Giữ ổn định tỷ giá

Chín tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt và ổn định. Từ nay đến cuối năm, thị trường ngoại hối được đánh giá tiếp tục ổn định, tỷ giá không chịu nhiều áp lực và tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm.

Hạn chế đô-la hóa

Những tháng đầu năm, thị trường quốc tế chứng kiến nhiều diễn biến khó lường, kéo theo đó là biến động mạnh của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Trong khi các đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh, có những đồng tiền mất giá tới 9% (như KWR, SEK) thì VNĐ là một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD. Theo đó, tính chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá VNĐ/USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vẫn được neo ở gần mức 23.200 đồng/USD, tương đương với mức giá mua ngoại tệ của NHNN. Việc VNĐ hầu như không mất giá so với USD cho thấy sự ổn định của thị trường ngoại hối trong nước; đồng thời cũng được đánh giá là khác biệt so với những năm trước, khi tỷ giá chịu nhiều rủi ro từ biến động các ngoại tệ khác.

Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, điều này có được một phần nhờ bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2019 tiếp tục có nhiều khởi sắc, bất chấp nhiều yếu tố mang khuynh hướng bất lợi bên ngoài. Chính sách tỷ giá trung tâm cũng đã tạo điều kiện cho NHNN có dư địa chủ động điều chỉnh linh hoạt hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động mạnh. Qua đó, việc tăng - giảm giá USD mua vào, bán ra được NHNN điều chỉnh theo tín hiệu thị trường và diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế. Trên thị trường tiền tệ trong nước, nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối được cải thiện nhiều cũng như thông qua các kênh điều hành khác qua lãi suất, NHNN có đủ công cụ và điều kiện để bình ổn thị trường, ổn định tâm lý nhà đầu tư trước những diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế.

Cùng với sự ổn định của thị trường ngoại tệ, tình trạng đô-la hóa cũng từng bước được giảm dần theo lộ trình. Theo đó, từ ngày 1-10, các ngân hàng thương mại đã dừng cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Đây được coi là bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa chủ trương hạn chế tình trạng đô-la hóa của NHNN, quy định tại Thông tư 42/2018. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, chủ trương hạn chế đô-la hóa nền kinh tế đã có từ lâu và từ 5 đến 7 năm qua, NHNN đã đưa ra chủ trương phải dần tiến tới hạn chế việc vay mượn bằng ngoại tệ, chuyển dần sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Nền kinh tế đang ổn định, dự trữ ngoại tệ mạnh lên và cân đối được trạng thái ngoại tệ là điều kiện thuận lợi để tiến tới hạn chế cho vay. Đây cũng là chủ trương Chính phủ phê duyệt trong đề án về chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 và 2030, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ, trước mắt là ngắn hạn, sau đến trung và dài hạn, đã có lộ trình và lẽ ra phải làm sớm hơn. Tuy nhiên, thời gian qua, do tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có tính chất đặc thù nên NHNN đã giãn, lùi thời hạn thực hiện. Đây không phải là chính sách đột ngột mà hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp nhận những chính sách này một cách hết sức chủ động nên không ảnh hưởng đến kế hoạch vay ngoại tệ của doanh nghiệp.

Tiếp tục giữ ổn định thị trường

Hạn chế đô-la hóa, nhưng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi không vay ngoại tệ, hiện NHNN cũng đã cấp phép cho nhiều tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối, để được phép mua bán ngoại tệ, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối hiện nay khoảng 71 tỷ USD. Ngoài ra, với lãi suất VNĐ hiện đang ở mức hợp lý và tỷ giá được giữ ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thuận lợi hơn trong việc mua bán ngoại tệ. Đồng thời, trạng thái ngoại tệ của nền kinh tế bảo đảm cân đối, các ngân hàng thương mại cũng sẵn sàng mua ngoại tệ của doanh nghiệp và bán ngoại tệ cho doanh nghiệp khi cần thiết.

Dự báo về tỷ giá từ nay đến cuối năm, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho biết: Hiện các yếu tố hỗ trợ như cung cầu ngoại tệ đang khá tốt. Niềm tin của người dân vào tiền đồng tăng lên. Dự trữ ngoại hối của NHNN ở mức tích cực. Cách thức điều hành của NHNN khá phù hợp với bối cảnh hiện nay. Từ đó, tỷ giá từ nay đến cuối năm dự báo tăng khoảng 1,5% đến 2%.

Trong khi đó, bộ phận phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cũng đưa ra nhận định: Chênh lệch lãi suất VNĐ và USD ở mức hơn 1%, nguồn cung giai đoạn tới dự kiến vẫn dồi dào từ hoạt động thương mại, đầu tư và chuẩn bị bước vào mùa kiều hối nên nhiều khả năng tỷ giá USD/VNĐ sẽ tiếp tục ổn định quanh vùng 23.200 đồng/USD.

Đồng quan điểm khi cho rằng từ nay đến cuối năm chúng ta có thể lạc quan về việc tỷ giá được duy trì ổn định, song Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam Ngô Đăng Khoa cũng cho rằng: tỷ giá trong nước vẫn đứng trước những áp lực nhất định cả trong và ngoài nước khi những diễn biến về cuộc chiến thương mại chưa thấy dấu hiệu kết thúc. Những tháng cuối năm thông thường nhu cầu ngoại tệ tăng cao theo yếu tố mùa vụ. Với việc tỷ giá của các nước trong khu vực, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá mạnh so với đồng USD cũng là yếu tố gây áp lực với tỷ giá trong nước, khi Trung Quốc là đối tác nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Định hướng điều hành chính sách tỷ giá trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định: Trong những tháng cuối năm 2019, NHNN sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chungkhoan/item/41854902-giu-on-dinh-ty-gia.html