Giữ quân ở Syria để thách thức Nga, Mỹ đang 'ngậm quả đắng'

Gần đây, 4 binh sĩ Mỹ đã bị thương trong một cuộc va chạm với lực lượng Nga ở Syria. Những sự cố như vậy làm dấy lên câu hỏi: Quân đội Mỹ đang làm gì ở Syria và có phải người Mỹ đang 'lạc lối' trong chiến lược của họ ở Trung Đông?

Hiện không thấy lợi ích chiến lược mà Mỹ có được từ cam kết đầy rủi ro ở Syria. Quân đội Mỹ ban đầu xuất hiện ở Syria với mục đích "ngăn chặn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng", nay IS đã bị tiêu diệt song họ vẫn “nấn ná” ở lại

Hiện không thấy lợi ích chiến lược mà Mỹ có được từ cam kết đầy rủi ro ở Syria. Quân đội Mỹ ban đầu xuất hiện ở Syria với mục đích "ngăn chặn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng", nay IS đã bị tiêu diệt song họ vẫn “nấn ná” ở lại

Tờ Business Insider vừa đăng tải bài viết của Christopher Mott - chuyên gia quan hệ quốc tế và là tác giả của cuốn sách “Đế chế vô hình: Lược sử ngoại giao và chiến tranh ở Trung Á” cho rằng, Mỹ đang mạo hiểm tính mạng của binh sỹ để duy trì kiểm soát các khu vực hẻo lánh ở Syria nhằm mặc cả cho một thỏa thuận hòa bình tương lai.

Chuyên gia Christopher Mott nhận định, sau gần 10 năm Mỹ và các đồng minh can thiệp vào Syria, “thành tựu” lớn nhất của họ là cuộc nội chiến kéo dài với các phần tử cực đoan và bạo lực phát triển mạnh.

Ngay cả khi có người cho rằng Mỹ cần cạnh tranh với Nga thì họ không nhận ra rằng thắng người Nga ở Syria không đem lại lợi ích gì cho Mỹ.

Hãng tin Newsweek nhận định, số lượng sự cố ngày càng gia tăng liên quan đến lực lượng Mỹ và Nga ở Syria đang làm nổi lên một điểm mù chiến lược của Washington ở Trung Đông.

Thời điểm chuẩn bị cho kỳ bầu cử sắp tới khiến cho quân đội Mỹ về cơ bản bị “mắc kẹt” trong việc bảo vệ các nguồn dầu khí ở Syria trong khi bị Nga gây sức ép nhằm ổn định đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Đáng nói, cả 2 ứng viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump và ông Joe Biden đều thề sẽ chấm dứt "cuộc chiến bất tận" do những người tiền nhiệm của họ gây ra.

Về phần mình, Tổng thống Trump nói với các phóng viên vào tháng trước, rằng Mỹ chỉ đơn giản là “giữ dầu”. Tháng 10 năm ngoái, ông đã rút quân khỏi các tiền đồn nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd, và cử “một lực lượng nhỏ” tới canh gác các mỏ dầu khí ở phía Đông Bắc.

Nhà lãnh đạo Mỹ không giấu giếm mong muốn đưa các công ty dầu mỏ của Mỹ đến Syria còn để cho Nga, Iran và Syria đảm nhận nhiệm vụ ngăn chặn IS đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, các nguồn dự trữ dầu ở miền Đông Bắc Syria không đặc biệt ấn tượng cũng như không chiếm một tỷ lệ đáng kể trên thị trường toàn cầu hoặc thậm chí khu vực.

Trong khi đó, Nga đã nắm bắt cơ hội mở rộng sự hiện diện của mình để ủng hộ chính phủ Syria, nắm quyền kiểm soát các khu vực từng thuộc về Mỹ.

Tình thế này đã dẫn đến một số sự cố liên quan đến các lực lượng Mỹ và Nga do “ghìm chân” nhau trong tuần tra ở khu vực Đông Bắc Syria.

Tuần trước, 4 lính Mỹ bị thương sau khi xe của họ va chạm với xe của lực lượng Nga. Lầu Năm Góc cho rằng vụ việc thể hiện "hành vi cố ý khiêu khích và gây hấn" của người Nga.

Nhưng quan chức tình báo Mỹ cấp cao giấu tên nói với Newsweek rằng động thái của Matxcơva là dễ hiểu. “Người Nga đang và sẽ hiếu chiến, đó là định nghĩa của họ về “sức mạnh”.

Chuyên gia Christopher Mott cho rằng, tốt nhất Mỹ nên rút quân khỏi Syria để tránh nguy cơ sa vào những vũng lầy can thiệp không mong muốn, làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Hải Yến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-giu-quan-o-syria-de-thach-thuc-nga-my-dang-ngam-qua-dang-post443395.antd