăng. Đến nay đã có gần 20 học viên theo học gồm cả người Thái và người Thái gốc Việt, vào mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần.

Với sự cần mẫn của các giáo viên kiều bào, với quyết tâm của các gia đình, các hiệp hội, sự hỗ trợ của Đại sứ quán và các cơ quan liên quan, tình yêu tiếng Việt của các học viên, chúng tôi tin tưởng các lớp học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào ta tại Thái Lan sẽ thực sự mang lại hiệu quả. Chúng tôi mong trong thời gian không xa, mỗi khi có dịp tiếp xúc với cộng đồng, đặc biệt với các bạn trẻ người Thái gốc Việt, chúng tôi có thể nói chuyện với các bạn bằng tiếng Việt một cách thân thương và tự nhiên, để ngôn ngữ Việt Nam trở thành công cụ quan trọng kết nối cội nguồn, gắn kết cộng đồng và duy trì bản sắc, văn hóa Việt.

Nguyễn Tiến Cường

Bí thư thứ Hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/giu-tieng-viet-la-giu-gi-n-ban-sac-van-ho-a-vie-t-76079.html