Giữ mạch chảy tín dụng chính sách sau sáp nhập hành chính
Dù tên gọi đơn vị hành chính có thay đổi, song dòng vốn chính sách vẫn được đảm bảo vận hành thông suốt. Đó là minh chứng rõ nét cho tinh thần 'vì dân phục vụ' và năng lực điều hành hiệu quả của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chủ động thích ứng, giữ dòng vốn không gián đoạn
Trong bối cảnh các địa phương khu vực miền Trung đang nỗ lực, khẩn trương thực hiện lại việc sắp xếp lại đơn vị hành chính và mô hình chính quyền hai cấp, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ở khu vực cũng kịp thời điều chỉnh, thích ứng để đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách không bị gián đoạn. Những phiên giao dịch sau sáp nhập tiếp tục được tổ chức đúng lịch, đúng nơi, cho thấy quyết tâm của ngân hàng trong việc giữ vững dòng vốn đến với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Trên địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũ, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính có 4 xã mới gồm: Thu Bồn, Duy Xuyên, Nam Phước và Duy Nghĩa. Theo báo cáo từ Phòng giao dịch NHCSXH Duy Xuyên, trên địa bàn hiện có 240 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động, với hơn 10.300 hộ vay. Chất lượng tín dụng được duy trì ổn định, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,06% tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Bá Tùng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Duy Xuyên cho biết, ngay từ khi có chủ trương sáp nhập, đơn vị đã chủ động rà soát các chương trình cho vay, chuẩn hóa lại dữ liệu và xây dựng phương án vận hành phù hợp với địa bàn mới. Các phiên giao dịch đầu tiên sau sáp nhập được tổ chức suôn sẻ, đúng quy trình, khẳng định tinh thần trách nhiệm và tính chủ động trong việc thích ứng với thay đổi.

Phòng giao dịch NHCSXH Duy Xuyên, TP. Đà Nẵng, tổ chức giao dịch tại xã Nam Phước.
Đáng chú ý, đơn vị đã tiến hành ký kết lại hợp đồng ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội tại các xã sau sáp nhập, nhằm chuẩn hóa nội dung hợp tác, nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Thời gian tới, NHCSXH Duy Xuyên sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, quản lý và sử dụng vốn, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Kiên định bám cơ sở, tận tâm phục vụ
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi nơi vừa chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp với 96 xã, phường và đặc khu kể từ ngày 1/7, hoạt động của NHCSXH vẫn được duy trì ổn định.
Ngay sau khi hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính, các phòng giao dịch NHCSXH trên địa bàn đã triển khai đồng loạt các phiên giao dịch định kỳ. Tại điểm giao dịch Sơn Trung, xã Sơn Thủy, nhiều người dân đã đến thực hiện các thủ tục vay vốn. Bà Đinh Thị Hồng, trú tại địa phương chia sẻ, tôi vừa được NHCSXH giải ngân 50 triệu đồng để trồng keo và chăn nuôi heo. Việc ngân hàng vẫn giữ nguyên điểm giao dịch cũ rất thuận tiện, giúp tôi và bà con không phải đi xa.
Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH Quảng Ngãi đã chủ động bám sát cơ sở, tổ chức các phiên giao dịch xã một cách kịp thời. Trước đó, chi nhánh đã yêu cầu các phòng giao dịch và cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các hội đoàn thể để hướng dẫn người dân làm hồ sơ, tổ chức giải ngân, thu nợ, xử lý các thủ tục nghiệp vụ.

Việc duy trì mạng lưới giao dịch cũ, giúp người dân nghèo, đối tượng chính sách, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.
Đồng thời, từng cán bộ tín dụng được phân công cụ thể theo từng thôn, tổ dân phố gắn với điểm giao dịch xã để tăng hiệu quả giám sát, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách diễn ra liên tục, ổn định và gần dân nhất.
Sự chủ động và quyết liệt của hệ thống NHCSXH đã được lãnh đạo địa phương ghi nhận. Ông Đinh Văn Điết, Chủ tịch UBND xã Minh Long, Quảng Ngãi đánh giá cao việc duy trì mạng lưới giao dịch cũ sau sáp nhập, bởi điều này giúp người dân nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa không phải đi lại xa xôi, tiết kiệm chi phí và thời gian. “Việc NHCSXH duy trì điểm giao dịch định kỳ là rất cần thiết, góp phần giữ ổn định an sinh xã hội và tạo niềm tin của người dân vào các chính sách của Đảng, Nhà nước” - ông Điết nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chính quyền các xã, phường mới ở khu vực miền Trung cũng nhanh chóng vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong triển khai tín dụng chính sách. Nhiều địa phương đã chỉ đạo các hội đoàn thể tập trung giải quyết nhanh hồ sơ vay vốn. Địa phương cũng ưu tiên bố trí địa điểm, trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết để NHCSXH tổ chức các phiên giao dịch định kỳ thuận tiện, hiệu quả.
Dù tên gọi đơn vị hành chính có thay đổi, so dòngng vốn chính sách vẫn được đảm bảo vận hành thông suốt. Đó là minh chứng rõ nét cho tinh thần “vì dân phục vụ” và năng lực điều hành hiệu quả của hệ thống NHCSXH. Đây cũng sẽ là nền tảng vững chắc để từng đơn vị hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng chính sách năm 2025, góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ở khu vực miền Trung.