Giữ rừng nhưng ai giữ?

Một trong những vấn đề 'nóng' trên diễn đàn Quốc hội kỳ vừa qua là việc nhiều đại biểu cảnh báo về tình trạng xây dựng thủy điện và bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường.

Thiên tai gây thiệt hại thật nặng nề và hậu quả là sự đau thương mất mát mà miền Trung phải gánh chịu những ngày gần đây.

Cây rừng phòng hộ nằm giáp ranh giữa hai xã Đạ Sar và Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) bị đốn hạ Ảnh: Đặng Tuấn.

Cây rừng phòng hộ nằm giáp ranh giữa hai xã Đạ Sar và Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) bị đốn hạ Ảnh: Đặng Tuấn.

Trên nóng, dưới lạnh

Theo Bộ NNPTNT, việc bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng trái pháp luật được tăng cường trong những năm qua. Động thái mới nhất của Bộ này là vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh như: Bình Thuận, Quảng Nam, Ninh Bình từ chối chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án.

Như vậy, sau văn bản của Bộ NNPTNT, tỉnh Ninh Bình sẽ không được phép chuyển 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi của UBND tỉnh Ninh Bình; Kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận xin được chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110KV. Dự án này xác định dự án được thực hiện trên quy mô 45,41 ha... cũng bị bác bỏ. Bộ NNPTNT cũng không đồng ý với tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam bởi dự án này thuộc danh mục các dự án thuộc tránh nhiệm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Liên quan đến kiểm soát xin chuyển đổi đất rừng, theo Bộ NNPTNT, kết quả về kiểm kê rừng từ năm 2011 đến 2019 cho thấy, diện tích rừng tăng trên 1 triệu ha, từ 13,5 triệu năm 2011 lên 14,6 năm 2019, trung bình mỗi năm tăng 121.000ha; tỷ lệ che phủ rừng tăng tương ứng là 2,19%, từ 39,7% năm 2011 lên 41,89% vào năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,24%. Chỉ 1, 81% đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được phê duyệt. Từ năm 2014, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tăng nặng chế tài trong xử phạt, xử lý các hành vi vi phạm trật tự và quy định về quản lý trong lâm nghiệp.Trong giai đoạn 4 năm 2016-2019, bình quân mỗi năm trong cả nước giảm 35% số vụ và 20% diện tích rừng bị thiệt hại. Diện tích rừng, độ che phủ rừng liên tục tăng. Chắc rằng kết thúc năm 2020, độ che phủ sẽ đạt 42% như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên vẫn ngang nhiên diễn ra từng ngày, từng giờ. Đáng chú ý, khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng. Thông tin mới nhất, lâm tặc âm thầm mở đường vào cánh rừng của huyện Ia Grai (Gia Lai) để khai thác gỗ trái phép từ nhiều tháng qua. Những cây gỗ cổ thụ gần trăm tuổi có đường kính vài người ôm bị đốn hạ và xẻ hộp ngay tại rừng. Và vẫn lí do xưa cũ là lực lượng chức năng không hề hay biết để kịp thời ngăn chặn.

Trước đó, khi diễn đàn Quốc hội đang bàn thảo các giải pháp làm gì để gữ rừng, thì tại Lâm Đồng ngày 12/11, ông Mai Chí Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) cho hay, đơn vị đã ra quyết định khởi tố một vụ phá rừng với hành vi “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” xảy ra trên địa bàn huyện Đam Rông. Qua kiểm đếm của cơ quan chức năng, tại khu vực trên có 29 cây thông ba lá, nhóm IV, đã bị các đối tượng khai thác trái phép, với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại trên 32 m3 gỗ tròn. Khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 9,4 m3. Cơ quan chức năng xác định các đối tượng phá rừng đã đưa ra khỏi hiện trường 23,4 m3 gỗ tròn, diện tích bị tác động hơn 2 ha...

Có thể thấy, nạn chặt phá rừng tự nhiên vẫn diễn ra. Lý giải nguyên nhân “máu rừng” vẫn chảy, thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nhận định: Về tổng quát, tuy số vụ vi phạm pháp luật và thiệt hại về rừng đã giảm nhưng tình trạng phá rừng, khai thác trái pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta dừng khai thác rừng tự nhiên, trong khi nhu cầu, thói quen về sử dụng gỗ rừng tự nhiên tại một bộ phận dân cư chưa thay đổi, nguồn gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu có xu thế giảm, khai thác gỗ bất hợp pháp trở nên “siêu lợi nhuận”. Bên cạnh đó, sức ép về phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là nhu cầu đất để trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp có giá trị kinh tế ngày càng cao.

