Giữ lửa - Một tinh thần đối thoại nhẹ nhàng, thuyết phục

'Truyền lửa' để làm cầu nối giữa ý Đảng - lòng Dân, là thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng về ý chí, về tình yêu và quyết tâm làm giàu, làm đẹp thêm cho đất nước, bảo vệ vững vàng thành quả cách mạng mà lớp lớp cha anh đã hi sinh xương máu. Đó cũng là 'thông điệp' bao trùm qua Giữ lửa (tập 3) của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh vừa xuất bản (Nxb Văn học, 8/2019).

Lễ khánh thành Bia di tích lịch sử quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại Điềm Mặc, Thái Nguyên ngày 20/4/2005. Nhà báo Hồng Vinh đứng cạnh nhà báo Hoàng Tùng. Ảnh: TL

Lễ khánh thành Bia di tích lịch sử quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại Điềm Mặc, Thái Nguyên ngày 20/4/2005. Nhà báo Hồng Vinh đứng cạnh nhà báo Hoàng Tùng. Ảnh: TL

Một bài báo mang tinh thần đối thoại, ngoài viết hay, viết đúng, trúng vấn đề, còn thể hiện một tâm huyết thiết tha, một sự hiểu biết dày dặn, sâu sắc, gợi mở những ý tưởng, kích thích những suy nghĩ phản biện, gợi ý những hướng đi... Thế nên sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng là “thắp lửa” và “truyền lửa” cho toàn xã hội. “Truyền lửa” để làm cầu nối giữa ý Đảng - lòng Dân, là thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng về ý chí, về tình yêu và quyết tâm làm giàu, làm đẹp thêm cho đất nước, bảo vệ vững vàng thành quả cách mạng mà lớp lớp cha anh đã hi sinh xương máu. Đó cũng là “thông điệp” bao trùm qua Giữ lửa (tập 3) của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh vừa xuất bản (Nxb Văn học, 8/2019).

Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh và cuốn sách "Giữ lửa". Video: Truyền hình Nhân Dân

Một nhà báo giỏi nghề là một người có tư duy đối thoại sắc sảo, biết chọn vấn đề đích đáng, nội dung, tâm thế, lời văn đối thoại có tính thuyết phục cao. Xét trên bình diện ấy, các bài viết trong tập này mang tinh thần đối thoại đậm nét. Khen Hồng Vinh là nhà báo giỏi thì đúng là “khen phò mã tốt áo” vì anh là nhà báo trưởng thành trong thực tế lao động và chiến đấu, (đã hai lần vào Trường Sơn làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường trong những năm chống Mỹ, cứu nước); rồi kinh qua các cương vị: Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, phụ trách trực tiếp mảng báo chí-xuất bản; sau đó là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Qua những bài viết của anh, ta thấy sự hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện qua nhiều thể loại báo chí: chính luận, phóng sự, bút ký…, mà cách chọn lọc đề tài cùng cách thể hiện có nhiều nét mới so với hai tập trước đây.

Các đại biểu khánh thành Bia di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngày 4/4/2019

Cái tên Giữ lửa là một ẩn dụ thật gợi. “Giữ lửa” để “truyền lửa”. Có thể hiểu Đảng ta là người “đốt lửa”, mà những người làm báo, hiểu rộng ra là tất cả những cán bộ, đảng viên chúng ta là những người “giữ lửa” và “truyền lửa”. Qua mỗi bài báo, mỗi con chữ, những cái tốt, cái đẹp được nhân lên, những cái xấu, cái lạc hậu, lỗi thời bị đẩy lùi; động lực cách mạng được bồi đắp; đồng thuận xã hội được tăng cường, tình thương yêu con người được kết nối… - những nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam ta. Đây chính là sự đóng góp tích cực rất đáng khích lệ của cuốn sách.

