Giữ mãi lời thề…

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sư đoàn 315, Quân khu 5 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, một câu chuyện do bác sĩ Võ Thành Trung kể lại đã khiến ai nấy xúc động. Đó là chuyện về đôi chân của liệt sĩ Nguyễn Quả.

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sư đoàn 315, Quân khu 5 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, một câu chuyện do bác sĩ Võ Thành Trung kể lại đã khiến ai nấy xúc động. Đó là chuyện về đôi chân của liệt sĩ Nguyễn Quả.

Ngôi nhà của gia đình liệt sĩ Nguyễn Quả sau khi sửa chữa, xây mới.

Ngôi nhà của gia đình liệt sĩ Nguyễn Quả sau khi sửa chữa, xây mới.

Sinh năm 1962, nhưng lại khai 1961 để đủ 18 tuổi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên 1979, chàng trai Nguyễn Quả, quê xã Bình Trị (H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) được biên chế vào Sư đoàn 315. Trong trí nhớ của Đại tá Nguyễn Đình Phúc, lúc này là cán bộ Đại đội trinh sát 21 thì ở chiến trường K, Quả là một chàng trai được cả đơn vị quý mến, anh luôn lo lắng, yêu thương đồng đội hơn cả bản thân mình. Đi trinh sát luôn giành đi đầu để có thể gánh phần thương vong nếu gặp phải mìn địch cài cắm. Năm 1980, cùng với Nguyễn Văn Hiền, Quả được cử về nước để học trường Sĩ quan Lục quân 2. Về thăm quê mấy ngày, tình yêu cũng đã chớm nở ngọt ngào với một cô gái trong làng. Gác lại niềm riêng, anh xách ba lô vào Đồng Nai nhập học. Đến nơi mới phát hiện có sự nhầm lẫn về thời gian, khóa đào tạo phải 4 tháng sau mới bắt đầu. Vẫn có thể xin đơn vị ở lại làm nhiệm vụ khác trong nước cho đến khi đi học, gần gia đình và bạn gái, nhưng Quả nằng nặc xin qua chiến trường với lý do “không thể xa anh em”. Lúc này đơn vị đang làm nhiệm vụ truy quét Pol Pot ở bản Khẽm trong chiến dịch khu C. Ngày 4-12-1981, Nguyễn Quả đi trinh sát và trúng mìn K58 địch cài lại, anh bị dập nát chân, buộc quân y Trung đoàn 142 phải cưa bỏ và tập trung cứu tính mạng. Đêm đó cả đơn vị dồn sức truyền máu cho anh, cả máu tươi lẫn máu khô dự trữ nhưng rồi người lính trinh sát đã ra đi mãi mãi. Không thể đưa hài cốt liệt sĩ hồi hương mà chân để lại, bác sĩ Trung đã bảo quân y ra nghĩa trang sư đoàn đào chân lên, dùng thuốc rửa sạch sẽ, lắp vào thi thể Quả và chuyển về nghĩa trang biên giới Đức Cơ (Gia Lai).

Sau cuộc chiến, những người bạn cùng sư đoàn vẫn thường xuyên đến nhà thắp hương cho đồng đội mình. Họ luôn day dứt khi căn nhà của ba mẹ anh Quả xuống cấp trầm trọng. Người cha nguyên là bộ đội, đau yếu, hưởng chế độ bệnh binh, mẹ cũng đã già; em trai bị câm, hoàn cảnh khó khăn suốt bao năm nay. Trong ngày hội ngộ tháng 3-2019 ở Đà Nẵng, họ trao đổi nguyện vọng với Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn. Vậy là Ban cấp tốc đi vận động các nguồn tài trợ để có số tiền 70 triệu đồng làm nhà cho liệt sĩ Quả (Đây cũng là ngôi nhà thứ 10 các CCB Sư đoàn làm được cho đồng đội suốt hai năm nay). May mắn là, sau khi đề đạt ý tưởng, phía xã Bình Trị cũng đã hỗ trợ thêm 40 triệu đồng để vừa sửa chữa toàn bộ nhà chính đồng thời xây mới thêm một căn nhỏ bên cạnh cho gia đình.

Sau 3 tháng khởi công, đến ngày 19-7, ngôi nhà hoàn tất khang trang. Ngày khánh thành ngoài địa phương, gia đình, còn có đông bạn bè trinh sát đến chúc mừng. Vui nhất là Đại tá Nguyễn Đình Phúc của Ban liên lạc từ Đà Nẵng vào. Ít ai biết rằng, trước đó, khi dành 2 ngày đi Quảng Ngãi khảo sát nhà liệt sĩ Quả, thì vợ ông ở nhà một mình đã bị tăng huyết áp đột ngột dẫn đến tai biến liệt người. Hơn hai tháng trời tập trung chạy chữa từ bệnh viện đến trung tâm phục hồi với rất nhiều chi phí thì đến nay người vợ đã tạm ổn để ông có thể yên tâm vào với đồng đội. Tất cả những nghĩa cử đó, để thấy rằng, Lời thề thứ 7: “Hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận” vẫn theo mãi những cựu chiến binh Sư đoàn 315 anh hùng.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_209809_giu-mai-loi-the-.aspx