Giữ nét đẹp đồ chơi trung thu

Hoa quả, con giống bằng bột là thứ đồ chơi không thể thiếu của trẻ em Hà Nội xưa. Nghề làm hoa quả bột, con giống bột của Hà Nội có giai đoạn đã biến mất hoàn toàn bởi chiến tranh. Thế nhưng, bà Phạm Thị Nguyệt Ánh đã cùng gia đình mày mò, khôi phục, để rồi hôm nay, người ta được biết đến cái tinh tế của món đồ chơi này qua những mâm ngũ quả, những con giống bột, những bông hoa... xinh xắn chỉ bằng đầu ngón tay.

Nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh chia sẻ kinh nghiệm nặn con giống bột, hoa quả bột.

Nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh chia sẻ kinh nghiệm nặn con giống bột, hoa quả bột.

Hoa quả, con giống bằng bột là thứ đồ chơi không thể thiếu của trẻ em Hà Nội xưa. Nghề làm hoa quả bột, con giống bột của Hà Nội có giai đoạn đã biến mất hoàn toàn bởi chiến tranh. Thế nhưng, bà Phạm Thị Nguyệt Ánh đã cùng gia đình mày mò, khôi phục, để rồi hôm nay, người ta được biết đến cái tinh tế của món đồ chơi này qua những mâm ngũ quả, những con giống bột, những bông hoa... xinh xắn chỉ bằng đầu ngón tay.

Bà Phạm Thị Nguyệt Ánh vê một mẩu bột nhỏ trong tay rồi bắt đầu công việc. Với mấy chiếc kẹp nhỏ bằng sắt, bà vừa nặn, vừa nhấn nhá những đường nét. Chỉ vài phút, một quả hồng “siêu nhỏ” hiện ra. Chỉ bé bằng đầu ngón tay út trẻ con, nhưng quả hồng có cả đường gân, cả lá và cái núm mầu nâu đen. Đặt quả hồng tí hon xuống, bà lại bắt đầu nặn một thứ quả khác. Chấm phá mấy nét như một trò chơi. Chỉ một chốc, một chùm quả bé xinh hiện ra. Đó là chùm dâu tây. Bà tủm tỉm bảo: “Trong các kiểu nặn con giống bột, người ta có thể thích các kích cỡ khác nhau, còn tôi thích nhất nặn loại nhỏ này”. Với những nghề khác, càng to thì càng “kỷ lục”. Nặn con giống bột ngược lại, càng bé càng cần kỹ thuật cao, cần sự tỉ mỉ. Hơn 70 tuổi, đôi mắt của bà Ánh đã kém đi rất nhiều. Nhưng đôi bàn tay bà Ánh như “có mắt”. Bà vừa làm vừa nói chuyện mà những chi tiết nhỏ như vài đầu tăm vẫn đạt độ chính xác tuyệt đối.

Những món đồ chơi hoa quả bột, con giống bột bây giờ xa lạ với phần đông người Hà Nội. Nhưng xưa kia, đó là món đồ chơi không thể thiếu với trẻ em. Đó là những con mèo, con chó, con gà... hay những hoa quả, đồ dùng gia đình... Người Hà Nội dùng bột nếp rang chín, pha thêm bột năng, nước đường rồi trộn mầu để nặn. Bà Phạm Thị Nguyệt Ánh vốn là con gái phố Đồng Xuân. Gia đình bà chuyên kinh doanh hoa quả, con giống bột. Thợ thủ công từ các con phố lân cận thường “đổ buôn” cho gia đình bà Ánh. Bà Ánh mê mẩn con giống bột từ độ ấy. Nhưng bà nhớ, khoảng năm 1965, khi bom Mỹ đánh phá miền bắc, Hà Nội đã bắt đầu hiếm dần người làm hoa quả, con giống bột. “Lúc chiến tranh, người thì mất, người đi tản cư, chẳng ai làm con giống bột. Gia đình tôi không buôn bán nữa. Nhưng đến khoảng năm 1973, lại có người tìm hỏi về con giống bột. Bố tôi khéo tay lắm. Trước đấy ông cụ không nặn, nhưng bấy giờ chẳng còn ai làm, thế là bố tôi mày mò tìm cách khôi phục. Lớn lên, tôi cũng đi làm công nhân, vì nghề con giống bột không tiêu thụ được nhiều, chỉ có thời vụ. Nhưng ông cụ chính là “cầu nối” cho tôi theo nghề sau này”.