Tập sách có hai phần, phần I có 57 bài viết (báo chí, ghi chép, tùy bút, phê bình…) của chính tác giả; phần II là những bài phê bình chọn lọc của nhiều tác giả viết về hai tập thơ Thơ và dấu ấn cuộc đời (2018) và Xanh mãi (2019). Hai phần này tưởng có vẻ xa nhau, nhưng đọc kỹ lại, cũng là sự “đối thoại” bổ sung cho nhau, soi sáng lẫn nhau, nâng đỡ nhau trong nhiệm vụ “đối thoại” với bạn đọc, cùng góp sức “truyền lửa” tin yêu con người và cuộc sống.

Đọc “Giữ lửa”, tôi càng hiểu mỗi nhà báo như một cây xanh thì gốc là tri thức, là tâm huyết, là ý thức trách nhiệm, là tình yêu đất nước, con người. Gốc càng vững, cây càng cường tráng khỏe mạnh sẽ cho hoa trái tác phẩm thơm mát, ngọt ngào. Thế nên khi thưởng thức mỗi tác phẩm báo chí, là đã phần nào hiểu được nhân cách tác giả. Con chữ trong bài báo căng mấy ý tưởng sáng tạo hay non lép, gượng gạo, thiếu chất đời, như “bánh đúc bày sàng” thì chẳng giấu ai được. Đọc bài báo hay chẳng khác gì được ăn trái cây ngon, được thêm dinh dưỡng hiểu biết; và điều quan trọng, người đọc tiếp nhận, tự soi mình, lòng thầm nhắc ý thức trách nhiệm với Dân, với Nước. Không phải bài viết nào của Hồng Vinh trong tập sách này cũng đạt được các tiêu chí ấy, nhưng như đánh giá chuẩn xác của nhà báo lão thành Phan QUang, “tôi tin rằng, không ít bài sẽ tồn tại lâu dài, vượt qua khắc nghiệt thời gian” (trang 9-10, “Giữ lửa” tập 3).

57 bài trong tập có thể trùng về đề tài, nhưng không trùng về ý tưởng, càng không giống nhau về tư liệu, số liệu, về cách giải quyết vấn đề - đó là sự vượt lên chính mình của tác giả. Mỗi bài là một “đối thoại” mới về những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước. Rất nhiều bài chỉ dài hơn một trang, nhưng vấn đề đặt ra thì dài rộng, ý tưởng thì luôn động, như muốn bung vọt ra ngoài cái vỏ ngôn ngữ được nén lại.

Có thể khoanh những bài viết trong tập sách vào mấy chùm chủ đề: khắc họa chân dung tiêu biểu qua một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhà báo, nhà giáo lão thành; nghề báo - vinh dự, rủi ro và trách nhiệm; sáng mãi lý tưởng, tinh thần cách mạng; sức sống, bản lĩnh, trí tuệ, niềm tin Việt Nam - những bước đi, những thành quả của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế; những bông hoa đẹp trong đời sống thường nhật và sự lan tỏa những khát vọng nhân văn thông qua các tùy bút, ghi chép, phê bình văn chương ngồn ngộn hiện thực đời sống hôm nay ở nhiều vùng, miền đất nước…

Tôi cho rằng, những bài khắc họa chân dung mang tính bài học mẫu mực về lý thuyết thể tài: có ý tưởng mới mẻ (nói về cái gì); trực tiếp (đối thoại); hiểu biết (về con người, phong cách); khái quát (về nội dung); ngắn gọn, cô đọng (về hình thức, văn phong). Bạn đọc hiểu thêm về Tổng Bí thư Đỗ Mười mang tầm nhìn chiến lược mà sâu sát, cụ thể đến từng chi tiết; biết thêm về Chủ tịch Trần Đại Quang khi làm Cục trưởng, Tổng cục trưởng cũng đã là nhà báo sắc sảo, tinh tế; về đồng chí Nguyễn Đức Bình uyên bác về lý luận, mà cuộc sống bình dị, khiêm nhường… Bật toát ra từ những trang viết này là ý tưởng khẳng định cách mạng Việt Nam đang vượt qua mọi thách đố, vững bước tới tương lai. Tương tự, khi anh viết về nhà báo Quang Đạm, về Giáo sư Phan Hữu Dật…, độc giả không chỉ được hiểu biết thêm về họ, mà cơ bản hơn, được tiếp thêm ánh sáng lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm đối với con người và công việc…

