'Giữ lửa' cho làng đan đát Phú Tân

Trải qua nhiều thăng trầm, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực truyền nghề của các nghệ nhân làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vẫn trụ vững và phát triển. Một trong những nhân tố tích cực phải kể đến Nghệ nhân Ưu tú Lâm Liếp. Ông là người đã có công giữ gìn và hiện đại hóa nghề đan đát truyền thống, tạo ra những mặt hàng mỹ nghệ được trưng bày ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Liếp tại gian trưng bày sản phẩm đan đát truyền thống.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Liếp tại gian trưng bày sản phẩm đan đát truyền thống.

Trải qua nhiều thăng trầm, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực truyền nghề của các nghệ nhân làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vẫn trụ vững và phát triển. Một trong những nhân tố tích cực phải kể đến Nghệ nhân Ưu tú Lâm Liếp. Ông là người đã có công giữ gìn và hiện đại hóa nghề đan đát truyền thống, tạo ra những mặt hàng mỹ nghệ được trưng bày ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giữa tháng 4, đến ấp Phước Quới, xã Phú Tân, từ xa chúng tôi đã nghe tiếng đục đẽo của cánh thợ làng. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống với nghề đan đát, nghệ nhân Lâm Liếp không ngừng tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước. Nhờ vậy, đến bây giờ ông là một trong những ít nghệ nhân còn giữ được cách đan các loại nông cụ xưa như gầu song, gầu giai, rổ, thúng, xà-ngom (dụng cụ để bắt cá), xà-ki (để xúc lúa), cần xé, chõng tre, bàn, ghế bằng tre… Những vật dụng do ông làm ra không những chắc chắn mà còn tinh tế đến từng đường nét. Ông còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo để thích nghi với nhu cầu người tiêu dùng. Chính vì vậy, các sản phẩm của ông luôn được khách hàng ưa chuộng. Nhất là gần đây, xu hướng giảm sử dụng đồ nhựa khiến người tiêu dùng quay lại với hàng làm bằng tre nứa để bảo vệ môi trường.

Trong căn phòng được chọn làm nơi lưu trữ các vật dụng mẫu để trưng bày cho khách tham quan làng nghề, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Liếp chia sẻ: "Hơn 50 năm trong nghề đan đát, nhưng lúc khó khăn nhất tôi vẫn chưa bao giờ có ý định bỏ nghề vì đây còn là nét văn hóa truyền thống. Khi được Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ cho vay vốn ưu đãi, nghề truyền thống đã được khôi phục. Sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, đơn đặt hàng ổn định". Ðến nay, ở xã Phú Tân, hơn 100 hộ làm nghề đan đát, trong đó có nhiều gia đình được ông Liếp truyền nghề.

Chủ tịch UBND xã Phú Tân Trương Ðắt Pháp cho biết, là xã có hơn 70% số dân là đồng bào Khmer, Phú Tân có những ngành nghề truyền thống như làm bún, làm bánh, đan đát, vẽ tranh trên kiếng… Ðể phát triển ngành nghề truyền thống, giúp nâng cao mức sống của đồng bào Khmer, Nhà nước đã đầu tư kinh phí xây dựng cơ ngơi làng nghề với máy móc, nhà kho, nhà trưng bày. Một hợp tác xã làng nghề được thành lập với gần 100 thành viên đang phát huy hiệu quả tích cực. Ðây không chỉ là niềm vui của những nghệ nhân có tâm huyết như Nghệ nhân Ưu tú Lâm Liếp, mà còn là niềm tự hào rất lớn của người dân tộc Khmer Sóc Trăng khi được Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư để duy trì, phát triển làng nghề, cũng như góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hòa với Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2020 của đồng bào Khmer Nam Bộ, sự hồi sinh của làng nghề truyền thống Phú Tân càng có ý nghĩa khi những nét văn hóa truyền thống luôn được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng.

Bài và ảnh:Nguyễn Phong

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/44084002-giu-lua-cho-lang-dan-dat-phu-tan.html