Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam

Các giá trị đạo đức gia đình, giá trị phát triển con người, giá trị văn hóa, cộng đồng từ gia đình là hành trang quý giá cho các thế hệ con người Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy. Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, của các gia đình và của toàn xã hội.

 Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 17-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Kết quả triển khai và một số giải pháp tăng cường thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam trong quá khứ và hiện nay; giải pháp giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; vai trò, vị trí, giá trị của gia đình trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay và trong đóng góp xây dựng xã hội phát triển văn minh, hiện đại.

Đặc biệt là các yếu tố tác động tích cực, tiêu cực đến gia đình hiện đại và giải pháp khắc phục để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc...

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ý kiến đóng góp, đánh giá về những tác động và sự ảnh hưởng của quá trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến gia đình, tạo nên những biến đổi sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, các điều kiện, cơ hội thuận lợi để các gia đình tiếp cận kiến thức giá trị tốt đẹp của các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau và kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại.

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh những biến đổi tích cực, tính độc lập, năng động, sáng tạo của gia đình được phát huy và góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước thì cơ chế thị trường cũng có những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực xã hội trong đó có gia đình. Tình trạng ly hôn có xu hướng tăng, bạo lực gia đình cũng không giảm mạnh, hiện tượng bất bình đẳng trong gia đình vẫn còn, những xung đột, kiện tụng tranh chấp từ nội bộ gia đình cùng những cảnh báo tội ác từ những mâu thuẫn gia đình cũng là hiện tượng không thể xem nhẹ của gia đình, xã hội hiện nay.

Cạnh đó, mô hình gia đình truyền thống bị tác động bởi lối sống hiện đại. Gia đình ít người, ít thế hệ cùng chung sống ngày càng nhiều hơn. Do công việc, học hành bận rộn, quan hệ gia đình như lỏng lẻo hơn, bữa cơm chung thiếu vắng những thành viên, người lớn tuổi cảm thấy cô đơn, trẻ nhỏ dán mắt vào màn hình, giao tiếp ảo nhiều hơn...

Đại biểu chia sẻ tham luận tại Hội thảo

Tuy nhiên theo đồng chí Phạm Phương Thảo, dù gia đình truyền thống hay hiện đại, dù có những biến đổi nhất định nhưng sự đùm bọc yêu thương, chăm sóc lẫn nhau vẫn là vĩnh cữu, vẫn là những giá trị truyền thống tốt đẹp có sức sống lâu bền. Các giá trị đạo đức gia đình, giá trị phát triển con người, giá trị văn hóa, cộng đồng từ gia đình vẫn là hành trang quý giá cho các thế hệ con người Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy.

Đồng chí Phạm Phương Thảo cho rằng, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, của các gia đình và của toàn xã hội. Trong đó, cần coi trọng các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gia đình, xây dựng và triển khai chiến lược chương trình mục tiêu về phát triển gia đình. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển kinh tế gia đình, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy đặc trưng của con người TP.

Cũng cùng quan điểm trên, theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Đại học KHXHNV- ĐHQG TP, nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của gia đình trong thực tế bao gồm chức năng sinh sản, chức năng kinh tế, chức năng văn hóa - giáo dục, cần có những giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, liên tục với định hướng kế hoạch, điều kiện vật chất rõ ràng.

Trên cơ sở những ý kiến tham luận, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thọ Truyền cho rằng, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác gia đình dựa trên quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách cụ thể thiết thực, xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền cũng nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ quan trọng của gia đình trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện đại, định hướng giá trị văn hóa, đạo đức trong xây dựng nhân cách giúp con người nhận ra các giá trị đích thực và sức sống lâu bền của các giá trị truyền thống, tiếp thêm sức mạnh, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ giữ gìn các giá trị đó./.

Tin, ảnh: V.Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/giu-gin-va-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-tot-dep-cua-gia-dinh-viet-nam-570226.html