Cũng theo ông Hà Công Tuấn, tại những nơi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật đều cho thấy, chủ rừng còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Các cơ quan chức năng, chính quyền sơ sở không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, việc xử lý người có hành vi vi phạm và người có trách nhiệm quản lý thiếu nghiêm túc.

Trả giá vì mất rừng

Còn có một “thủ phạm” tàn phá rừng tự nhiên, đó chính là việc xây dựng thủy điện tràn lan. Cũng tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng, mục đích chính của thủy điện nhỏ chính là khai thác gỗ và tài nguyên rừng một cách hợp pháp. Vậy nên nhiều chủ đầu tư khi được cấp giấy phép làm thủy điện nhỏ là bán lại dự án ngay sau đó. Đó chính là lúc đã khai thác xong tài nguyên.

Đáng chú ý, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiên tai nặng nề, hoành hành tại miền Trung vừa qua, gây thiệt hại đặc biệt lớn về sinh mạng cũng như tài sản của người dân. Liên tiếp những vụ sạt lở đất xảy ra sau mưa lũ tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam vùi lấp rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân. Ông khái quát, những sự cố khủng khiếp đó xảy ra ở khu vực tập trung nhiều thủy điện nhỏ, nơi mất nhiều diện tích rừng cho việc làm hồ chứa, đập dâng.

Hay, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt vấn đề, đảm bảo an toàn cho những hồ đập thủy lợi, thủy điện trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mưa lũ và nước biển dâng là vấn đề bức thiết. Những bậc thang thủy điện, những hồ chứa lớn liên tiếp “gây họa” những năm qua. Mùa mưa năm 2017 - 2018 nổi lên hiện tượng thủy điện xả lũ gây hiện tượng lũ chồng lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng vùng hạ du. Năm 2018 - 2019 lại xảy ra hạn hán trên diện rộng, các hồ chứa thủy điện cũng cạn khô, sản lượng điện sụt giảm, không đảm bảo hiệu quả vận hành. Năm 2020, cả nước vừa chứng kiến những sự cố đau lòng liên quan đến thủy điện vừa và nhỏ...

Từ đó, các đại biểu đề nghị đánh giá lại vấn đề cấp phép làm thủy điện nhỏ và vừa, kiểm đếm những dự án đã bán lại, sang nhượng để xác minh nghi vấn các dự án thủy điện này là “bình phong” cho việc phá rừng. Cần cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện nhỏ và vừa ra khỏi quy hoạch điện lực đến 2030.

Chính vì lẽ đó mà thông tin về kết quả trồng rừng, giữ rừng đã đạt những thành tích lớn, thể hiện sự cố gắng vượt bậc trong thời gian 30 năm qua, khiến tỷ lệ che phủ rừng tăng lên đáng kể của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã không thuyết phục được các đại biểu Quốc hội.

Nhìn bà con miền Trung vật lộn trong mùa lũ lụt vừa qua mới thấy biết bao thương đau. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phá rừng, để mất rừng phòng hộ lại được các chuyên gia khẳng định đó là một trong những nguyên nhân chính. Do đó, việc quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên được đặt ra hết sức cấp bách.

GS Nguyễn Ngọc Lung.

Với góc nhìn chuyên gia, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nêu thực tế, câu chuyện bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, có nhiều bài học thất bại, trong đó đáng lưu ý nhất là việc để mất quá nhiều rừng tự nhiên và các loài động vật quý hiếm. Cũng có bài học thành công nhưng phải nhìn vào bài học thất bại để khắc phục. Đó là khi kinh tế phát triển, tài nguyên hao hụt. Dù đó là điều khó tránh, nhưng cần lấy bài học của các nước phát triển để không lặp lại, đó là khi có kinh tế, có rất nhiều tiền những cũng không phục hồi được các khu rừng tự nhiên, rừng quý hiếm.

Vẫn theo GS. Nguyễn Ngọc Lung, sự trả giá vì mất rừng chúng ta cũng đang chứng kiến rất rõ. Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu. Thế giới đã khẳng định, rừng là nhân tố tốt nhất để người dân tham gia vào chống biến đổi khí hậu. Người nghèo cũng có thể tham gia, quan trọng họ trồng rừng và giữ được rừng. “Chúng ta đã lấy của rừng rất nhiều, nhưng trả lại cho rừng được bao nhiêu?” - GS. Nguyễn Ngọc Lung trăn trở.

Với thâm niên 60 năm gắn bó với sự nghiệp bảo vệ rừng, GS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng quả quyết: Không ai dám nói trồng lại được rừng tự nhiên, vì đã là rừng tự nhiên, chỉ có thiên nhiên mới phục hồi được, mà phải qua tái sinh hàng trăm năm, nghìn năm, thậm chí hàng vạn năm.

Hải Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giu-rung-nhung-ai-giu-524479.html