Giữ nếp nhà ở xứ người

Bên nhà chồng của chị Ba tôi 30 năm trước chỉ là một gia đình giản đơn hai thế hệ khoảng chục người. Vậy mà nay nó đã 'nở nồi' với hơn 50 người sống quây quần, đùm bọc nhau nơi xứ người. Không chỉ đơn thuần là người Việt với nhau mà những cháu dâu, cháu rể Tây có, ta có sống hòa hợp nhau trong cái đại gia đình đó.

Từ mái nhà

Khi có điều kiện hai bác đã tìm mua một miếng đất rộng để xây nhà. Với suy nghĩ “ăn nhiều ở bao nhiêu”, nên thiết kế ngay từ đầu diện tích dành cho các phòng ngủ “chỉ đủ để mà ngủ” nhưng phòng khách, phòng ăn lại khá “hoành tráng” cùng một mảnh vườn rộng trồng cỏ và rau cải.

Ban ngày người đi học, kẻ đi làm, tối thì tụ tập ở phòng khách thông liền với bếp, những câu chuyện vui buồn nơi xứ người được đem ra kể trong lúc chờ cơm chiều. Chính nhờ những phút giây quây quần bên nhau như vậy, những tháng ngày lạ lẫm, vất vả nơi xứ người mới qua đi một cách nhẹ nhàng.

Năm tháng dần trôi, các con lấy chồng, lấy vợ ra riêng. Với mong muốn sống gần nhau như trước, các gia đình trẻ này quyết định mua nhà ở khu vực gần ba má mình nhất có thể. Họ hay đùa rằng từ “nhà cái” này quẹo trái hay quẹo phải gì thì cũng “đụng” cả chục nóc nhà của con cháu bà Bảy.

Cái sân vườn ngày trước chỉ trồng ít rau thơm để ăn, còn lại là cỏ, cuối tuần cả nhà dành một buổi sáng cùng làm vườn, cắt cỏ, trò chuyện, ăn sáng rồi tản ra ai làm việc đó. Dần dà, nhà thêm dâu, thêm rể, rồi thêm cháu, sân cỏ thu hẹp lại, “nới” thêm cái sunroom chạy dọc theo ngôi nhà, đặt một cái bàn dài, ghế cũng là ghế dài suốt để có đủ chỗ cho mọi người cùng ngồi ăn với nhau. Tới mùa lạnh cửa nẻo đóng hết nhưng ngồi ở đó có thể vừa ăn, vừa trò chuyện, vừa nhìn trăng, ngắm sao.

Đến nếp nhà

Tôi có thể khẳng định ngay đó là một gia đình tứ đại đồng đường đúng nghĩa - bởi ông bà nay đã có chắt. Vẫn là ngôi nhà ấy, tập tục ấy, dâu-rể là người Việt, nhưng “cháu nội cháu ngoại lớn lên ở xứ người đâu thể chỉ mãi là người Việt được” nên ông bà rất vui vẻ nhận thêm người nhà khác màu da, khác văn hóa.

Cũng là người Úc nhưng lại là người gốc Ý, gốc Ấn... nhưng dù xứ nào, đều được Việt hóa theo cái nếp nhà mà ông bà đã gìn giữ. Cứ sinh nhật, lễ, tết mọi người đều tụ họp đầy đủ về ngôi “nhà cái” này, tiếng cười, tiếng nói ồn ào xen lẫn nhau.

Ta có thể bắt gặp một anh chàng đang nói chuyện với chị em của mình bằng tiếng Việt, thoắt cái quay sang đứa con trai xổ một tràng tiếng Anh; đàng kia cô cháu dâu gốc Ý đang soạn một lá thư gửi cô giáo xin nghỉ học trước một ngày hè cho con của chú chồng; góc bếp nọ cánh phụ nữ cùng nhau làm kim chi, khuấy bột làm bánh giò…

Mà hai bác cũng không phải là người giữ nếp nhà theo kiểu cực đoan, các buổi tụ họp ấy ai rảnh giờ nào tới giờ đó, thức ăn đủ loại từ mì Ý, pizza, hamburger, há cảo, cà ri đến các món Việt (mì quảng, bún bò, bánh bột lọc, lẩu mắm, canh chua cá kho tộ…) để mọi người đều ăn được. Đó cũng là một trong những “bí quyết giữ lửa” của ông bà.

Nhà của mỗi người con đều có một mảnh vườn nho nhỏ để trồng rau. Nào là rau muống, rau lang, lá lốt, lá mơ, rau má, rau đắng, rau thơm; chanh, ớt, bông súng, cây cà ri, bông điên điển (tôi cũng rất bất ngờ khi gặp cây này ở đây, hoa thì to và dầy hơn ở xứ mình). Khi nấu món gì, “bà Bảy” chỉ cần alô, rau cỏ từ các gia đình “con con” ấy chở đến ỳ ỳ, dư làm một bữa cơm mà chẳng tốn đồng nào, lại đầy đủ hương vị quê nhà.

Mùa đông năm trước tôi qua đó lần nữa, lại được ngồi nói chuyện phiếm, nhấm nháp miếng bò Úc nướng thơm ngậy, giữa cái rét mướt nhưng tôi thấy thật ấm cúng giữa một đại gia đình có Tây, có ta.

Thời gian qua, Covid cũng gây ít nhiều khó khăn cho việc tụ họp. Buồn vì nhớ con cháu nhưng lại lo cho tụi nó thiếu thiếu bửa cơm Việt, vì vậy cứ 2-3 tuần “bà Bảy” lại nấu một món, chia sẵn từng phần rồi alô cho đám con tới lấy. Chị tôi bảo, thương lắm, vừa đến là thấy bà đứng sẵn ở sân với lủ khủ nào bún, nào nước lèo, nào rau, nào nước chấm... vội vội vàng vàng “quăng” hết lên xe, rồi hối về. Hoặc có tin nhắn “Hôm nay chuối hạ giá lại ngon nữa, má mua chia cho tụi con, để trước cửa đó, nhớ lấy vô”; “Sáng đi chợ thấy tôm tươi ngon quá, bé Loan làm bánh bột lọc, nói Tâm ghé lấy. Có phần của dì Tuyền nữa đó” (Tuyền là tên em gái thứ sáu của tôi, nhà nó bốn người, cũng được “nhập khẩu” vào “nhà cái” đó). Giữ lửa đến vậy thì làm sao mà nó tắt được phải không?

Giờ chị Ba tôi - cũng như các anh chị em đồng lứa trong đại gia đình ấy - đều đã lên chức ông bà, cũng bắt đầu gầy dựng “cái bếp lửa Việt” cho mình, giống như ông bà, cha mẹ đã làm mấy chục năm qua.

Bài: Thanh Lan - Ảnh: TL gia đình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/giu-nep-nha-o-xu-nguoi-27581.html