Ý nghĩa toát ra như “tâm sự” với bạn nghề, với độc giả trong chùm bài về nhà báo, trước hết là thái độ trung thực đến tận đáy về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; về tâm huyết của người cầm bút. Chỉ một bài viết thôi, để được in lên mặt báo, là hàm chứa biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ; ngoài viết đúng, viết hay, còn phải phù hợp thời cuộc và thuần phong mỹ tục dân tộc (mà như anh nói còn là nên hay không nên)…Chúng ta thấy ở tập sách những con số tươi rói, mới mẻ, những vùng đất như được bứng lên đưa vào trang viết, những con người đang suy tư cũng như đang hành động với ý thức tự giác và trách nhiệm trước cuộc đời. Như vậy, nhà báo phải thực tài, tài ở chỗ trong lượng câu chữ ít nhất, nhưng nói được nhiều nhất, sống động nhất, trung thực nhất về một sự kiện, hiện tượng, một vùng đất, một con người… Bản chất cuộc sống là đối thoại. Nhà báo phải “nghe” thấy sự đối thoại của sự kiện ấy, hiện tượng ấy đang nói gì với cuộc sống; và anh ta phải lý giải bản chất, gợi mở tư duy và cách thức làm cho cuộc sống bớt đi mảng tối, cái cao thượng át đi cái thấp hèn, vun đắp cái tốt tươi trở thành rừng cây đẹp… Nói cách khác, hạnh phúc của người làm báo theo Hồng Vinh là góp sức vun đắp, tôn vinh CHÂN - THIỆN - MỸ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

Hồng Vinh là người hạnh phúc được cùng đồng nghiệp phát hiện và khẳng định giá trị nhân văn của những “bông hoa đẹp” đang được lan tỏa rộng trong đời sống, nhân lên tình yêu thương con người, bồi đắp niềm tin, ý chí, nghị lực vào hành trình lao động, sản xuất tuy còn nhiều vất vả, gian nan, nhưng thành quả bước đầu đang hứa hẹn những “mùa gặt” bội thu. Trong tập sách, ta bắt gặp những việc làm cao thượng ở nhiều lớp người, từ cụ già đến lớp trẻ, các chiến sĩ bộ đội, công an… ở khắp Bắc, Trung, Nam, miền xuôi có, miền ngược có, đất liền, hải đảo có. Những bài báo ấy làm ấm áp lòng người!

Nhưng “chất” Hồng Vinh thể hiện rõ nhất ở những bài xã luận ngắn gọn, súc tích, cô đọng, song lại nói được rất nhiều về lý tưởng, bản lĩnh, sức sống, trí tuệ Việt Nam. Đó là tiếng nói đối thoại với thời đại, với non sông, với lịch sử, với bạn bè quốc tế. Nhà báo, với lợi thế nắm nhiều tư liệu đời sống sẽ tham gia ngày càng tích cực và có hiệu quả vào hành trình “đối thoại” này. Tôi cho rằng Hồng Vinh đã và đang làm tốt yêu cầu đó bằng nghệ thuật viết báo có phong cách riêng, mà một nét quen thuộc ở anh là vận dụng nhuần nhuyễn một số phạm trù mâu thuẫn của triết học, đối lập cái tối và cái sáng, cái được và chưa được, cái hay và cái dở…Vấn đề khép lại chỉ là hình thức con chữ, nhằm mở ra những chân trời nội dung thẩm mỹ mới, thắp sáng niềm tin, hy vọng của con người vào tương lai sáng tươi của đất nước.

Tôi thiết nghĩ, riêng ở góc độ đó, ba tập sách “Giữ lửa” của anh đã là sự đóng góp có ý nghĩa đối với việc khẳng định con đường đi lên của đất nước nói chung, của sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ báo chí nói riêng, đã và đang cùng hệ thống chính trị “thắp lửa” và “truyền lửa” cho toàn xã hội, tận dụng thời cơ, vượt lên thách thức mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang tính toàn cầu!./.

Nguyễn Thanh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/giu-lua-mot-tinh-than-doi-thoai-nhe-nhang-thuyet-phuc-n15153.html