Năm 1985 đánh dấu thời điểm bà Ánh kế nghiệp gia đình. Nhưng lúc ấy không chỉ làm đồ chơi. Những năm bao cấp thiếu thốn, người có tâm đi lễ đền, chùa, miếu, phủ đến mua đồ lễ cũng khó khăn. Người ta tìm đến bà Ánh để đặt hàng làm hoa quả bằng bột. Nghệ nhân Nguyệt Ánh làm những mâm ngũ quả to bằng kích thước thật. Nào chuối, nào bưởi, nào cam, nào hồng xiêm, đu đủ... Từ phối mầu, đến đường nét, tất cả đều tỉ mỉ, tinh tế đến nỗi ngay cả khi đứng gần, người ta vẫn nghĩ đó là hoa quả thật. Bà Ánh tự nhận không có năng khiếu. Thế nên, từ chỗ không biết gì, đến chỗ thành khéo léo đến kỳ tài là bao nhiêu công sức. Hỏi về quá trình học hỏi, bà chỉ cười: Cứ mê thì làm. Hỏng thì làm lại. Bà Ánh cũng nặn một số con giống trung thu như: Cá vàng, thiềm thừ trông trăng... Tinh tế nhất vẫn là các loại hoa quả. Thông thường bà nặn các loại quả cỡ bằng đầu ngón tay. Đấy là cỡ nhiều khách ưa. Những loại quả cỡ nhỏ, thì dành cho những người có sở thích đặc biệt, hay những cô bé, cậu bé cá tính.

Thế mà, đến giờ cũng non nửa thế kỷ bà Ánh gắn bó với bột, với mầu. Bà cứ tận tụy với công việc, mà không biết rằng, suốt những năm qua, bà là người cuối cùng gìn giữ nghề truyền thống con giống bột Hà Nội. Bà cố giữ nghề, vì hoài niệm, cũng vì để cho con cháu thấy được ngày xưa bố mẹ, ông bà chúng đã có những trò chơi thế nào. Theo các nhà nghiên cứu, con giống bột Hà Nội xưa có hai dòng chính: Một của người Hà Nội, một của người Trung Quốc đem sang. Trong đó, dòng sản phẩm của người Hà Nội được gọi là con giống bột Đồng Xuân có một phần đóng góp của chính gia đình bà Nguyệt Ánh. Nhưng con cái bà Ánh thì ngại học cái nghề tỉ mỉ mà chỉ kiếm cơm theo mùa vụ này. Hoa quả cúng thì không ai đặt nữa, vì hoa quả thật giờ đã đầy thị trường. Có lúc, bà vẫn nghĩ rồi mình sẽ đem theo nghệ thuật nặn sang thế giới bên kia thì lúc ấy, nhà nghiên cứu Trịnh Bách xuất hiện, cùng với một nghệ nhân trẻ - nghệ nhân Đặng Văn Hậu ở làng “bánh chim cò” Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên). Bà Nguyệt Ánh mừng lắm. Bao nhiêu kinh nghiệm còn lại bà trao truyền bằng hết. Khi bà truyền cho những kỹ năng, hướng dẫn sử dụng các dụng cụ, Hậu nắm bắt rất nhanh. Và đấy chính là nghệ nhân trẻ duy nhất kế thừa được truyền thống nặn con giống bột Hà thành bây giờ.

“Nhà tôi rời khu vực Đồng Xuân, chuyển về Trung Hòa (quận Thanh Xuân) từ năm 1999, thế mà vẫn có người đem con cháu tìm đến chỗ ở mới, hỏi mua, rồi bảo cho con cháu họ nặn thử...” - bà Ánh xúc động chia sẻ. Qua những thăng trầm, dần dần, ngày càng nhiều người mê con giống, hoa quả bột. Với bà Ánh, bây giờ, niềm vui được nhân lên, khi bà không còn là người cuối cùng giữ nghề này nữa...

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-nhung-tinh-yeu-hn/giu-net-dep-do-choi-trung-thu--617932/