Giữ nguồn lợi biển

Biển mênh mông, nhưng ít ai nghĩ rằng nguồn lợi thủy sản đang ở mức báo động.

Không có gì là vô tận, kể cả tài nguyên biển, ngư dân khai thác biển thiếu kiểm soát khiến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản là chưa làm chủ được ngư trường.

Biển sẽ cạn kiệt

Chuyến đi biển dài ngày của tàu Vân Đồn 90964 của thuyền trưởng Bùi Văn Như (thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh) có ngày đầu tiên thả lưới cách đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) chừng 20 hải lý. Tàu của ông Như đánh bắt đa phần được cá, mực nhỏ. Ngay lập tức, ngư dân trên tàu thay tấm lưới khác có kích thước mắt lưới lớn hơn, điều này giúp cá, mực nhỏ dễ dàng thoát ra khỏi lưới và chỉ thu lại những loại cá, mực có kích thước lớn.

Đánh bắt kiểu tận diệt khiến nguy cơ biển cạn kiệt. Ảnh: KC.

Theo ông Như, nếu không thay lưới, các loại cá, mực nhỏ sẽ bị đánh bắt hết. Biển sẽ cạn kiệt. “Kiểu đánh bắt mạnh ai nấy làm hiện nay vẫn được duy trì ở nhiều tàu, thuyền đánh cá, kể cả đánh bắt xa bờ. Cứ thế này, sẽ rất nhanh chóng làm biển hết cá”, ông Như nói.

Ngoài ra, không chỉ số lượng tàu, thuyền qua lại ngày một đông đúc, rác thải, dầu máy khiến môi trường biển xuống cấp trầm trọng, sinh vật khó có thể sinh sống trong vùng biển bẩn như thế. Ông Như kể, cách đây mấy năm thôi, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những loài sinh vật biển to lớn như cá heo, thậm chí là cá voi vẫy vùng, tung tăng trên mặt biển. Thế nhưng, đến giờ để đánh bắt được cá thu, hay cá ngừ có trọng lượng trên 20kg cũng là một sự may mắn bất ngờ.

Trên khoang lái, một thiết bị radar dùng để dò cá hiển thị nhiều chấm vàng, tỷ lệ xuất hiện của chấm vàng tương ứng với số lượng cá. Tuy nhiên, không thể nào biết trước sinh vật hiển thị trên radar là gì, kích thước ra sao.

Nếu như hôm nay, ở vị trí này khi đánh lưới sẽ bắt được nhiều cá thu, nhưng ngày mai ở nguyên vị trí này chưa chắc lặp lại. Không có kinh nghiệm nào chính xác cho chu kỳ hoạt động của thủy sản, càng khó xác định vùng thủy sản chuyên biệt.

Có thể thấy, ngư dân không chỉ dựa vào sự lão luyện, kinh nghiệm hay dũng cảm của người đi trước, mà đánh bắt hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào nguồn lợi thủy sản trên biển. Nếu biển cạn kiệt nguồn cá, thì ngư dân chỉ còn cách trông chờ vào may mắn để tránh được lỗ vốn trong mỗi lần đi biển.

Chế tài xử phạt chưa nghiêm

Trở lại chuyến đi biển đánh bắt của tàu Vân Đồn 90964, ông Như tính toán: Một chuyến đi biển của ngư dân không đơn giản, tiền dầu mỗi chuyến đi dài ngày (khoảng 20 - 25 ngày) có khi lên đến 200 triệu đồng, đó là chưa tính đến tiền ăn, nhân công, lưới… Nếu không tận thu các sản phẩm từ biển thì cầm chắc chuyến đi lỗ vốn.

“Một vòng luẩn quẩn hình thành, từ đánh bắt tận diệt, tránh lỗ vốn, đến cạn kiệt nguồn lợi, lại tiếp tục tận thu, rồi lỗ vốn, và cuối cùng là không còn cả người lao động trên biển nữa”, ông Như phân tích.

