Giữ rừng ngập mặn giữa TP Phan Thiết: Điều đúng đắn

Đó là khẳng định của chuyên gia trước ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhằm giữ lại khu rừng ngập mặn tái sinh hiếm hoi của tỉnh.

Tại buổi thị sát khu vực rừng ngập mặn của thành phố Phan Thiết mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho rằng cần nghiên cứu lại phương án xây dựng khu đô thị mới kết hợp công viên tại khu rừng ngập mặn (còn gọi là Khu vực dự án 5) rộng hơn 32,3 ha này.

Theo đó, giữ lại toàn bộ diện tích làm công viên cây xanh và thực hiện các công trình công cộng gắn với rừng ngập mặn.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật bày tỏ vui mừng trước thông tin này, đồng thời khẳng định quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận muốn giữ lại toàn bộ diện tích rừng ngập mặn giữa lòng TP Phan Thiết là rất đúng đắn.

Theo GS Huỳnh, Bình Thuận là địa phương thường xuyên xảy ra hạn hán căng thẳng trong những năm gần đây, trong khi rừng ngập mặn rất quan trọng đối với hệ sinh thái ở vùng khô hạn. Cùng với Ninh Thuận, Bình Thuận là những địa phương ít mưa nhất cả nước, việc giữ lại rừng ngập mặn có ý nghĩa to lớn.

Khu vực rừng ngập mặn của thành phố Phan Thiết. Ảnh: Báo Bình Thuận

Khu vực rừng ngập mặn của thành phố Phan Thiết. Ảnh: Báo Bình Thuận

"Nếu tổ chức khu đô thị kết hợp công viên như dự kiến ban đầu của tỉnh thì khu rừng ngập mặn hiếm hoi của địa phương này có nguy cơ bị xóa sổ.

Tổ chức đô thị có thể rất cần cho Bình Thuận nhưng nên tìm nơi khác hơn là sử dụng tìm nơi khác thì hay hơn là xóa sổ rừng ngập mặn để lấy quỹ đất. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng gay gắt, hạn hán nhiều.

Do vậy, giữ lại cây xanh, giữ lại rừng được chừng nào hay chừng ấy, không quan trọng diện tích rừng ít hay nhiều. Hiện nay chúng ta còn đang cố gắng trồng từng cây theo chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh", GS Huỳnh chỉ rõ.

Đã có dịp tham quan rừng ngập mặn ở TP Phan Thiết, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho hay, khu rừng này đã tồn tại nhiều năm, chủ yếu là mắm, đước, bần dày đặc. Cùng với cây rừng, các loại sinh vật khác cũng về đây trú ngụ, dần tạo nên quần thể rừng ngập mặn đa dạng. Các con lạch nhỏ trong rừng nhiều tôm, cá, đồng thời cũng là nơi trú ngụ, kiếm ăn của nhiều đàn chim trời và cò.

Rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của sóng, bão lụt; điều hòa khí hậu, ngăn ngừa xói mòn và mở rộng đất bồi. Ngoài ra, còn hạn chế xâm nhập mặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cửa sông, ven biển.

Quan trọng hơn, khu rừng ngập mặn này là nơi mưu sinh của nhiều người lao động nghèo.

"Giữ được vài chục hecta rừng chính là giữ gìn sinh kế cho người nghèo, bảo tồn các cây rừng tự nhiên ở đây còn quý giá hơn những công viên nhân tạo tốn kém chi phí.

Để phát huy giá trị của khu rừng ngập mặn này đồng thời để sinh kế của người dân thêm phong phú, Bình Thuận có thể kết hợp giữa bảo tồn thiên nhiên với phát triển du lịch rừng ngập mặn", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đề nghị.

Theo quy hoạch chung TP Phan Thiết được phê duyệt điều chỉnh năm 2009, khu vực dự án được định hướng quy hoạch là đất cây xanh công viên - thể dục thể thao. Năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn đồng ý chủ trương kêu gọi xây dựng Khu công viên Hùng Vương đầu tư theo hình thức BOT, nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Thời điểm đó, UBND tỉnh đã điều chỉnh mặt bằng quy hoạch chi tiết sử dụng đất dự án Công viên Hùng Vương (từ 28,17 ha thành 32,364 ha), trong đó, bao gồm khu dân cư (đất công viên cây xanh hơn 20 ha, đất ở kết hợp thương mại dịch vụ 5,365 ha, đất giao thông 6,462 ha).

UBND tỉnh Bình Thuận xác định Khu vực dự án 5 là một dự án phát triển khu đô thị mới, trong đó gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 - Khu vực dân cư, hợp phần 2 - Khu vực công viên; Nhà nước sẽ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với hợp phần 1 và đầu tư xây dựng hợp phần 2 từ nguồn ngân sách tỉnh.

Tuy nhiên, sau khi đi thị sát, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, cần giữ lại toàn bộ diện tích làm công viên cây xanh và thực hiện các công trình công cộng gắn với rừng ngập mặn.

Theo đó, sẽ quy hoạch làm quảng trường, cải tạo thành những lối đi như những con kênh dưới tán cây của rừng ngập mặn.

Với ý tưởng này, tỉnh sẽ tiết kiệm nhiều chi phí, tạo khu sinh thái ngập mặn đặc biệt cho người dân thành phố, thậm chí tạo điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực này tuy chưa được đánh giá cụ thể về các loài thủy sinh có giá trị kinh tế đang cư trú, sự đa dạng và phong phú về số lượng, loài cây, nhưng lợi ích mà rừng ngập mặn mang lại là vô cùng lớn.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/giu-rung-ngap-man-giua-tp-phan-thiet-dieu-dung-dan-3431116/