Giữ nguyên hay giảm phí công đoàn?

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đang xây dựng dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Công đoàn (CĐ) năm 2012, với phương án tiếp tục bảo lưu mức phí CĐ hiện hành. Trong khi đó, hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp (DN) kiến nghị giảm phí CĐ từ 2% xuống 1%, do mức phí hiện hành quá cao, sử dụng chưa hiệu quả.

Trong khi tài chính công đoàn kết dư số tiền lớn, khoản kinh phí công đoàn vẫn tiếp tục được đề xuất giữ nguyên. Ảnh: Phạm Thanh

Trong khi tài chính công đoàn kết dư số tiền lớn, khoản kinh phí công đoàn vẫn tiếp tục được đề xuất giữ nguyên. Ảnh: Phạm Thanh

Ðồng loạt kiến nghị giảm phí công đoàn

Theo Luật CĐ hiện hành, tài chính CĐ gồm khoản thu từ người lao động (CĐ phí 1% tiền lương), từ chủ sử dụng lao động (kinh phí CĐ 2% tiền lương tháng) và một số khoản thu khác. Không phải tới nay câu chuyện mức thu phí CĐ mới gây ra tranh luận, những năm gần đây, khi đề cập chi phí DN, rất nhiều hiệp hội và DN kiến nghị giảm phí CĐ để giảm gánh nặng cho DN.

Mới đây nhất, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn có văn bản gửi cả Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành góp ý về sửa Luật CĐ năm 2012. Theo ông Toàn, sau 7 năm thực hiện Luật CĐ, tình hình đã có nhiều thay đổi, lương liên tục tăng nên cần xem xét giảm tỷ lệ đóng kinh phí CĐ từ 2% xuống 1% trên mức tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, lãnh đạo VAFIE kiến nghị tăng tỷ lệ phân bổ phí CĐ để lại CĐ cơ sở từ 69% số thu hiện hành lên 90% số thu (chỉ nộp 10% số thu về CĐ cấp trên). Việc tăng tỷ lệ phí để lại cho CĐ cơ sở để chăm lo tốt hơn cho người lao động, khi cấp này chi luôn cao hơn thu, trong khi CĐ các cấp trên luôn kết dư số tiền lớn, điều này đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.

8 hiệp hội DN gồm: Dệt may, Thủy sản, Da giày - Túi xách, Điện tử, Chè, Lương thực Thực phẩm TPHCM, DN Nhật Bản tại Việt Nam và DN Hàn Quốc tại Việt Nam đã đồng ký văn bản gửi tới Quốc hội, Chính phủ góp ý về sửa Luật CĐ. Cả 8 hiệp hội này kiến nghị giảm kinh phí CĐ từ 2% xuống còn tối đa 1% tiền lương tháng.

Các hiệp hội cũng dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, chi lương, phụ cấp và quản lý hành chính lên tới 20.200 tỷ đồng (gần 26,3% tổng chi CĐ), tỷ lệ này cao hơn cả chi hành chính Nhà nước. Do đó, các hiệp hội kiến nghị toàn bộ kinh phí CĐ chỉ chăm lo cho đời sống người lao động, không dùng vào chi phí hoạt động của Tổng LĐLĐ.

Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, năm 2019, CĐ cơ sở chi cơ bản hết số thu, CĐ cấp trên cơ sở trở lên chỉ chi khoảng 1 nửa số thu, còn cấp Tổng LĐLĐ chỉ chi 8,3% số thu. Thậm chí, số thu khác tại cấp Tổng LĐLĐ bằng 220,8% số chi. Chỉ riêng số thu này đã đáp ứng 2,2 lần tổng chi trong năm.

Do đó, tới hết năm 2019, số tích lũy của tài chính CĐ đã lên tới gần 29.000 tỷ đồng, chủ yếu đem gửi tiết kiệm và đầu tư chưa hiệu quả. Về chi lương cho bộ máy, năm 2019, lương bình quân cấp Tổng LĐLĐ là 434 triệu đồng/người; cấp CĐ quận/huyện, tỉnh thành, công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty trực thuộc tổng liên đoàn bình quân 479 triệu đồng/người.

Dù chi không hết số thu (với cấp từ CĐ trên cơ sở trở lên), nhiều hiệp hội DN kiến nghị giảm phí CĐ, nhưng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ, Tổng LĐLĐ vẫn bảo lưu quy định kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động (ở cả 2 phương án).

Điểm khác biệt, phương án 1 bổ sung thêm nếu DN có từ 2 tổ chức đại diện người lao động trở lên, mức phân bổ kinh phí này cho các tổ chức do Chính phủ quy định. Phương án 2, 70% số thu này để lại công đoàn cơ sở.

Tự thu, tự quyết

Theo Dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ năm 2012, Tổng LĐLĐ cho rằng, vấn đề thu, chi, sử dụng nguồn kinh phí công đoàn (2% tiền lương) nhận được sự quan tâm của khối DN.

Trong 7 năm thực hiện Luật CĐ (năm 2013-2019), tổng thu tài chính CĐ đạt hơn 100.000 tỷ đồng (mỗi năm tăng 12%). Trong đó, thu đoàn phí chiếm 25% - 27% số thu, thu kinh phí công đoàn chiếm 57% - 64%, thu khác từ 11% - 16%, ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 1%. Cùng giai đoạn, tổng chi trên 76.900 tỷ đồng.

Về việc còn một số DN có ý kiến về khoản phí công đoàn (2%/mức lương tính bảo hiểm xã hội), Tổng LĐLĐ cho rằng, điều này do một số chủ DN chưa nắm được mục đích sử dụng khoản thu này hoặc các nước không có khoản thu này. Với các nước, đa số chỉ thu phí công đoàn (1% tiền lương cơ bản) tương tự khoản phí này ở Việt Nam.

Tuy nhiên, do lương của người lao động các nước cao nên khoản thu này rất lớn, còn ở Việt Nam lương thấp nên khoản thu này không nhiều. Do đó, Tổng LĐLĐ khẳng định, khoản thu kinh phí CĐ 2% là cần thiết và chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp.

Đánh giá về tình hình thực hiện quản lý tài chính, tài sản của tổ chức CĐ, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 của ILO (thêm tổ chức đại diện người lao động khác bên cạnh CĐ), cần nghiên cứu sửa đổi quy định quản lý và sử dụng tài chính CĐ, trong đó có nguồn kinh phí công đoàn.

Cùng với đó, kinh phí CĐ thu bắt buộc (tương tự thuế, bảo hiểm) nhưng chỉ phải báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ, trong khi các khoản thu tương tự phải trình Thủ tướng phê duyệt và hằng năm báo cáo Quốc hội.

Do đó, quy định này cũng cần xem xét sửa đổi. Ngoài ra, nguồn tài chính CĐ tích lũy chủ yếu gửi tiết kiệm hưởng lãi và mua cổ phần, góp vốn kinh doanh và cho vay. Trong khi, theo luật hiện hành chưa có quy định dùng khoản kết dư này để đầu tư cho vay, nên việc này chưa phù hợp.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc sử dụng tài sản (đặc biệt là nhà, đất) của nhiều đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa đúng quy định.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/giu-nguyen-hay-giam-phi-cong-doan-1745856.tpo