Ngư dân chưa có ý thức trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: KC.

Theo ông Như, chúng ta chưa có bất cứ biện pháp cụ thể nào quy định độ lớn nhỏ của mắt lưới đánh bắt. Hơn nữa việc xử phạt ở địa phương còn chưa nghiêm, vẫn có tâm lý thương dân nên dẫn đến tình trạng “nhờn” pháp luật. Đây chính là những tồn tại dẫn tới nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm và lãng phí tài nguyên.

Đồng thời, cũng chưa hề có bất cứ chỉ dẫn quy chuẩn nào cho ngư dân về những loài cá. Trên tàu ông Như, chúng tôi nghe ngư dân nói cá Bom, hỏi mất 2 ngày mọi người mới nhớ tên của loại cá theo ngôn ngữ phổ thông là cá ngừ đại dương. Nhưng, thời điểm đó, những con cá ngừ đại dương “to” đúng bằng chai nước lọc 1,5l được ngư dân xuýt xoa là may mắn bắt được chỉ có giá 35 nghìn đồng. Nhìn sang bên cạnh, hàng trăm tàu, thuyền bắt tận diệt bằng giã cào thì thử hỏi, sinh vật nào có thể lớn được?

“Các loài mực, cá nhỏ là thức ăn của các loài lớn hơn theo chuỗi thức ăn. Việc đánh bắt tận diệt là nguyên chính dẫn đến đảo lộn chuỗi thức ăn, khiến chu trình phát triển của sinh vật biển thay đổi. Để các loài cá lớn lên đúng mùa, đúng kích thước đánh bắt cần quy định hướng dẫn ngư dân và xử phạt nặng khi vi phạm, như vậy mới bảo vệ nguồn lợi thủy sản không bị cạn kiệt va khai thác bền vững. Có nên chăng, chúng ta cần cấm biển trong thời kỳ cá sinh sản, từ tháng 6 – 8 hằng năm”, ông Như đề xuất.

Luật Thủy sản 2017 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019 được kỳ vọng sẽ là giải pháp quan trọng trong xác định rõ vấn đề bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài cũng như trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và người dân để ai cũng thấy được trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Để điều tra được hết nguồn lợi thủy sản tổng thể, biến động các loài, theo một số ngư dân đi biển nhiều kinh nghiệm, cần tập trung điều tra nguồn lợi thủy sản ở độ sâu dưới 200m để làm cơ sở quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản theo tiếp cận phù hợp với khả năng cho phép. Cần phải ban hành quy định vùng, khu vực cấm khai thác và phải thực hiện cấm tuyệt đối bởi những khu vực tập trung sinh sản, hoặc khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống.

Phát hiện, tạm giữ 4 tàu khai thác thủy sản trái phép

Cuối tháng 10/2019, tại khu vực Hòn Pháo, Vịnh Hạ Long, Đội tuần tra kiểm soát của Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) trong khi làm nhiệm vụ đã phát hiện và tạm giữ 2 tàu cá sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Các tàu vi phạm gồm: Tàu cá biển kiểm soát QN - 1176TS, công suất 47CV do ông Đỗ Văn Quyết, sinh năm 1975 điều khiển và tàu cá QN - 1179TS do Đỗ Văn Dũng, sinh năm 1979 điều khiển. Cả hai người điều khiển phương tiện đều trú tại phường Tân An, TX Quảng Yên.

Cùng ngày, tại khu vực phía nam Cửa Sậu, huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh, đội tuần tra của đơn vị cũng đã phát hiện, tạm giữ 2 tàu cá NĐ - 95969TS và NĐ - 95958TS sử dụng cặp chã đôi khai thác thủy sản sai vùng ghi trong giấy phép khai thác thủy sản.

ANH THẮNG - KIÊN CƯỜNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/giu-nguon-loi-bien-post252441.html