Giữ nghiêm kỷ luật ở Sư đoàn 330

Trước yêu cầu thực tiễn, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đã tập trung lãnh đạo, tăng cường các giải pháp, biện pháp quản lý, giáo dục bộ đội, kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị với địa phương và gia đình trong quản lý, rèn luyện, xây dựng ý thức tự giác chấp hành kỷ luật cho bộ đội.

Cùng với đó, đơn vị tập trung lãnh đạo khắc phục những khâu yếu, mặt yếu, nhất là tình hình vi phạm kỷ luật và bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Thiếu tá Trần Đăng Thi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 330) cho biết: "Trước khi tiếp nhận chiến sĩ mới, chúng tôi xây dựng kế hoạch gặp gỡ gia đình, liên hệ địa phương để nắm hoàn cảnh, mối quan hệ xã hội của từng chiến sĩ mới. Cách làm đó giúp công tác quản lý, giáo dục quân nhân ở đơn vị hiệu quả hơn".

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 307, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, trao đổi về công tác thi đua của đơn vị với chiến sĩ mới. Ảnh: QUANG ĐỨC.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 307, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, trao đổi về công tác thi đua của đơn vị với chiến sĩ mới. Ảnh: QUANG ĐỨC.

Nhờ nắm rõ hoàn cảnh từng chiến sĩ, các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 330 đã sáng tạo, xây dựng thành công nhiều mô hình hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý kỷ luật. Cụ thể, 5 năm qua, thông qua Chương trình “Đêm nghĩa tình đồng đội”, các đơn vị quyên góp được hơn 2,6 tỷ đồng hỗ trợ 563 gia đình chiến sĩ có sổ hộ nghèo và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Cuộc vận động “Người con hiếu thảo, nghĩa tình đồng đội” thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên tham gia tiết kiệm lương, phụ cấp gần 26 tỷ đồng gửi về gia đình; gần 1 tỷ đồng tiết kiệm từ “Ngôi nhà 100 đồng” đã giúp xây 14 ngôi nhà tặng cán bộ, đoàn viên (70 triệu đồng/nhà)...

Đại tá Nguyễn Văn Hận, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 330, khẳng định: “Những mô hình và việc làm của đơn vị có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhận sự đồng thuận cao của địa phương, gia đình quân nhân; giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Nếu như năm 2015, đơn vị xảy ra 4 vụ mất ATGT thì năm 2019 chỉ còn một vụ. Thiếu tá Phạm Trung Quan, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 20, Sư đoàn 330) giải thích: "Các cơ quan, đơn vị khắc phục bằng cách triển khai cho cán bộ, chiến sĩ viết bản cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp ATGT khi được giải quyết phép, tranh thủ; tổ chức xe đưa, đón cán bộ, chiến sĩ trong dịp nghỉ lễ, tết khi quân số đi tranh thủ nhiều. Sư đoàn cũng là đơn vị tiên phong trong Quân khu 9 triển khai thực hiện đội mũ bảo hiểm đúng, đủ yêu cầu quy định khi tham gia giao thông".

Kỷ luật trong quân đội là sự tuân thủ "bất di bất dịch", nhưng không mâu thuẫn với thực thi, phát huy dân chủ rộng rãi. Trung tá Phạm Minh Tuấn, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 20, khẳng định: "Trong lãnh đạo chấp hành kỷ luật, chúng tôi lấy giáo dục thuyết phục là chính, làm cho cán bộ, chiến sĩ luôn có ý thức phản ứng ngay với những việc làm sai trái. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cá biệt; khen thưởng và xử phạt đúng, vừa động viên, khích lệ, vừa có sức răn đe, cảnh báo, giáo dục".

Với mục tiêu giữ nghiêm kỷ luật, thời gian tới, nhất là trong nhiệm kỳ 2020-2025, Sư đoàn 330 đặt ra chỉ tiêu phấn đấu không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vi phạm pháp luật Nhà nước, tai nạn giao thông do lỗi chủ quan gây ra; vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,3%. "Để thực hiện mục tiêu đó, trên cơ sở những mô hình hiệu quả, đơn vị chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; không ngừng xây dựng ý thức, trách nhiệm, đề cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ các cấp; đồng thời quản lý tốt các mối quan hệ của quân nhân. Mặt khác, từng cá nhân phải không ngừng phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới"-Đại tá Huỳnh Văn Ngon, Chính ủy Sư đoàn 330 chia sẻ.

TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giu-nghiem-ky-luat-o-su-doan-330-630303