Giữ nguyên giá trị cổ kính khi tu bổ di tích

Mục đích tối thượng của việc trùng tu, tôn tạo các di tích kiến trúc (lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo…) là giữ gìn tối đa yếu tố nguyên gốc, tôn lên vẻ đẹp vốn có của di tích và giúp nó tồn tại lâu bền, chống chọi lại những thách thức của thời gian, thiên nhiên và con người…

Tam quan xây mới hoàn toàn tại chùa Bổ Đà. Ảnh: Mạnh Thắng.

Nhưng trong thực tế, vì nhiều lý do, trong đó có sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, mà nhiều di tích có tuổi đời hàng trăm năm – thậm chí hàng nghìn năm, sau trùng tu trở nên những công trình kiến trúc hiện đại, mà người ta thường nói vui là những công trình “một ngày tuổi”.

Nhiều công trình kiến trúc cổ ở Hà Nội và một số địa phương đã rơi vào thảm cảnh như thế - mà điển hình là thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, Ô Quan Chưởng ở Hà Nội. Hiện tượng vi phạm nguyên tắc trùng tu mới nhất là chùa Bổ Đà ở Bắc Giang. Người ta đã xây mới tam quan là yếu tố không có trong di tích gốc.

Mọi biện bạch đều không thể chấp nhận (kể cả việc Bộ VHTTDL đồng ý). Nếu muốn xây dựng tam quan (vì một mục đích chính đáng nào đó), thì việc xây dựng này cũng phải ở ngoài phạm vi bảo vệ của di tích và phải ghi rõ đầy đủ là kiến trúc xây dựng mới.

Các di tích kiến trúc đều có tuổi thọ hàng trăm năm – thậm chí hàng nghìn năm. Cho nên việc trùng tu, tôn tạo là lẽ đương nhiên giúp chúng tồn tại lâu dài, “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Có những di tích được trùng tu nhiều lần, diện mạo của di tích hiện nay chính là hiện trạng của di tích khi được trùng tu lần cuối cùng. Rất may là tuy chưa có nguyên lý về trùng tu, tôn tạo di tích như quan niệm hiện đại, nhưng ông cha ta đã rất có ý thức giữ gìn đến mức tối đa những yếu tố cổ của di tích. Ở nhiều di tích nổi tiếng chúng ta dễ dàng tìm thấy những dấu vết văn hóa, kiến trúc, tạo hình… của di tích thưở mới được xây dựng và mỗi lần trùng tu.

Ở đây có một nghịch lý là vì lý do nào đó di tích càng được trùng tu nhiều lần, thì yếu tố cổ càng mất đi. Năm 1970, chúng tôi có dịp đi nghiên cứu truyền thuyết Đinh – Lê ở Trường Yên, Hoa Lư (Ninh Bình) do nhân dân địa phương yêu mến vua Đinh hơn nên đền Đinh được trùng tu nhiều hơn đền Lê. Kết quả là, xét về giá trị lịch sử đền Lê còn giữ lại nhiều nét kiến trúc cổ hơn đền Đinh.

Trở lại với việc trùng tu, tôn tạo, phục dựng các di tích kiến trúc cổ hiện nay, với việc trùng tu, tôn tạo, thì nguyên tắc quan trọng nhất là phải giữ nguyên trạng, trừ những bộ phận hư hỏng, mục nát không thể phục hồi được thì mới thay thế. Nhưng cũng phải bằng những vật liệu cổ (hoặc sản xuất mới, nhưng tôn trọng tối đa hình dáng, kích thước, màu sắc cổ). Những bộ phận kiến trúc được thay thế (như cột gỗ, đầu đao, mái ngói…) phải có chỉ dấu để mọi người đến chiêm bái, tham quan có thể dễ dàng nhận ra những chi tiết mới thay thế.

Chẳng hạn phần cột gỗ được thay thế phải lồi ra vài cen ti mét để chứng tỏ đây là phần mới được thêm vào. Tường gạch, mái ngói, đầu đáo… cũng được ứng xử như thế. Việc làm này không chỉ là yêu cầu công khai, minh bạch khi trùng tu, mà còn giúp cho con người tham quan, chiêm bái thấy rõ giá trị của di tích: phần nào là cổ, phần nào là sửa chữa, gia cố… giúp cho di tích tồn tại.

Đối với các di tích phục dựng, thì nguyên tắc tối cao là càng gần với nguyên dạng càng tốt. Có thể sưu tầm qua các tài liệu, hiện vật (thậm chí cả phế tích của di tích). Rồi tìm hiểu qua các văn hóa (nếu có) ghi lại hiện trạng của di tích qua những lần trùng tu. Rồi hình ảnh của di tích qua trí nhớ của nhân dân địa phương (đặc biệt là các vị cao niên và những người đã từng thực hành tín ngưỡng ở những di tích này).

Không xây dựng những di tích mới, đền chùa mới… rồi lắp ghép với những truyền thuyết, di tích cổ ở địa phương, đánh lừa và thu hút du khách để trục lợi. Trong những trường hợp này nên xây dựng những kiến trúc hiện đại, mang dấu ấn hiện tại với những tiện nghi hiện đại, hoặc gắn với những sự kiện lịch sử hiện đại, những nhân vật lịch sử hiện đại một cách sằng phẳng.

Chúng tôi tin rằng những kiến trúc này sẽ được thừa nhận và tồn tại một cách chính danh. Hiện nay có một số đền, chùa… được xây dựng “hoành tráng” một cách bất thường, không đúng với kiến trúc truyền thống của nước ngoài. Đặc biệt có một số chùa xây mới (với mục đích phục vụ kinh doanh du lịch là chính), nhưng lại núp dưới hình thức sinh hoạt tôn giáo.

Những ngôi chùa này thường được “khoe khoang” là: to nhất Đông Nam Á, nhiều tượng nhất Đông Nam Á… Điều này hoàn toàn trái ngược với mục tiêu, tôn chỉ của đạo Phật là hạn chế, diệt trừ những tham vọng vô lối của con người.

Hiện nay việc trùng tu, tôn tạo, phục dựng các di tích kiến trúc cổ còn khá lộn xộn, nhiều khi trở thành phá hoại di tích hoặc khiến cho các kiến trúc cổ có giá trị biến mất. Bộ VHTTDL cần chấn chỉnh mạnh mẽ, không để cho tình trạng này tồn tại dai dẳng.

Trần Bảo Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/giu-nguyen-gia-tri-co-kinh-khi-tu-bo-di-tich-tintuc399193