Giữ sạch môi trường cụm công nghiệp - vì sao vẫn khó ?

Cho dù hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp khá đầy đủ nhưng thực tế triển khai lại không như mong đợi, nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn do nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi thu hồi vốn chậm khiến chủ đầu tư lơ là.

Ít ỏi số lượng cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2020 cả nước đã thành lập 986 cụm công nghiệp (CCN), trong đó 730 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút gần 12.000 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 65%. Tuy nhiên, số lượng CCN có biện pháp bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải chỉ chiếm 19,3% số CCN đã đi vào hoạt động, với 141 cụm.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CCN tại các địa phương, đặc biệt hạ tầng bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn. Công tác thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn tại nhiều CCN chưa đúng quy định pháp luật bảo vệ môi trường. Đa số các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tại các cụm này doanh nghiệp thứ cấp tự xử lý nước thải hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

Tình trạng này được lý giải là do, việc phát triển CCN thiếu quy hoạch đồng bộ, nôn nóng, nhiều cụm không xác định rõ chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, không xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tối thiểu trước khi chấp thuận cho doanh nghiệp vào đầu tư, dẫn tới tình trạng cơ cở hạ tầng thiếu đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường.

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN khá tốn kém, hiệu quả kinh tế mang lại cho chủ đầu tư không cao, thậm chí đầu tư ra không có doanh nghiệp đấu nối, không có nước thải để xử lý nên chủ đầu tư phải rất cân nhắc. Cũng bởi vốn đầu tư cao, trong khi phần lớn chủ đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có năng lực tài chính thấp, không nắm rõ quy định về môi trường nên việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý rác thải, nước thải chưa theo quy định. Cùng đó, thanh tra, kiểm tra công tác quản lý môi trường tại các CCN chưa thường xuyên, chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe tới chủ đầu tư và doanh nghiệp.

Bảo vệ môi trường CCN cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp

Bảo vệ môi trường CCN cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp

Ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng chỉ ra: Do áp lực thời gian và thiếu chủ đầu tư hạ tầng ngay từ ban đầu nên hầu hết các CCN trước đây không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), làm phát sinh rất nhiều hệ lụy về môi trường. Xử lý chất thải CCN phải có quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu, với hàng loạt các công đoạn đấu nối - thu gom - xử lý - xả ra nguồn tiếp nhận, để làm được điều này, trong điều kiện không có quy hoạch ngay từ khi hình thành CCN là vấn đề hết sức nan giải.

Ngoài ra, việc không phân định phân khu chức năng trong CCN; cảnh quan môi trường bị phá vỡ, khó đảm bảo tỷ lệ diện tích cây xanh, thảm cỏ; không có chủ đầu tư hạ tầng CCN… cũng là những nguyên do khiến việc bảo vệ môi trường trong các CCN đang rất khó khăn.

Giải pháp nào

Về giải pháp cho vấn đề bảo vệ môi trường CCN, ông Hoàng Văn Vy cho rằng: Cần có sự vào cuộc quyết liệt của UBND các cấp trong việc rà soát lại các CCN đã thành lập trên địa bàn để có phương án quy hoạch đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường CCN thông qua quy hoạch hạ tầng CCN hoàn chỉnh, đồng bộ. Tạm dừng việc quy hoạch phát triển các CCN thay bằng khu công nghiệp. Chỉ cấp phép đầu tư cho các dự án mới vào CCN đã có đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Đẩy mạnh chính sách xã hội hóa thu hút đầu tư hạ tầng CCN thay vì đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước như hiện nay.

Bộ Công Thương cũng đề xuất, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường CCN. Tiếp nhận các dự án đầu tư vào CCN cần đảm bảo thống nhất quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo các ĐTM. Không tiếp nhận thêm các dự án đầu tư vào CCN trong trường hợp chưa hoàn thành xây dựng.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ môi trường tại các CCN, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với CCN, sát thực tế. Rà soát, ban hành danh mục ngành nghề có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường để cấm và hạn chế vào CCN.

Khuyến khích các chủ đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các CCN bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN từng giai đoạn. Tăng cường phổ biến, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường cho các cơ quan quản lý CCN, nhà đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp trong CCN…

Có thể thấy, các giải pháp đặt ra để bảo vệ môi trường CCN khá đồng bộ, tuy nhiên cần sát sao hơn nữa trong công tác thanh, kiểm tra, có chế tài xử phạt đủ nặng và rất cần sự chủ động và ý thức tự giác của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giu-sach-moi-truong-cum-cong-nghiep-vi-sao-van-kho-156014.html