Giữ làn điệu dân ca Quan họ cổ

Làn điệu Quan họ cổ mang nét đẹp riêng vừa gần gũi, dân dã vừa thiêng liêng, cổ xưa nhưng đang bị lấn át bởi những xu hướng mang tính phổ cập, thị trường.

“Giữ Quan họ sống mãi trong lòng dân mới khó, chứ lưu trong băng, đĩa thì còn nói làm gì”. Đó là những chia sẻ thẳng thắn của nhạc sĩ Đức Miêng trước tình trạng nhiều giọng ca quý, làn điệu hay xuất hiện cách đây vài chục năm hiện chỉ còn được lưu giữ trong băng từ của Viện Âm nhạc và Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh.

Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ Kinh Bắc. Những làn điệu Quan họ xa xưa thường đi liền với những hoạt động sinh hoạt dân gian của người dân Kinh Bắc.

Hát Quan họ trên thuyền

Hát Quan họ trên thuyền

Ngày nay, cùng với nhịp sống của thời đại mới, Quan họ đã được cải biến và có một số điểm khác biệt với thời xưa. Quan họ mới còn được gọi là “hát Quan họ”, là hình thức biểu diễn Quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng, như: Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch...

Quan họ ngày nay có thể biểu diễn ở bất cứ thời điểm nào và không chỉ quần chúng không chuyên mà còn có đội ngũ chuyên nghiệp để biểu diễn trong các dịp lễ lớn. Họ thường hát có đệm nhạc, hát trong đám cưới, tiệc tùng phục vụ thương mại...

Liền chị giao lưu với du khách

Hơn ai hết, những nghệ nhân là người nhận thấy rõ những thay đổi, cải biến trong các làn điệu quan họ xưa và nay. Chia sẻ với Dân Việt, nghệ nhân Nguyễn Thi Sứ cho rằng khác với Quan họ cổ, Quan họ mới dễ nghe và dễ “ngấm” hơn nhiều: “Các bài hát quan họ cổ rất khó” - cô nói, “phải mất thời gian và nghe nhiều thì mới có thể nhận thấy được cái hay, cái đặc sắc của nó”. Cụ Nguyễn Văn Xuân ở xóm Đông, làng Lim (Lũng Giang) - một trong những nghệ nhân Quan họ cao tuổi nhất làng Lim chia sẻ: “Hát Quan họ chủ yếu được đời trước truyền cho đời sau, các nghệ nhân am hiểu về Quan họ cổ mất đi, các làn điệu cổ vì thế mà thất truyền. Hát Quan họ bây giờ cũng không còn giống trước kia nữa”.

Nghệ nhân Nguyễn Thi Sứ

Căn nguyên của điều này là vì các nghệ nhân nay tuổi đã già, sức yếu, giọng hát không được mượt mà và trong trẻo như xưa, những người hiểu, thành thục loại hình Quan họ này không còn nhiều. Thêm vào đó, việc Quan họ cổ bị biến tướng và bị thế hệ sau bỏ quên cũng khiến cho những người còn nặng lòng với loại hình nghệ thuật này phải trăn trở. Nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế, thôn Duệ Đông, (Bắc Ninh), huyện Tiên Du, cho rằng: “Lớp trẻ ngày nay thường chú trọng đến Quan họ thực hành, hiện đại, có sự hỗ trợ của âm thanh, nhạc đệm, lời mới”.

Dù Quan họ cổ đã nhiều sự cải biến nhưng cô Nguyễn Thi Sứ cùng các nghệ nhân khác và những người yêu mến Quan họ sẽ không để Quan họ cổ bị lãng quên, “phải chung tay giữ gìn những gì các cụ nghệ nhân truyền lại, những câu Quan họ cổ, đặc cổ…”.

Mai Chi

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/giu-lan-dieu-dan-ca-quan-ho-co-970830.html