Giữ nghề gia truyền

Những năm gần đây, nghề thợ rèn tuy không còn thịnh hành như trước nhưng, một số ít người thợ vẫn tâm huyết, gắn bó với nghề như cái 'duyên', cái 'nghiệp'. Trong đó có anh Phạm Văn Nghiệp, 42 tuổi, ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Nghề rèn là 'cần câu', là nguồn thu nhập chính, giúp anh trang trải các khoản chi phí sinh hoạt trong nhà, nuôi con ăn học đàng hoàng.

Lò rèn của anh Nghiệp vẫn đỏ lửa.

Lò rèn của anh Nghiệp vẫn đỏ lửa.

Lò rèn của anh Nghiệp, ở xã Nhơn Nghĩa, luôn đỏ lửa từ sáng sớm đến xế chiều. Ðược truyền bí quyết tôi luyện sắt, thép từ các đời trước, những công cụ sản xuất nông nghiệp, như cuốc, cào, dao, rựa, lưỡi hái,… do bàn tay anh tạo ra một thời nức tiếng tại địa phương. Ông Trần Văn Nghị, ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, cho biết: “Tôi là khách quen của lò rèn anh Nghiệp nhiều năm nay. Các sản phẩm do anh làm ra khá đẹp, chất lượng thì khỏi chê. Từ nhà tôi đến lò rèn anh tầm 5 cây số, nhưng tôi vẫn thường tìm đến ủng hộ anh…”.

“Tôi tiếp nối nghề của gia đình. Nhiều năm trước, bước vào mỗi vụ gặt, tôi sản xuất, bán được hơn 1.000 lưỡi hái và nhiều dao, búa... thu nhập khá ổn định. Hiện nay, nghề này không còn thịnh hành như trước nữa. Nông dân phần lớn dùng thuốc diệt cỏ hoặc sử dụng các máy móc hiện đại thay thế công cụ truyền thống nên các sản phẩm do thợ rèn làm ra bán chậm, thậm chí là ế ẩm. Từ đó, một số thợ nản chí, chuyển sang nghề khác. Song, là người yêu nghề, gắn bó với nghề, tôi luôn đặt uy tín lên hàng đầu nên vẫn kiếm sống được từ việc trui rèn cuốc, tra cán rựa hoặc mài sắc lưỡi dao” - anh Nghiệp tâm sự.

Anh Nghiệp rất vui vì có thể sống được với nghề. Theo anh, nghề rèn đòi hỏi người thợ phải dẻo dai, nhẫn nại, chịu nóng và nắm vững kỹ thuật tôi sắt thép. Nhờ sự chịu khó, yêu nghề và hay mày mò học hỏi nên các lưỡi dao, cuốc, rựa, xà beng… do anh chế tác ra đều sắc bén, bền chắc. “Tùy theo sắt, thép mà kỹ thuật tôi luyện khác nhau. Ðể rèn được các dụng cụ cuốc, rựa, dao, lưỡi hái… sắc bén và bền chắc, ngoài việc chăm chút từng công đoạn, thì kỹ thuật tôi luyện sắt thép của người thợ rèn phải điêu luyện, quyết định đến chất lượng sản phẩm. Bí quyết của nghề rèn là kỹ năng tác hợp giữa lửa và nước…” - anh Nghiệp chia sẻ.

Giữa trưa oi ả, những giọt mồ hôi của anh Nghiệp lăn dài trên trên gương mặt hòa quyện cùng bụi than. Anh kể: “Sau khi các sản phẩm làm ra, tôi bỏ mối cho nhiều tiểu thương hoặc bán trực tiếp cho người sử dụng. Tôi thường lấy công làm lời. Trừ đi các chi phí, mỗi ngày, tôi kiếm được tròm trèm khoảng 500.000 đồng, phụ giúp gia đình, lo chuyện học hành cho con cái. Tôi sẽ tiếp tục duy trì nghề rèn cho tới khi không còn sức. Trong những tháng ế hàng, chỉ cần rèn một lưỡi dao, cuốc, rựa... tôi vẫn hồ hởi nhóm lò”.

Bà Nguyễn Thị Hai, ở xã Nhơn Nghĩa, cho biết: “Ngày nay, trên thị trường có nhiều loại dao, búa, với giá mềm, đặc biệt, người bán dạo tìm đến tận nhà bán sản phẩm. Tuy nhiên, tôi và nhiều bà con trong xóm vẫn ủng hộ anh Nghiệp, bởi sản phẩm anh làm ra luôn đạt chất lượng, giá cả phù hợp. Hơn nữa, chúng cũng muốn anh giữ gìn và phát huy nghề truyền thống gia đình, nâng cao tay nghề...”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/giu-nghe-gia-truyen-a123076.html