Giữ lửa cho hò khoan Lệ Thủy

Ngày 25/5 , CLB hò khoan Lệ Thủy đã có buổi thuyết trình 'Con đường di sản Hò khoan Lệ Thủy'.

Một buổi sinh hoạt Hò khoan Lệ Thủy.

Một buổi sinh hoạt Hò khoan Lệ Thủy.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, thật khó có thể kể hết những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của Hò khoan Lệ Thủy. Hò khoan Lệ Thủy có 9 làn điệu, người Lệ Thủy gọi đó là “mái” hò. Mỗi mái hò có cấu thức âm nhạc giai điệu, cách ngắt câu, lớp xố riêng, đó là mái ruổi, mái ba, mái chè, mái nệ, mái sắp.

Hò khoan Lệ Thủy có hình thức diễn xướng rất phong phú qua các điệu hò sông nước, hò cạn, hò giã gạo, hò đưa linh, hò bài chòi... Nhiều hình thức diễn xướng trong đó được xắp xếp thành lớp lang rất nhuần nhuyễn. Tới nay, sau thời gian khoảng 700 năm, người dân đã nghĩ thêm nhiều hình thức hò khác nữa để phục vụ cho việc thi tài năng, biểu diễn…

Tới đây, hò khoan Lệ Thủy sẽ “sinh nhật” tròn 1 tuổi là Di sản Văn hóa Quốc gia. Vẫn theo ông Vĩ, chúng ta có thể đề xuất và bảo vệ Hò khoan Lệ Thủy trước UNESCO bởi những tính chất và đặc sắc văn hóa riêng có.

“Hò khoan Lệ Thủy là gia sản, là của hồi môn của ông bà, tổ tiên để lại cho cháu chắt, chút chít chúng ta. Làm hậu thế tử tế là phải bảo vệ, gìn giữ, phát triển tài sản truyền đời đó. Đừng vì lợi riêng của mình mà giành giật, sẻ chia để làm tan nó đi. Những người thừa kế cần có tư cách, nghĩa vụ, trách nhiệm, tình cảm... của con dân, của công dân. Đạo hiếu nghĩa thể hiện trong hơn 500/1041 bài hò khoan Lệ Thủy có nội dung dạy ta phải phụng sự hò khoan Lệ Thủy như cúng giỗ ông bà tổ tiên mình. Thế mới là tấm lòng chí hiếu”- ông Vĩ nói.

M.Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/giu-lua-cho-ho-khoan-le-thuy-tintuc405185