Giữ rừng phòng hộ ven biển

Những năm qua, Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Kiến Vàng tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) luôn nỗ lực làm tròn nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng mà địa phương giao phó.

 Nỗ lực trồng rừng, tạo bãi bồi ở khu vực ven biển.

Nỗ lực trồng rừng, tạo bãi bồi ở khu vực ven biển.

Địa bàn rộng, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn, địa hình hiểm trở với mạng lưới sông ngòi dày đặt, chằng chịt, vùng rừng được giao quản lý của BQL Rừng phòng hộ Kiến Vàng nắm giữ vị trí xung yếu, với nhiều cửa sông thông ra biển.

Vì vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên của BQL luôn ứng trực 24/24 tại các chốt quản lý, những nơi có nguy cơ bị lâm tặc xâm nhập phá rừng. Đơn vị còn cắt cử đội nghiệp vụ quản lý, bảo vệ rừng đi tuần tra, kiểm soát tại các tuyến rừng phòng hộ ven biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, diện tích rừng đước luôn xanh tốt và không ngừng phát triển về số lượng cây.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Tiểu khu trưởng liên Tiểu khu 121 - 122 (BQL Rừng phòng hộ Kiến Vàng) cho biết: "Tôi gánh vác trách nhiệm không hề nhỏ, nếu lơ là trong việc quản lý, thì hậu quả xảy ra rất lớn. Do đó, anh em cán bộ Liên tiểu khu luôn nỗ lực hết mình hoàn thành nhiệm vụ. Địa bàn Liên tiểu khu 121 – 122 tương đối rộng, vì thế chúng tôi luôn túc trực, kiểm soát rất chặt chẽ ghe xuồng vào rừng, quyết không để kẻ xấu lợi dụng chặt phá cây”.

Rừng đước tại BQL Rừng phòng hộ Kiến Vàng luôn xanh tốt, thẳng tấp.

Ghi nhận của PV cho thấy, tình hình ứng trực tại các chốt bảo vệ rừng được tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, cán bộ, nhân viên các chốt luôn có tinh thần tự giác rất cao. Ông Lê Văn Khải, nhân viên đội tuần tra, kiểm soát QLBVR cho hay, anh em luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ lãnh đạo BQL.

Còn ông Huỳnh Văn Xê, Trưởng BQL Rừng phòng hộ Kiến Vàng thông tin, địa bàn quản lý rừng ven biển dài khoảng 40km, nên dù rất cố gắng nhưng đôi lúc cũng không tránh được việc bị người dân vào chặt phá cây rừng. Đối tượng phá rừng chủ yếu là người thiếu sinh kế, không có việc làm ổn định.

“Việc chặt phá rừng dù ít thôi, nhưng đối với người làm công tác giữ rừng, tôi rất xót xa. Đa số trường hợp chặt phá cây rừng không có sinh kế làm ăn, đường cùng họ chọn cách vào rừng để mưu sinh. Khi bị bắt giữ, lập biên bản họ run rẩy, van xin. Lực lượng giữ rừng luôn vận động, tuyên truyền những trường hợp phá rừng không được tái phạm và họ dần ý thức được lợi ích của rừng nên không còn phá rừng nữa”, ông Xê tâm sự.

Theo ông Xê, mặc dù BQL được trang bị phương tiện tuần tra, kiểm soát trên biển nhưng đối tượng phá rừng chuyên nghiệp còn tinh vi hơn. Bọn chúng nâng cấp phương tiện hành nghề bằng cách chụp bô máy xe, chạy rất nhanh. Vì thế, khi phương tiện của đơn vị phát hiện, rượt không lại. Hơn nữa những đối tượng phá rừng chuyên nghiệp rất liều lĩnh, chống trả quyết liệt để thoát thân.

Cán bộ giữ rừng phân loại trái đước trước khi trồng.

Ông Xê còn cho hay, tình trạng cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng bị lâm tặc chống cự cũng xảy ra không ít. “Là cán bộ giữ rừng, chúng tôi rất quyết liệt trong việc ngăn chặn vi phạm phá rừng của các đối tượng. Tuy nhiên, ra biển đêm hôm, nếu bị lâm tặc kháng cự, chỉ cần chúng phang cây thôi, nếu anh em trúng phải và té xuống biển thì hậu quả xảy ra vô cùng lớn”, ông Xê chia sẻ thêm.

"Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng biến khó khăn thành động lực thực tốt nhiệm vụ được giao. Vừa qua, đơn vị đã khoanh vùng những trường hợp thường xuyên phá rừng để phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, bước đầu đã có kết quả, nhiều đối tượng đã không còn chặt phá cây rừng. Họ dần chuyển sang công việc khác để tạo sinh kế cho gia đình”, ông Xê cho biết thêm.

TRẦN QUỐC KHẢI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/giu-rung-phong-ho-ven-bien-post244094.html