Giữ quy định giá trần vé máy bay, tranh cãi gần 2 thập kỷ chưa thể đến hồi kết

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bỏ quy định giá sàn, giữ quy định giá trần vé máy bay tạm thời chấm dứt cuộc tranh cãi đã kéo dài gần 2 thập kỷ, nhưng chưa hẳn đã chấm dứt hoàn toàn.

Giữ quy định giá trần và bỏ quy định giá sàn

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ, khi giữ quy định giá trần và bỏ quy định giá sàn đối với vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ hàng không nội địa là cần thiết.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất bỏ quy định về giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không.

Việc bỏ giá sàn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh, song không dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Lý do, dù doanh nghiệp hạ giá bán vẫn phải tuân thủ các quy định tại luật Cạnh tranh về vấn đề này.

Thực tế cho thấy, việc bỏ quy định về giá sàn không gây tác động đến các hãng hàng không hiện nay. Với thu ngân sách nhà nước, việc bỏ quy định giá sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội tham gia vận chuyển bằng đường hàng không cho người dân, góp phần phát triển thị trường hàng không nội địa, tăng số người sử dụng hàng không.

Trong khi đó, việc tiếp tục giữ lại vé giá trần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là thiết yếu, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, việc đặt ra vấn đề không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ. Nếu bỏ giá trần, các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế đánh giá: Việc giữ giá trần vé máy bay là cần thiết, bởi thị phần của các hãng hàng không trong nước chưa đều.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện nay chúng ta đang có doanh nghiệp thống lĩnh trong ngành hàng không, chiếm khoảng 45% toàn thị trường. 55% còn lại là thị phần của 3 hãng bay khác gộp lại.

“Như vậy, khi thị trường có 1 doanh nghiệp thống lĩnh thì cần phải có giá trần, để kiểm soát giá vé. Bởi, theo quy luật quản lý giá, trong bất kỳ nền kinh tế nào, nếu có doanh nghiệp thống lĩnh thì cần phải có khung quản lý giá. Nếu không có, doanh nghiệp thống lĩnh tự làm giá, nâng giá, như vậy rất khó đảm bảo tính công bằng”, ông Long nói.

Dù vậy, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, khi nào ngành hàng không Việt Nam chia sẻ miếng bánh thị phần đều giữa các hãng bay, tạo ra sự cạnh tranh công bằng, lúc đó mới nghĩ đến chuyện bỏ trần vé máy bay.

Tranh cãi gần 2 thập kỷ

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bỏ quy định giá sàn, giữ quy định giá trần vé máy bay tạm thời chấm dứt cuộc tranh cãi đã kéo dài gần 2 thập kỷ. Trên thực tế, câu chuyện bỏ hay giữ giá trần vé máy bay đã có sự tranh cãi suốt từ năm 2005 đến nay.

Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua quy định này, cứ vài năm là lại có doanh nghiệp, hoặc Cục Hàng không đề xuất bỏ trần vé máy bay. Ví dụ như vào năm 2021, Cục Hàng không đã đề xuất bỏ trần giá vé trên đường bay có từ 3 hãng cùng khai thác để tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.

Lý giải với đề xuất này, Cục Hàng không cho biết, giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không. Do đó, cơ quan này có đề xuất trên, đồng nghĩa với việc các hãng có thể được tự quyết giá vé, không cần theo trần giá vé máy bay.

Trong một cuộc hội thảo về du lịch vào cuối năm 2019, lãnh đạo của Vietnam Airlines cũng có đề xuất bỏ trần giá vé máy bay. Lãnh đạo của Vietnam Airlines cho rằng, trong bối cảnh thị trường hàng không thực sự cởi mở, với sự tham gia của rất nhiều hãng hàng không, kể cả hàng không tư nhân, thì giá trần vé máy bay cũng là một điểm nghẽn cản trở doanh nghiệp.

Lãnh đạo hãng hàng không Quốc gia nhấn mạnh, nên để thị trường tự điều tiết giá vé theo cung cầu. Trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam đang hội nhập với thế giới, đây cũng là việc nên cần sớm được xem xét, điều chỉnh.

Hoặc như trước thềm kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2023, các hãng hàng không cũng đã lên tiếng kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay.

Đơn cử, đại diện của Bamboo Airways cho rằng, vai trò lịch sử của giá trần vé máy bay gần như không còn nữa và dù bỏ giá trần nhưng vẫn cần duy trì quản lý nhà nước trên những đường bay có một hãng vận chuyển, còn các đường bay có từ hai hãng trở lên sẽ trả về cơ chế thị trường.

Vị này cho rằng, bỏ giá trần hoặc nâng giá trần sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mà chúng ta có cơ hội đa dạng các mức vé, làm cho thị trường hàng không lành mạnh hơn. Việc này làm cho thị trường hàng không phát triển lành mạnh chứ không phải triệt tiêu đi.

Trong khi đó, Vietravel Airlines khẳng định, việc bỏ trần giá vé máy bay sẽ là một động lực hỗ trợ các hãng hàng không nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo lý giải của Vietravel Airlines, hiện hãng bay này đang cung cấp suất ăn nhẹ trên máy bay cho khách và sắp tới là các dịch vụ giải trí trên không với mức chi phí đầu tư cao.

“Vì vậy việc áp giá trần sẽ khiến hãng khó lòng đầu tư các tiện ích mới, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Đồng thời, trong giai đoạn du lịch cao điểm, các đường bay sẽ được khai thác lệch đầu”, lãnh đạo Vietravel Airlines nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế đánh giá: Việt Nam là một trong số ít các quốc gia duy trì giá cước bằng đường hàng không, tranh cãi này nổ ra kể từ năm 2005. Trong khi đó, Việt Nam đã và đang hội nhập, không thể một mình một quy định.

Tuy nhiên hiện Việt Nam đã hội nhập, không thể một mình mình một quy định. Việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không, giá cả và các yếu tố cấu thành giá hàng không thay đổi rất nhanh, cứ áp giá trần là không theo kịp”, ông Lực nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bỏ giá sàn nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp hàng không, nhưng việc tiếp tục duy trì mức giá trần khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi thất vọng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua quy định này, tạm thời “sóng” sẽ yên, “biển” sẽ lặng một thời gian. Tuy nhiên, rất nhanh các doanh nghiệp hàng không sẽ lại có hàng loạt kiến nghị mới, đề xuất mới liên quan tới việc bỏ giá trần vé máy bay.

Quan điểm của vị chuyên gia này cho rằng, dù sớm hay muộn Việt Nam sẽ phải bỏ giá trần, để giá vé máy bay đi theo đúng quy luật của thị trường. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu.

Rất hiếm khi nào, một quy định mới được ban hành lại nhận được sự “đồng lòng nhất trí” của tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó. Bởi lẽ, hiện nay, giá trần vé máy bay đang được áp dụng khung giá được quy định từ năm 2015. Trong thời gian qua, vật giá đã thay đổi, nhất là giá nhiên liệu có thời điểm tăng rất cao trên 150 USD/thùng, tỷ giá cũng tăng. Do đó, việc áp dụng khung giá trần theo mức giá nhiên liệu từ năm 2015 sẽ khiến doanh nghiệp bị lỗ. Thực tế cho thấy, năm vừa qua báo cáo tài chính của các hãng hàng không cho thấy không doanh nghiệp nào có lãi. Đó chính là lý do vì sao tất cả các hãng hàng không “đồng lòng nhất trí” đề xuất bỏ trần vé máy bay.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giu-quy-dinh-gia-tran-ve-may-bay-tranh-cai-gan-2-thap-ky-chua-the-den-hoi-ket-post249910.html